Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng - Trưởng Ban Chỉ đạo cấp quốc gia Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 - dự, chỉ đạo hội nghị. Cùng tham dự có đại diện lãnh đạo các vụ, cục liên quan của Bộ GD&ĐT; đại diện Bộ Công an; lãnh đạo Sở và cán bộ cốt cán đến từ 31 sở GD&ĐT, 68 cơ sở giáo dục đại học khu vực phía Bắc (từ Thừa Thiên Huế trở ra). Đây là hội nghị tập huấn đầu tiên về nghiệp vụ thanh tra, kiểm tra Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay.
Nhiệm vụ quan trọng trong tổ chức thi tốt nghiệp THPT
Nhấn mạnh tính chất quan trọng của Kỳ thi tốt nghiệp THPT, phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng - Trưởng Ban Chỉ đạo cấp quốc gia Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 - nhận định: Đây là kỳ thi có quy mô lớn - diễn ra trên toàn quốc; dù thí sinh chỉ làm bài thi trong 2 ngày, nhưng từ công tác chuẩn bị, in sao đề thi, tổ chức thi, chấm thi, phúc khảo, công bố kết quả… diễn ra trong hơn 2 tháng; khối lượng công việc lớn, chủ thể tham gia rất đông, đòi hỏi sự tập trung cao độ và được toàn xã hội quan tâm.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT nhằm đánh giá kết quả học tập của học sinh trong 12 năm học phổ thông; lấy kết quả thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT; làm cơ sở đánh giá chất lượng dạy, học của trường phổ thông và công tác chỉ đạo của các cơ quan quản lý giáo dục. Các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp có thể sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT để tuyển sinh. Tính chất quan trọng của Kỳ thi như vậy, theo Thứ trưởng, đòi hỏi sự nghiêm minh, công bằng, khách quan, trung thực.
Thủ tướng Chính phủ vừa ký ban hành Chỉ thị về tăng cường chỉ đạo, phối hợp tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, giáo dục nghề nghiệp năm 2023. Theo đó, 1 trong 4 nhiệm vụ quan trọng của Bộ GD&ĐT là tập trung thực hiện hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát Kỳ thi và tuyển sinh đại học, cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non. Chia sẻ quan điểm về công tác thanh tra, kiểm tra, Thứ trưởng nhấn mạnh đến việc phòng ngừa, ngăn chặn và phương pháp, cách thức, thái độ trong quá trình thực hiện nhiệm vụ thanh tra, giám sát.
Hội nghị tập huấn nghiệp vụ thanh tra, kiểm tra Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023. |
Theo đó, làm việc đúng quy chế, đúng quy định, đúng chức trách, nhiệm vụ; thái độ làm việc nhẹ nhàng, thân thiện, nhưng vẫn nghiêm túc, cương quyết. Cùng với đó, chú trọng công tác phối hợp hiệu quả, nhịp nhàng giữa Thanh tra Bộ GD&ĐT với các đoàn thanh tra ủy quyền của Bộ, thanh tra của địa phương, với Bộ Công an và các lực lượng khác. Coi trọng sự chủ động của thanh tra trong xây dựng kế hoạch, đề xuất nội dung, thời điểm… để bảo đảm vừa bao quát nhiệm vụ, vừa trọng tâm, trọng điểm, không chồng chéo…
Để tổ chức tốt Kỳ thi tốt nghiệp THPT, công tác chuẩn bị rất quan trọng, từ cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực đến tập huấn, bồi dưỡng… Do đó, trong 1 ngày diễn ra hội nghị, Thứ trưởng yêu cầu các đại biểu tham gia tập huấn cần tập trung cao độ, tuyệt đối không chủ quan.
Với các báo cáo viên, ngoài tài liệu thanh tra đã cung cấp, cần phổ biến nội dung cốt lõi; nêu tình huống, vấn đề dễ phát sinh tiêu cực, dễ rủi ro để lường trước, dự báo tình huống bất thường có thể xảy ra… Tinh thần là giải thích, làm rõ tối đa; nội dung còn vướng mắc, hoặc chưa trả lời đầy đủ được trong hội nghị sẽ tập hợp lại để có trả lời, phản hồi phù hợp.
Sau hội nghị tập huấn, các cán bộ dự hội nghị về địa phương, nhà trường quán triệt lại, dành tâm sức, trí tuệ, thời gian cho công tác tác thanh tra, kiểm tra để đạt kết quả thực chất.
Thứ trưởng tin tưởng Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 sẽ thành công tốt đẹp; trong đó có đóng góp thiết thực, hiệu quả của các lực lượng, trong đó có lực lượng làm công tác thanh tra, kiểm tra.
Ông Nguyễn Đức Cường, Chánh Thanh tra Bộ GD&ĐT phát biểu tại hội nghị. |
Thanh tra, kiểm tra các khâu của Kỳ thi
Ông Nguyễn Đức Cường, Chánh Thanh tra Bộ GD&ĐT cho biết: Năm nay thành lập 4 đoàn của Ban Chỉ đạo cấp quốc gia Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 và Lãnh đạo Bộ GD&ĐT làm việc với Ban Chỉ đạo cấp tỉnh, Sở GD&ĐT, Hội đồng thi. Thành viên đoàn là các thành viên Ban Chỉ đạo cấp quốc gia, tổ thư ký giúp việc Ban Chỉ đạo cấp quốc gia, gồm đại diện các cơ quan: Công an, Thanh tra, Cục Quản lý chất lượng, Vụ Giáo dục Trung học; các cơ quan khác (nếu có).
