Chọn mặt gửi vàng

GD&TĐ - Hiện các kỳ thi chọn học sinh giỏi (cấp trường, quận/huyện, tỉnh/thành) được coi trọng và tổ chức nghiêm túc tại địa phương.

Ảnh minh họa Internet.
Ảnh minh họa Internet.

Việc tổ chức các kỳ thi này nhằm động viên, khuyến khích người dạy và người học phát huy năng lực sáng tạo, dạy giỏi, học giỏi. Kỳ thi còn là dịp để phát hiện học sinh có năng khiếu về môn học để tạo nguồn bồi dưỡng, đào tạo nhân tài cho địa phương, đất nước.

Kết quả và quá trình tổ chức kỳ thi là cơ sở để đánh giá chất lượng công tác quản lý, chỉ đạo của các cấp, năng lực tổ chức thực hiện nhiệm vụ chuyên môn của cơ sở giáo dục, góp phần thúc đẩy việc cải tiến, nâng cao chất lượng dạy và học. Qua kỳ thi, địa phương sẽ chọn được những học sinh xuất sắc nhất để thành lập đội tuyển học sinh giỏi của tỉnh/thành tham dự kỳ thi chọn học sinh quốc gia hằng năm.

Tổ chức kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh/thành phố là hoạt động quan trọng trong công tác giáo dục mũi nhọn của địa phương. Trong đó, xây dựng đề thi có thể coi là ông việc khó khăn, nhạy cảm nhất. Trong quy chế thi chọn học sinh giỏi do các sở GD&ĐT ban hành luôn có một chương về công tác đề thi, quy định cụ thể về đề thi đề xuất, hội đồng ra đề, yêu cầu đối với đề thi, quy trình ra đề thi, bảo quản và sử dụng đề thi…

Đề thi luôn được yêu cầu giữ tối mật cho đến hết giờ làm bài thi của môn thi. Nội dung đề thi phải nằm trong phạm vi nội dung được quy định; bảo đảm tính chính xác, khoa học, bao quát nội dung dạy học, phân loại được trình độ, năng lực của thí sinh; được diễn đạt rõ ràng, mạch lạc, không gây hiểu nhầm…

Chất lượng của đề thi phụ thuộc vào người ra đề. Bởi vậy, người ra đề thi đề xuất và được vào hội đồng đều là “chọn mặt, gửi vàng”. Đó thường là các chuyên viên, tổ trưởng, tổ phó bộ môn, giáo viên có năng lực chuyên môn tốt, có phẩm chất đạo đức tốt, tinh thần trách nhiệm cao, nắm vững nghiệp vụ công tác làm thi…

Mới đây, tại Quảng Nam, một giáo viên trường chuyên đã bị sở GD&ĐT kỷ luật bằng hình thức khiển trách vì đề thi học sinh giỏi THPT cấp tỉnh bị trùng với đề cương ôn tập. Trong bản tường trình vụ việc được một số cơ quan báo chí trích đăng, giáo viên này cho biết, khi được trưng dụng ra đề thi, vì trong thời gian ngắn, trình độ có hạn, không đủ khả năng tự nghĩ ra một đề khác đủ để gây khó, thử thách cho học sinh, nên thấy đề nào hay trong ngân hàng đề thi (kể cả ở nước ngoài) thì sửa lại với hy vọng có một đề thi tốt.

Điều này khiến dư luận lo lắng sự việc vẫn có thể lặp lại nếu giáo viên ra đề thi đồng thời là người tham gia bồi dưỡng đội tuyển. Đây cũng là một cảnh báo để các sở GD&ĐT có quy định chặt chẽ hơn đối với nhân sự ra đề thi học sinh giỏi, tránh tuyệt đối hiện tượng “giải đi theo thầy”.

Ví dụ, Quy chế thi chọn học sinh giỏi của tỉnh Vĩnh Phúc được ban hành tháng 9/2022 quy định khá chặt chẽ: Người tham gia bồi dưỡng học sinh giỏi, bồi dưỡng đội tuyển môn thi thuộc chương trình thi, khối thi nào thì không được tham gia công tác ra đề, chấm thi, phúc khảo bài thi của môn thi thuộc chương trình thi, khối thi đó (không áp dụng quy định này đối với Hội đồng thi chọn đội tuyển tham dự kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia). Người tham gia bồi dưỡng học sinh giỏi, bồi dưỡng đội tuyển thuộc chương trình THPT chuyên có thể tham gia công tác ra đề, chấm thi, phúc khảo bài thi của môn thi thuộc chương trình THPT không chuyên và ngược lại.

Ra đề là việc khó. Ra đề để chọn được học sinh giỏi khó hơn nhiều lần. Do đó, giáo viên không chỉ giỏi, có kinh nghiệm ra đề, mà còn cần được bồi dưỡng, tập huấn bài bản. Ngân hàng đề cũng cần được chú trọng để bảo đảm nguồn đề cho kỳ thi học sinh giỏi hằng năm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