Sẵn sàng nhân lực
Theo chỉ đạo của Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Tĩnh, Thanh tra Sở đã chủ động nghiên cứu các văn bản hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, từ đó, xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra cho cả Kỳ thi; phối hợp với Thanh tra tỉnh, địa phương, nhà trường để chuẩn bị, lựa chọn nhân lực, đồng thời phối hợp giám sát, thanh tra, kiểm tra các khâu của Kỳ thi.
“Lâu nay, Hà Tĩnh đã làm tốt công tác này với lực lượng cộng tác viên đông đảo, nhiều kinh nghiệm và sẵn sàng tham gia nhiệm vụ với tinh thần, ý thức trách nhiệm cao nhất. Địa bàn tỉnh không có quá nhiều vùng sâu, vùng xa, điểm xa nhất cách tỉnh lỵ khoảng 70km, giao thông thuận tiện cũng là một thuận lợi.
Sau khi các điểm thi được thành lập, Hà Tĩnh mới lựa chọn cán bộ, giáo viên tham gia công tác thanh tra thi; làm sao người được chọn đi thanh tra các điểm thi không cùng đơn vị với người tham gia coi thi để bảo đảm khách quan”, Chánh Thanh tra Sở GD&ĐT Hà Tĩnh cho hay.
Thông tin từ Chánh Thanh tra Sở GD&ĐT Hoàng Bá Hùng, Hà Tĩnh có 35 điểm thi, 745 phòng thi, 17.294 thí sinh đăng ký dự thi. Thực hiện Hướng dẫn 2158 của Bộ GD&ĐT, Hà Tĩnh dự kiến huy động 98 người làm công tác thanh tra, kiểm tra ở các điểm thi và 15 người dự phòng; đoàn kiểm tra, giám sát thanh tra thi khoảng 5 - 6 người; trực thi 3 người.
Nhân lực này được điều động từ cán bộ thuộc Thanh tra sở; công chức, viên chức các phòng ban thuộc sở; cán bộ quản lý như phó hiệu trưởng, tổ trưởng chuyên môn, cộng tác viên thanh tra tại cơ sở giáo dục, cụ thể là trường THPT công lập trên toàn tỉnh.
Tại Tuyên Quang, ông Nguyễn Văn Hiền, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT, cho biết: Căn cứ văn bản hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, sở GD&ĐT đã rà soát, lựa chọn cán bộ, giáo viên đủ phẩm chất, năng lực, ưu tiên người có kinh nghiệm làm nhiệm vụ thanh tra thi.
Thời điểm hiện tại, Sở đã hoàn tất việc rà soát và có khoảng 85 người đủ điều kiện, tiêu chuẩn. Sở sẽ ban hành quyết định thành lập Đoàn thanh tra công tác chuẩn bị thi trước ngày 2/6 để kiểm tra công tác lựa chọn cơ sở vật chất, phương án bố trí các phòng thi tại điểm thi, phòng bảo quản đề thi, bài thi, camera an ninh; khu vực sao in đề thi… và các điều kiện khác theo quy định của quy chế thi.
Cũng theo ông Nguyễn Văn Hiền, Ban Chỉ đạo cấp tỉnh đã phân công nhiệm vụ cho từng thành viên trực tiếp kiểm tra công tác chuẩn bị và tổ chức Kỳ thi tại 29 điểm thi trên địa bàn. Trọng tâm kiểm tra việc chuẩn bị cơ sở vật chất tại các điểm thi, an toàn, an ninh trật tự, tổ chức ôn tập, cập nhật và hoàn thiện cơ sở dữ liệu đăng ký dự thi của thí sinh... Sở GD&ĐT đã chủ trì phối hợp với Thanh tra tỉnh xây dựng kế hoạch thanh tra.
Hội nghị tập huấn nghiệp vụ thanh tra, kiểm tra Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023. Ảnh: ITN |
Con người quyết định hiệu quả công tác thanh tra
Xác định thanh tra, kiểm tra là một trong những yếu tố quan trọng quyết định thành công của Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023, Sở GD&ĐT Hải Dương đã giao Thanh tra Sở tham mưu lựa chọn lực lượng, xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra tất cả khâu của Kỳ thi.
Giữa tháng 5/2023, sở GD&ĐT đã thành lập 3 đoàn kiểm tra công tác chuẩn bị cho Kỳ thi ở các điểm thi. Trong đó tập trung kiểm tra việc thực hiện chương trình, kiểm tra đánh giá, xếp loại học sinh, đăng ký dự thi, chuẩn bị các điều kiện cho Kỳ thi. Qua đó kịp thời phát hiện, kiến nghị khắc phục những tồn tại, hạn chế.
Để chuẩn bị các khâu tiếp theo, Thanh tra Sở GD&ĐT Hải Dương đã rà soát, chuẩn bị lực lượng tham gia thanh tra công tác coi thi, chấm thi. Theo đó, dự kiến thành lập đoàn thanh tra công tác coi thi gồm 122 thành viên làm nhiệm vụ trực thi, thanh tra lưu động và cắm chốt tại 42 điểm thi. Đoàn thanh tra chấm thi dự kiến 10 thành viên.
Thành phần tham gia là lãnh đạo, thanh tra viên của Thanh tra Sở; lãnh đạo, chuyên viên các phòng chuyên môn thuộc sở, bên cạnh đó là cộng tác viên thanh tra đến từ cơ sở giáo dục trực thuộc trong toàn tỉnh. Đội ngũ cộng tác viên là cán bộ, giáo viên có kinh nghiệm trong chuyên môn, hiện đang đảm nhiệm những chức vụ lãnh đạo nhất định.
“Yếu tố quan trọng quyết định hiệu quả công tác thanh tra là lựa chọn cán bộ tinh nhuệ, thạo việc, nắm vững quy chế thi; đồng thời phải phối hợp tốt giữa các lực lượng tham gia, đảm bảo cho Kỳ thi diễn ra an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế và đạt kết quả cao”, đại diện Sở GD&ĐT Hải Dương nhấn mạnh.
Cùng quan điểm, ông Nguyễn Văn Hiền, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Tuyên Quang, cho rằng, để hoạt động thanh tra hiệu quả, yếu tố quan trọng là lựa chọn người tham gia.
Ngoài bảo đảm điều kiện tiêu chuẩn theo quy định, phải có tinh thần, trách nhiệm, nắm chắc quy chế thi và nghiệp vụ thanh tra; thực thi nhiệm vụ đúng quy chế thi và quy định của pháp luật về công tác thanh tra. Cùng với đó, tổ chức tập huấn nghiệp vụ thanh tra, kiểm tra cho các thành viên trong đoàn hiệu quả, nghiêm túc; để từng thành viên nắm chắc quy chế thi, nghiệp vụ thanh tra và các quy định của pháp luật về công tác thanh tra.
Với Hà Tĩnh, ông Hoàng Bá Hùng cho biết, Thanh tra Sở tập trung tập huấn đầy đủ, bài bản cho đội ngũ làm công tác thanh tra, kiểm tra để nắm vững, nắm chắc quy chế, quy trình thanh tra, kiểm tra tạo tâm thế chủ động, tự tin khi được cấp có thẩm quyền giao nhiệm vụ. Một trong những cách làm của Hà Tĩnh giúp nâng cao chất lượng nhân lực làm công tác thanh tra thi là địa phương vận dụng triệt để Quy chế, hướng dẫn thi tốt nghiệp THPT năm 2023 trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT, trong đó có công tác thanh tra.