Hợp tác tuyển sinh - tuyển dụng nhân lực chất lượng cao
Trường CĐ Công nghiệp và Thương mại (COIT) vừa tổ chức Lễ ký kết các thỏa thuận trong việc cung ứng lao động cho các DN trong nước, xuất khẩu lao động và du học nước ngoài với các đối tác là Công ty Cổ phần Tập đoàn cung ứng nguồn nhân lực JHL Việt Nam (JHL Group) và Công ty Cổ phần Du học và Thương mại Hoàng Tiến Thành.
Nội dung chính của thỏa thuận hợp tác này là: Đồng tuyển sinh - tuyển dụng để cung cấp nguồn nhân lực cho các DN trong nước và xuất khẩu lao động nước ngoài; Phối hợp đào tạo các trình độ: Sơ cấp, trung cấp, CĐ các ngành nghề xã hội có nhu cầu và cấp bằng cho người lao động… Với việc ký kết các thỏa thuận này, COIT đã thực sự bước chân vào lĩnh vực GDNN chất lượng cao và đem đến cho xã hội các sản phẩm và dịch vụ đào tạo đáp ứng được yêu cầu của xã hội.
Cơ hội mới về du học nghề ở New Zealand
Trường CĐN Công nghệ cao Hà Nội (HHT) vừa phối hợp với Tổ chức Skills International để triển khai chương trình du học nghề tại New Zealand. Theo đó, những SV đang học tại HHT sẽ được ưu tiên chuyển tiếp qua New Zealand học tập và làm việc. HS, SV tốt nghiệp trung cấp, CĐ có thể tham gia chương trình, vừa giúp phát triển và nâng cao trình độ tiếng Anh, vừa có bằng cấp đào tạo để tiếp tục học lên hoặc có thể đi làm, định cư tại New Zealand.
Học phí đào tạo của chương trình là 1.872 NZD/năm (khoảng 30 triệu đồng). Chi phí này có thể sẽ được các DN nhận thực tập ở New Zealand hỗ trợ. Các sinh viên thực tập tại các DN và có lương thực tập từ 20 - 25 triệu/tháng. Sau khi hoàn thành chương trình đào tạo ở trường nghề của New Zealand, các SV được giới thiệu làm việc tại các DN với mức thu nhập 45 - 50 triệu/tháng…
Thanh Hóa: 85% LĐNT có việc làm sau học nghề
Theo Sở LĐ-TB&XH tỉnh Thanh Hoá, sau 8 năm (2010 - 2017), thực hiện công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn (LĐNT) theo Quyết định số 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh Thanh Hoá đã tổ chức được 1.691 lớp dạy nghề cho 51.529 LĐNT, tỷ lệ lao động học xong có việc làm đạt trên 85%.
Đối với nghề nông nghiệp, lao động học nghề xong có thể áp dụng những tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao năng suất cây trồng, vật nuôi. Đào tạo nghề phi nông nghiệp, cơ sở dạy nghề chủ yếu là DN, cơ sở sản xuất, kinh doanh tổ chức dạy nghề, cung ứng nguyên vật liệu và bao tiêu sản phẩm cho người lao động… Bên cạnh đó, đẩy mạnh gắn đào tạo nghề với chương trình xây dựng nông thôn mới, góp phần từng bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động theo hướng lao động nông nghiệp sang lao động phi nông nghiệp.