Khuyến khích đào tạo chương trình CĐ cho HS tốt nghiệp THCS
Bộ LĐ-TB&XH vừa có Công văn 2817/LĐTBXH-TCGDNN gửi các trường Trung cấp (TC), CĐ nghề về việc khuyến khích đào tạo chương trình CĐ cho HS tốt nghiệp THCS. Theo đó, Bộ LĐ-TB&XH đề nghị các trường: Nghiên cứu, xây dựng chương trình, tổ chức đào tạo chương trình CĐ liên thông từ TC dành cho HS tốt nghiệp THCS (chương trình đào tạo CĐ 9+).
Đảm bảo thực hiện đúng theo quy định của Luật GDNN. Người học sẽ được nhận bằng TC, học liên thông lên nhận bằng CĐ cùng ngành, nghề. Chương trình được thiết kế tổng thể, đảm bảo người học khi chuyển từ trình độ TC lên trình độ CĐ không phải học lại những nội dung đã học. Chương trình đào tạo TC được tăng cường đào tạo kiến thức THPT, theo đúng quy định của Bộ GD&ĐT, đảm bảo HS đủ điều kiện tiếp tục học liên thông lên trình độ CĐ.
Du học nghề Hàn Quốc theo diện visa thẳng
Đây là chương trình hợp tác giữa Trường CĐN Công nghệ cao Hà Nội với Công ty Cổ phần Đào tạo và Phát triển nguồn nhân lực IDT. Theo đó, tuyển sinh du học nghề Hàn Quốc theo diện visa thẳng, không phải phỏng vấn cho đợt nhập học tháng 3, tháng 9 hàng năm. Đối tượng tuyển sinh là nam có độ tuổi từ 18 – 29. HS tốt nghiệp THPT trở lên, HS tốt nghiệp TC, CĐ, ĐH. Có sức khỏe tốt, tinh thần chịu khó, cầu tiến, không yêu cầu về chiều cao, cân nặng…
Tham gia chương trình, HS sẽ được đào tạo bài bản, chuyên nghiệp lớp tiếng Hàn Quốc tại Việt Nam; hỗ trợ xin làm thêm ngoài giờ học với mức lương từ 1.200 – 1.500 USD/tháng ngay từ tháng đầu tiên; học 1 năm tại trường CĐ nghề tại Hàn Quốc sẽ chuyển đổi sang visa kĩ sư (E7) và được ở lại làm việc lâu dài tại Hàn Quốc với mức lương 2.500 USD/tháng. Tổng chi phí trọn gói khi tham gia chương trình là 10.500 USD.
Hải Phòng thiếu lao động trầm trọng
Theo số liệu của Sàn giao dịch việc làm TP Hải Phòng, từ đầu năm 2018 đến nay, hàng trăm công ty, xí nghiệp, nhà máy trong tình trạng thiếu lao động. Thiếu nhiều nhất là lao động phổ thông thuộc lĩnh vực may mặc, giày da, điện tử, cơ khí, với số lượng đăng ký tuyển tại sàn giao dịch hơn 20.000 người. Trong khi đó trung bình mỗi năm, TP Hải Phòng chỉ có khoảng 16 - 18 nghìn người vào độ tuổi lao động, khoảng 2/3 trong số này chọn con đường tiếp tục học ĐH.
Khoảng 1/3 số người còn lại phần lớn chọn lao động trực tiếp không qua đào tạo, số ít đi học nghề. Cùng với đó, hàng loạt nhà máy mở rộng sản xuất và các nhà máy mới đi vào hoạt động, nhưng số lao động hằng năm cung cấp cho thị trường lao động không lớn, chỉ khoảng 3 - 5.000 người; hệ thống thông tin thị trường lao động thành phố cũng chưa hoàn thiện, công tác dự báo thị trường lao động chưa thực sự phát huy hiệu quả.