Sở GD&ĐT tham mưu Ban Chỉ đạo cấp tỉnh thực hiện kiểm tra công tác chỉ đạo, chuẩn bị, tổ chức coi thi, chấm thi, phúc khảo bài thi và xét công nhận tốt nghiệp THPT tại địa phương theo quy định của Quy chế thi.
Về thanh tra, kiểm tra công tác chuẩn bị thi: Bộ GD&ĐT kiểm tra công tác chỉ đạo, chuẩn bị thi của Sở GD&ĐT, Hội đồng thi. Thành lập 10 đoàn kiểm tra tại 20 Sở GD&ĐT (không tính các đoàn của Ban Chỉ đạo cấp quốc gia) theo 3 miền Bắc, Trung, Nam. Kiểm tra trực tiếp tại các địa phương, thời gian kiểm tra trực tiếp dự kiến 2 ngày/Sở GD&ĐT, Hội đồng thi.
Thanh tra Bộ GD&ĐT, Thanh tra Sở GD&ĐT bố trí lực lượng trực tiếp nhận thông tin, hướng dẫn các đoàn thanh tra, kiểm tra thực hiện nhiệm vụ theo quy định; kịp thời tiếp nhận, xử lý thông tin phản ánh, báo cáo Lãnh đạo Bộ, Lãnh đạo Sở theo quy định.
Sở GD&ĐT thanh tra hoặc kiểm tra công tác chuẩn bị thi, khu vực in sao đề thi. Số lượng, thành phần đoàn, thời gian, nội dung, đối tượng thanh tra hoặc kiểm tra do Thanh tra Sở GD&ĐT tham mưu.
Về thanh tra, kiểm tra công tác coi thi: Bộ GD&ĐT kiểm tra công tác chỉ đạo, tổ chức coi thi và công tác thanh tra coi thi của Sở GD&ĐT, Hội đồng thi và Điểm thi; thực hiện kiểm tra trực tiếp tại các Hội đồng thi, Điểm thi. Thành lập 63 đoàn kiểm tra tại 63 Sở GD&ĐT (không tính các đoàn của Ban Chỉ đạo cấp quốc gia).
Số lượng cán bộ tối thiểu làm nhiệm vụ kiểm tra trực tiếp trong thời gian coi thi tại một Điểm thi thực hiện theo nguyên tắc: dưới 20 phòng thi - 2 người; từ 20 đến 40 phòng thi - 3 người; từ 41 phòng thi trở lên - 4 người.
Đối với các Điểm thi có các phòng thi bố trí phân tán hoặc nhiều tầng khác nhau thì số cán bộ kiểm tra/Điểm thi có thể lớn hơn tùy theo tình hình thực tế do trưởng đoàn kiểm tra quyết định
Thành phần đoàn kiểm tra là cán bộ, giảng viên, người lao động các cơ sở đào tạo do Bộ trưởng Bộ GD&ĐT điều động.
Mỗi Điểm thi có 1 tổ kiểm tra trực tiếp trong thời gian diễn ra công tác coi thi với số lượng tối thiểu như trên. Bộ GD&ĐT ban hành Quyết định thành lập đoàn kiểm tra, ký ban hành Thông báo kết quả kiểm tra. Giao cho thủ trưởng cơ sở đào tạo có cán bộ, giảng viên, người lao động được điều động làm Trưởng đoàn kiểm tra công tác coi thi của Bộ GD&ĐT ký phê duyệt kế hoạch tiến hành kiểm tra. Thời gian kiểm tra theo lịch thi Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023.
Sở GD&ĐT: Thành lập đoàn thanh tra công tác coi thi của Hội đồng thi và Điểm thi. Thanh tra trực tiếp tại Hội đồng thi và các Điểm thi trong thời gian tổ chức thi.
Số lượng cán bộ tối thiểu của một Tổ thanh tra trực tiếp tại một Điểm thi thực hiện theo nguyên tắc: Dưới 20 phòng thi - 2 người; từ 20 đến 30 phòng thi - 3 người; từ 31 đến 40 phòng thi - 4 người; từ 41 phòng thi trở lên - 5 người.
Đối với các Điểm thi có các phòng thi bố trí phân tán hoặc nhiều tầng khác nhau thì số cán bộ thanh tra/Điểm thi có thể lớn hơn tùy theo tình hình thực tế do Trưởng đoàn thanh tra quyết định. Thời gian thanh tra theo lịch thi Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023.
Ông Nguyễn Ngọc Hà, Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT) chia sẻ xung quanh Quy chế và hướng dẫn thi tốt nghiệp THPT năm 2023. |
Với thanh tra, kiểm tra công tác chấm thi, Bộ GD&ĐT kiểm tra công tác chỉ đạo, tổ chức chấm thi và công tác thanh tra chấm thi của Sở GD&ĐT, Hội đồng thi và các Ban liên quan đến công tác chấm thi.
