Vậy đằng sau động thái của ông thầy giàu thành tích nhất bóng đá Việt Nam là gì?
Hơn cả kì tích
Kì tích có lẽ là chưa đủ để nói về hành trình chinh phục tấm vé dự World Cup của đội tuyển nữ Việt Nam. Để đi tới thành công, thầy trò huấn luyện viên Mai Đức Chung đã phải trải qua muôn vàn khó khăn với ý chí và sự kiên định đáng khâm phục.
Tham dự sân chơi lớn như FIFA World Cup là giấc mơ của mọi nền bóng đá. Việt Nam cũng vậy! Chúng ta đã từng 2 lần góp mặt ở sân chơi lớn nhất thế giới (U20 World Cup và World Cup futsal) nhưng đây mới là lần đầu tiên với bóng đá nữ. Cảm xúc vỡ òa, sung sướng và tự hào đã thể hiện trong màn ăn mừng tại sân DY Patil (Ấn Độ) của các tuyển thủ, ban huấn luyện và người dân Việt Nam.
Đã có những tiếng nấc nghẹn ngào của các nữ tuyển thủ ở giây phút lịch sử, khi tiếng còi kết thúc trận đấu của trọng tài Yoshimi Yamashita vang lên. Dù rất tin tưởng nhưng có lẽ huấn luyện viên Mai Đức Chung và các học trò cũng không thể tin rằng họ đã nắm trong tay tấm vé tham dự ngày hội lớn nhất của bóng đá thế giới dành cho phái đẹp.
Chiến tích của ông Chung “xe ca”, giờ đây có lẽ nên gọi là ông Chung “World Cup” đã phá bỏ mọi ranh giới và sự ám ảnh đã kéo dài trong gần 8 năm qua. Hồi tháng 5/2014, đội tuyển nữ Việt Nam cũng từng tiến rất gần tấm vé dự FIFA World Cup khi bước vào trận play-off với Thái Lan. Chỉ tiếc rằng tại sân Thống Nhất năm đó, các cô gái áo đỏ đã để thua 1-2. Những giọt nước mắt trong buổi chiều buồn hôm đó là tiếp thêm động lực cho thầy trò huấn luyện viên Mai Đức Chung trong chiến dịch tại Ấn Độ.
Kì tích! Hẳn là vậy bởi đây là chiến tích tự hào nhất của bóng đá nữ Việt Nam sau rất nhiều năm phát triển. Kể cả khi nhận được ít sự quan tâm của người hâm mộ và các mạnh thường quân, các nữ chiến binh vẫn nỗ lực hàng ngày vì giấc mơ World Cup. Họ đã thể hiện được tinh thần kiên cường, bất khuất của người phụ nữ Việt Nam. Nhưng chỉ nói kì tích thôi có lẽ là chưa đủ để miêu tả những gì thầy trò Mai Đức Chung đã làm được trên đất Ấn Độ. Đằng sau tấm vé đầy tự hào ấy là cả một câu chuyện đáng khâm phục về tinh thần chiến đấu.
Đội tuyển nữ Việt Nam đã có những may mắn nhất định khi bước vào trận hạ màn vòng play-off với lực lượng gần như tốt nhất. Trong khi đó, đội nữ Đài Loan đã mất tới 8 cầu thủ vì Covid-19. Nhưng cần phải nhấn mạnh rằng trước đó, thầy trò Mai Đức Chung tưởng như đã phải bỏ giải vì Covid-19. Trong chuyến tập huấn tại Tây Ban Nha, phần lớn đội hình đội tuyển nữ Việt Nam đã mắc Covid-19. Ngay trước thềm mở màn, thầy trò Mai Đức Chung sang Ấn Độ với vỏn vẹn 6 cầu thủ. Đấy là thách thức quá lớn. Giấc mơ World Cup của đội tuyển nữ Việt Nam những tưởng đã đổ vỡ trước giờ bóng lăn!
Nhưng không! Những khó khăn khách quan không làm lung lay ý chí mạnh mẽ của các cô gái Việt Nam. Cuối cùng thì mọi chuyện đã diễn ra suôn sẻ. Dù sức khỏe chưa ổn định, nhiều nữ tuyển thủ vẫn ra sân chiến đấu. Qua mỗi trận đấu, đội bóng của Mai Đức Chung lại thêm mạnh mẽ hơn. Điều đó thể hiện rõ ở kết quả thi đấu. Một ngày trước trận ra quân, huấn luyện viên Mai Đức Chung mới có đủ nhân sự để tập luyện và lắp ráp đội hình.
