Ban hành hướng dẫn thanh tra, kiểm tra thi tốt nghiệp THPT 2023

GD&TĐ - Bộ GD&ĐT vừa ban hành hướng dẫn thanh tra, kiểm tra Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023.

Ảnh minh họa/ITN
Ảnh minh họa/ITN

Các nội dung thanh tra, kiểm tra

Theo hướng dẫn, Đoàn thanh tra, kiểm tra của Bộ GD&ĐT thực hiện thanh tra, kiểm tra việc ban hành văn bản, công tác chỉ đạo, tổ chức về Kỳ thi của Ban chỉ đạo thi cấp tỉnh, Sở GD&ĐT và Hội đồng thi; công tác tổ chức Kỳ thi của sở GD&ĐT, Hội đồng thi và Điểm thi; công tác thanh tra, kiểm tra thi của Sở GD&ĐT.

Đoàn thanh tra, kiểm tra của sở GD&ĐT thực hiện thanh tra, kiểm tra công tác tổ chức Kỳ thi của Hội đồng thi và Điểm thi.

Cụ thể, sẽ thực hiện thanh tra, kiểm tra: Công tác chuẩn bị thi, công tác coi thi, công tác chấm thi, công tác phúc khảo bài thi và công tác xét công nhận tốt nghiệp THPT.

Trước ngày 1/7/2023, Chánh Thanh tra Bộ GD&ĐT quyết định thành lập đoàn thanh tra, kiểm tra công tác chỉ đạo, tổ chức kỳ thi và công tác thanh tra, kiểm tra các khâu của Kỳ thi tại địa phương; trường hợp cần thiết, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT quyết định.

Chánh Thanh tra Sở GD&ĐT quyết định thành lập đoàn thanh tra, kiểm tra công tác chuẩn bị thi, coi thi, chấm thi, phúc khảo bài thi và xét công nhận tốt nghiệp THPT của Sở GD&ĐT; trường hợp cần thiết, Giám đốc Sở GD&ĐT quyết định.

Từ ngày 1/7/2023, thẩm quyền quyết định thành lập đoàn thanh tra được thực hiện theo quy định của Luật Thanh tra số 11/2022/QH15.

Cục trưởng Cục Nhà trường xây dựng kế hoạch kiểm tra và ban hành quyết định thành lập các đoàn kiểm tra công tác chuẩn bị thi, xét công nhận tốt nghiệp THPT đối với cơ sở giáo dục thuộc thẩm quyền quản lý.

Ảnh minh họa/ITN.

Ảnh minh họa/ITN.

Quy định điều kiện, tiêu chuẩn người tham gia thanh tra, kiểm tra

Về điều kiện, tiêu chuẩn của người tham gia thanh tra, kiểm tra, hướng dẫn của Bộ GD&ĐT quy định rõ:

Người tham gia thanh tra, kiểm tra là công chức thanh tra, cộng tác viên thanh tra giáo dục của địa phương đối với đoàn thanh tra, kiểm tra của Sở GD&ĐT;

Là công chức thanh tra, cộng tác viên thanh tra giáo dục hoặc người làm công tác thanh tra nội bộ, cán bộ, viên chức, giảng viên cơ hữu của đại học, trường đại học, học viện, trường cao đẳng có đào tạo giáo viên mầm non trình độ cao đẳng đối với đoàn thanh tra, kiểm tra của Bộ GD&ĐT;

Là cán bộ của Cục Nhà trường đối với đoàn kiểm tra của Cục Nhà trường và được đánh giá, xếp loại ở mức hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên trong năm 2022.

Người tham gia thanh tra, kiểm tra có trình độ chuyên môn phù hợp với yêu cầu và nhiệm vụ của thanh tra giáo dục; đã tham dự tập huấn Quy chế thi, nghiệp vụ thanh tra, kiểm tra thi và đạt yêu cầu bài đánh giá sau tập huấn.

Những người không được tham gia đoàn thanh tra, kiểm tra gồm:

Người có vợ, chồng, cha, mẹ, con, anh ruột, chị ruột, em ruột; cha, mẹ, anh ruột, chị ruột, em ruột của vợ hoặc chồng; người giám hộ; người được giám hộ dự thi trong năm tổ chức Kỳ thi không được tham gia công tác thanh tra, kiểm tra thi tại Hội đồng thi nơi có người thân dự thi hoặc tham gia tổ chức thi.

Người đang trong thời gian bị xem xét xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Người có hành vi vi phạm bị xử lý kỷ luật hoặc đã bị kết án mà chưa hết thời hạn xóa kỷ luật, xóa án tích. Người không đủ các điều kiện khác để tham gia đoàn thanh tra, kiểm tra theo quy định của pháp luật.

Thanh tra Bộ GD&ĐT chủ trì tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ thanh tra, kiểm tra thi cho cán bộ cốt cán các sở GD&ĐT, Cục Nhà trường và cơ sở đào tạo có người tham gia các đoàn thanh tra, kiểm tra của Bộ; tập huấn nghiệp vụ cho các đoàn thanh tra, kiểm tra công tác chuẩn bị thi, chấm thi, phúc khảo của Bộ GD&ĐT.

Sở GD&ĐT, Cục Nhà trường, cơ sở đào tạo tổ chức quán triệt Quy chế thi, tập huấn nghiệp vụ thanh tra, kiểm tra thi và các quy định có liên quan cho cán bộ, công chức, viên chức tham gia thanh tra, kiểm tra thi.

Thủ trưởng các đơn vị có trách nhiệm, lựa chọn, đề xuất người tham gia các đoàn thanh tra, kiểm tra thi đáp ứng theo quy định.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Binh lính Đức Quốc xã giương cờ trắng đầu hàng ngày 13/5/1945.

Cờ trắng đầu hàng có từ khi nào?

GD&TĐ - Trong chiến tranh, khi xét thấy không thể chống cự lại đối phương, đội quân yếu thế thường giương một lá cờ trắng biểu thị sự đầu hàng.