Thành lập 63 Đoàn kiểm tra tại 63 Sở GD&ĐT, mỗi Đoàn từ 3 đến 5 người do Bộ GD&ĐT điều động từ các Sở GD&ĐT và cơ sở đào tạo. Thời gian theo lịch chấm thi tốt nghiệp THPT năm 2023.
Hình thức/cách thức: Người của Sở GD&ĐT này sẽ làm nhiệm vụ kiểm tra tại Sở GD&ĐT khác. Bộ GD&ĐT ban hành Quyết định thành lập đoàn kiểm tra chấm thi, ký ban hành Thông báo kết quả kiểm tra. Giao Giám đốc Sở GD&ĐT/Thủ trưởng cơ sở đào tạo có cán bộ, công chức, giảng viên, người lao động được điều động làm Trưởng đoàn kiểm tra chấm thi của Bộ GD&ĐT ký phê duyệt kế hoạch tiến hành kiểm tra.
Hoạt động thanh tra, kiểm tra Kỳ thi 2023 góp phần giúp Kỳ thi diễn ra an toàn, nghiêm túc, đúng Quy chế thi;
Kịp thời nắm bắt thông tin, phản ánh về Kỳ thi giúp cơ quan quản lý, tổ chức, cá nhân tham gia Kỳ thi thực hiện đúng Quy chế thi, các văn bản liên quan đến việc tổ chức Kỳ thi và chỉ đạo của Bộ GD&ĐT.
Phòng ngừa, phát hiện những hạn chế, bất cập để xử lý hoặc kiến nghị xử lý vi phạm (nếu có); kiến nghị cơ quan có thẩm quyền hoàn thiện các quy định về Kỳ thi trong những năm tiếp theo.
Sở GD&ĐT thanh tra công tác tổ chức làm phách bài thi tự luận, chấm thi tự luận, chấm thi trắc nghiệm và việc ghép phách, nhập điểm bài thi của Hội đồng thi và các ban có liên quan. Thành lập Đoàn thanh tra, số lượng tối thiểu 5 người/Đoàn do Thanh tra Sở GD&ĐT tham mưu. Thời gian theo lịch chấm thi tốt nghiệp THPT năm 2023.
Thanh tra, kiểm tra phúc khảo bài thi: Bộ GD&ĐT kiểm tra công tác chỉ đạo, tổ chức phúc khảo và thanh tra phúc khảo bài thi của Sở GD&ĐT. Thành lập 5 đoàn kiểm tra tại 10 Sở GD&ĐT với thành phần 3 người/đoàn, là công chức Thanh tra Bộ, các Vụ, Cục thuộc Bộ GD&ĐT. Thời gian dự kiến 2 ngày/Sở GD&ĐT.
Sở GD&ĐT thanh tra công tác phúc khảo bài thi; thành lập Đoàn thanh tra, số lượng, thành phần do Thanh tra Sở GD&ĐT tham mưu. Thời gian theo lịch phúc khảo Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023.
Thanh tra việc xét công nhận tốt nghiệp: Sở GD&ĐT thành lập đoàn thanh tra hoặc kiểm tra việc xét công nhận tốt nghiệp tại địa phương. Thành phần đoàn, thời gian, nội dung, đối tượng do Thanh tra Sở GD&ĐT tham mưu.
Thanh tra, kiểm tra đột xuất công tác coi thi, chấm thi: Thanh tra Bộ GD&ĐT, Thanh tra Sở GD&ĐT chuẩn bị lực lượng để thành lập các đoàn kiểm tra, thanh tra đột xuất khi có dấu hiệu vi phạm hoặc theo chỉ đạo của Lãnh đạo; dự phòng tình huống xảy ra thiên tai, dịch bệnh hoặc tình huống bất khả kháng khác.
Tại hội nghị, ông Nguyễn Ngọc Hà, Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT) đã có những chia sẻ xung quanh Quy chế và hướng dẫn thi tốt nghiệp THPT năm 2023; cán bộ Cục Kỹ thuật nghiệp vụ (Bộ Công an) hướng dẫn kiểm tra, phát hiện thiết bị công nghệ cao có thể gian lận trong Kỳ thi. Những ý kiến về công tác thanh tra, kiểm tra Kỳ thi cũng được Thanh tra Bộ GD&ĐT giải đáp tại hội nghị tập huấn.
Tiếp sau hội nghị hôm nay, hội nghị tập huấn cho khu vực phía Nam sẽ diễn ra tại TP.Hồ Chí Minh dự kiến vào 1/6 tới.
Cũng trong tháng 6, Bộ GD&ĐT sẽ tổ chức tập huấn đoàn kiểm tra kiểm tra công tác chuẩn bị thi, chấm thi, phúc khảo bài thi; công tác thanh tra, kiểm tra lưu động và đột xuất cho những người dự kiến tham gia các đoàn thanh tra, kiểm tra của Bộ GD&ĐT, dự kiến tại Hải Phòng ngày 5/6 và Cần Thơ ngày 8/6 .