Đội tuyển nữ Việt Nam sau đó lần lượt thua Hàn Quốc (0 - 3) rồi Nhật Bản (0 - 3). Trong trận đấu quyết định, hai lần bị Myanmar dẫn trước, nhưng đội tuyển nữ Việt Nam vẫn kiên trì gỡ hòa 2 - 2 để đoạt vé vào tứ kết với tư cách là một trong hai đội đứng thứ ba có thành tích tốt. Thua Trung Quốc 1 - 3 ở tứ kết, do đó, đội tuyển phải dự vòng play-off, lần lượt thắng Thái Lan rồi Đài Loan để đoạt vé dự World Cup, phần thưởng xứng đáng cho ý chí Việt Nam. Khi đã trải qua rất nhiều khó khăn để đi tới thành công, người ta mới cảm nhận rõ nhất ý nghĩa của chiến thắng.
Huấn luyện viên Mai Đức Chung không giấu nổi sự vui mừng và xúc động trước chiến công của đội tuyển nữ Việt Nam.
“Ngày 6/2/2022 sẽ là ngày có ý nghĩa đặc biệt với cá nhân tôi, các học trò của tôi và hàng triệu người hâm mộ Việt Nam. Đội tuyển nữ Việt Nam đã làm được điều mà tất cả mọi người mong đợi là giành vé tham dự World Cup 2023. Chúng tôi đã có được trận thắng hết sức quý giá như đã hứa với người hâm mộ. Tôi rất cảm ơn cầu thủ của mình. Nếu như không bị Covid-19, chúng tôi còn thi đấu tốt hơn. Phải đến gần cuối giải, chúng tôi mới thể hiện được hết năng lực của mình vì thể lực dần hồi phục”, huấn luyện viên Mai Đức Chung chia sẻ sau khi đoạt vé dự World Cup.
Trang web của Liên đoàn Bóng đá Thế giới (FIFA) cũng dành nhiều lời khen ngợi đến bóng đá nữ Việt Nam với hành trình đầy khó khăn khi đối mặt với các đội tuyển rất mạnh là Nhật Bản, Hàn Quốc, nhưng cuối cùng đã giành được thành tích tốt nhất ở vòng play-off: “Việt Nam đã lần đầu vượt qua vòng loại World Cup khi trở thành đội thứ năm và cũng là cuối cùng đoạt vé tham dự World Cup nữ 2023 diễn ra ở Australia và New Zealand qua AFC Women’s Asian Cup. Người Việt Nam đã bước vào trận đấu quyết định khi biết rằng chỉ có chiến thắng mới có thể giành suất đi tiếp và họ đã vượt lên thử thách đó, mang về chiến thắng xứng đáng và lịch sử tại Navi Mumbai”.
Ông Chung cần được tôn trọng
HLV Mai Đức Chung cho biết mong ước lớn nhất của ông là đưa đội tuyển nữ tới World Cup, và ông đã biến điều đó thành hiện thực sau chiến thắng 2 - 1 trước Đài Loan. “Tối về tôi có ngủ được đâu, sung sướng quá mà”, ông hào hứng nói. Để có được tấm vé dự World Cup, ông đội nắng cùng đội ra sân tập luyện và thi đấu lúc 13 giờ trưa. Nhiều cầu thủ trong đội nhìn ông xót xa vì da xạm đen, mất giọng bởi hò hét nhiều. “Áp lực các trận đấu lớn quá. Tôi muốn giành hết áp lực về phía mình thôi, không muốn cầu thủ biết”, huấn luyện viên Mai Đức Chung nói thêm về áp lực công việc.
Ngay trong thời điểm đội tuyển nữ Việt Nam vẫn trên đất Ấn Độ, huấn luyện viên Mai Đức Chung đã đưa ra quyết định không trực tiếp dẫn dắt đội tuyển nữ Việt Nam dự World Cup 2023. “Hết năm nay, tôi xin nghỉ thôi. Tôi đã lớn tuổi, cũng mệt mỏi rồi. Tôi sẽ cố gắng giới thiệu người khác nắm đội. Tôi cũng xem xét hết rồi, một vài người chưa được, nhưng có thể là huấn luyện viên ngoại. Tôi sẽ đảm nhận vai trò cố vấn thôi, không trực tiếp làm nữa nhưng vẫn có thể theo đội. Năm sau tôi cũng 72 tuổi rồi còn gì”, nhà cầm quân sinh năm 1951 nói.
Như vậy, ông Chung nhiều khả năng sẽ dẫn dắt đội tuyển nữ Việt Nam hết SEA Games 31 trước khi rút lui. Đây là điều rất đáng tiếc với bóng đá Việt Nam, bởi lẽ huấn luyện viên Mai Đức Chung là huyền thoại đương đại và là chiến lược gia thành công nhất lịch sử bóng đá nữ Đông Nam Á. Theo thống kê, ông Chung cùng đội tuyển nữ Việt Nam vào top 4 tại Asian Games năm 2014, 4 lần đoạt Huy chương Vàng SEA Games vào các năm 2003, 2005, 2017 và 2019. Bên cạnh đó là chức vô địch AFF Cup nữ năm 2019.
Đáng kể nhất là việc ông Chung dẫn dắt tuyển nữ Việt Nam giành tấm vé dự World Cup nữ lần đầu tiên trong lịch sử. Bên cạnh vô số vinh quang cùng bóng đá nữ, huấn luyện viên Mai Đức Chung còn từng dẫn dắt câu lạc bộ Becamex Bình Dương vào đến bán kết giải AFC Cup năm 2009. Chưa hết, ông Chung còn hai lần làm huấn luyện viên tạm quyền đội tuyển quốc gia Việt Nam. Lần gần nhất là tháng 10/2017 góp công giúp đội tuyển Việt Nam giành vé dự VCK Asian Cup 2019 trước khi chuyển giao cho huấn luyện viên Park Hang Seo.
Thông thường, việc huấn luyện viên sau khi đưa đội bóng đến vinh quang quyết định ra đi cũng là điều dễ hiểu. Với bóng đá nữ Việt Nam, tấm vé dự sân chơi thế giới là đỉnh cao. Huấn luyện viên Mai Đức Chung tuyên bố ra đi trong vinh quang và danh dự. Và có lẽ ông cũng muốn dành nhiều thời gian cho gia đình, cho vợ con và các cháu, cũng như những người thân yêu khác. Ngay sau chiến tích trên đất Ấn Độ, trên trang cá nhân, huấn luyện viên Mai Đức Chung đã dành lời cảm ơn giản dị nhưng đong đầy xúc động cho vợ mình.
Nhưng ở góc nhìn khác, ông Chung, và có lẽ cả đội tuyển bóng đá nữ thì đằng sau tuyên bố ra đi còn ẩn chứa những góc khuất khác đầy cay đắng. Việc đi hay ở của ông Chung còn ẩn chứa thông điệp đầy ý nghĩa đến những nhà quản lý, cần quan tâm đúng mức và tôn trọng bóng đá nữ. Hẳn người ta chưa quên sự thật trần trụi, 2 năm trước Liên đoàn Bóng đá Việt Nam còn chậm trả lương huấn luyện viên Mai Đức Chung, thậm chí có thời điểm hợp đồng hết hạn ông Chung cũng không được những người có trách nhiệm “nhắc đến”!?
Huấn luyện viên Park Hang Seo trong lần gia hạn hợp đồng thứ 3 được Liên đoàn Bóng đá Việt Nam nhận mức lương rơi vào khoảng 50.000 USD/tháng. Và điều mà nhiều người quan tâm là ông Mai Đức Chung nhận lương bao nhiêu? Trong một chia sẻ vào thời điểm gia hạn hợp đồng với huấn luyện viên Mai Đức Chung, Tổng Thư ký Liên đoàn Bóng đá Việt Nam Lê Hoài Anh cho biết, mức lương của ông Chung “thuộc về vấn đề bảo mật, không được công bố”. Tuy nhiên, có thể hiểu, lương của huấn luyện viên Mai Đức Chung ở cái mức “rất thấp” và chế độ nhà ở, xe đưa đón… gần như không có như các thầy ngoại.
Về góc độ nghề nghiệp, gần như bất cứ huấn luyện viên ngoại nào, đặc biệt là với ông Park Hang Seo, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam đều tổ chức ký kết, công bố hợp đồng rầm rộ. Các yêu cầu của ông Park và các đời thầy ngoại trước đó luôn được đáp ứng. Nhưng các thầy nội, kể cả huấn luyện viên giàu thành tích nhất Đông Nam Á Mai Đức Chung luôn gặp rất nhiều trở ngại không đáng có. Nói thẳng ra, như trường hợp ông Chung, ông đã không nhận được sự tôn trọng đúng nghĩa từ những người có trách nhiệm. Đó là sự tổn thương mà không phải huấn luyện viên nội nào cũng chấp nhận.
Trải qua nhiều thăng trầm của bóng đá nữ Việt Nam, huấn luyện viên Mai Đức Chung không bao giờ từ chối, ông luôn nhận nhiệm vụ bất cứ lúc nào. Gian nan, thử thách đủ cả, nhưng ông Chung chưa bao giờ thoái lui, sẵn sàng “nhảy vào lửa”. Trong một chia sẻ, ông Chung cho biết: “Có người hỏi tôi: Thế ông được VFF trả cho bao nhiêu tiền? Tôi cười vui bảo, bạn muốn biết thì hay là bạn thử ngồi vào đây xem sao. Nói thật, có những thứ chẳng quy ra được thành tiền đâu. Trong lúc nước sôi lửa bỏng mà còn nỡ mang ra mặc cả nữa ư? Thế thì tôi không còn là tôi nữa rồi”.
Vậy nên, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam hãy đặt huấn luyện viên Mai Đức Chung ngang hàng như ông Park Hang Seo, nghiêm túc trao đổi về hợp đồng, xây dựng kế hoạch chuẩn bị cho World Cup 2023, chiến lược phát triển bóng đá nữ Việt Nam. Người ta tin rằng, huấn luyện viên Chung sẽ ở lại nếu được ông được tôn trọng đúng nghĩa và đặc biệt, sự níu kéo từ phía các học trò, người hâm mộ.