Chờ tiếng trống vang

GD&TĐ - Năm học 2023 - 2024 là năm thứ hai các trường THPT thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018.

Học sinh Trường THPT Bùi Thị Xuân, Quận 1, TPHCM trong ngày tựu trường. Ảnh: ITN
Học sinh Trường THPT Bùi Thị Xuân, Quận 1, TPHCM trong ngày tựu trường. Ảnh: ITN

Dù không tránh khỏi những khó khăn, bỡ ngỡ nhưng nhìn chung việc dạy và học dần đi vào quy củ. Bước vào năm học 2023 - 2024, theo lộ trình thực hiện chương trình mới với lớp 11, ngoài nỗ lực trau dồi chuyên môn, nghiệp vụ, đội ngũ nhà giáo cũng gửi gắm nhiều mong mỏi, hy vọng vào chính sách ưu tiên cho giáo dục.

Nỗ lực thực hiện chương trình mới

Tại Hội nghị Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ 17, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn từng phát biểu: “Triển khai chương trình mới là việc chưa từng có, lạ và mới, nếu truyền thông không đầy đủ rất dễ gây ra những phản ứng của xã hội. Giáo viên nếu không tập huấn đầy đủ cũng lúng túng trong quá trình triển khai. Nó có nhiều cái hay, cái mới nhưng cũng có rất nhiều thách thức cho ngành Giáo dục”.

Phát biểu trên đã nêu bật được những thuận lợi và thách thức của chương trình mới. Tôi nghĩ, chương trình mới đòi hỏi đổi mới phương pháp để đáp ứng yêu cầu của chương trình, sách giáo khoa. Việc phải đổi mới cách dạy, đặc biệt là tổ chức lớp học để phát huy được phẩm chất, năng lực học sinh là thách thức không nhỏ với nhiều nhà giáo.

Chưa kể đội ngũ, cơ sở vật chất, trang thiết bị vẫn thiếu, chưa đáp ứng được yêu cầu mới… Do vậy, bước vào năm học 2023 - 2024, thầy cô cơ bản chuẩn bị tâm thế sẵn sàng học tập, tự nghiên cứu, cập nhật nội dung mới để khắc phục những khó khăn do chủ quan và khách quan gây ra.

Tâm thế hứng khởi, sẵn sàng đối diện với khó khăn, thách thức từ chương trình mới là tín hiệu lạc quan của năm học này. Mặc dù, chương trình mới đòi hỏi bản thân mỗi thầy cô phải sẵn sàng thay đổi những thói quen, phương pháp dạy học cũ nhưng chính điều đó cũng tạo cho người dạy có thêm “mảnh đất” sáng tạo màu mỡ.

Dạy học xét đến cùng luôn phải đổi mới. Nhà giáo vì thế cần thay đổi bản thân để phù hợp với sự phát triển của thời đại. Lê-nin từng nói “học - học nữa - học mãi”. Học tập sẽ theo suốt hành trình của cuộc đời, điều đó càng quan trọng hơn đối với các thầy, cô giáo.

Tôi rất thích câu nói của William Arthur Ward: “Dạy học bao gồm nhiều việc hơn là chỉ trao đi tri thức, nó đòi hỏi truyền cảm hứng cho thay đổi. Học hỏi bao gồm nhiều việc hơn là chỉ tiếp thu kiến thức, nó đòi hỏi sự thấu hiểu”. Chương trình GDPT thực sự truyền cảm hứng cho sự thay đổi đến tất cả giáo viên, học sinh. Chương trình với triết lý “dạy ít (hơn), học nhiều (hơn)”.

Điều này đồng nghĩa với việc trong lớp học, giáo viên giảng bài ít hơn, nhưng học sinh phải học nhiều hơn thông qua các hoạt động tương tác và trò chơi với sự hướng dẫn, hỗ trợ của người dạy. Học trò được tạo điều kiện để trao đổi với nhau và với giáo viên. Nhờ đó, các em sẽ thích học hơn và học được nhiều điều hơn. Những điều mà học sinh học được nhiều hơn không chỉ là kiến thức, mà quan trọng hơn là các kỹ năng sống như làm việc theo nhóm, hòa nhập với cộng đồng, hội nhập với thế giới; kỹ năng lãnh đạo, xử lý tình huống…

Đây là kỹ năng thiết yếu với con người trong thời đại ngày nay, khi sự thay đổi diễn ra hằng ngày trong một môi trường kinh tế, xã hội ngày càng quốc tế hóa. Học sinh có thể dễ dàng quên nội dung bài học đạo đức về sự đoàn kết, có thể không hứng thú với một câu chuyện dạy về sức mạnh của sự hợp lực.

Nhưng nếu các em được thường xuyên chuẩn bị các bài thuyết trình, làm bài tập theo hình thức làm việc theo nhóm thì ý thức về đoàn kết, kỹ năng giải quyết xung đột, tìm sự đồng thuận để giải quyết vấn đề, biết chia sẻ kinh nghiệm, học cách lắng nghe và tôn trọng người khác sẽ từng giờ từng ngày trở thành quen thuộc.

Ảnh minh họa ITN.

Ảnh minh họa ITN.

Những mong mỏi, đề xuất

Chủ đề năm học 2023 - 2024 là “Đoàn kết, kỷ cương, đổi mới sáng tạo, hoàn thành tốt các nhiệm vụ và mục tiêu đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo”. Trong chủ đề này, tôi đặc biệt tâm huyết với nội dung “đổi mới sáng tạo”, vì đó là triết lý then chốt của bất kỳ nền giáo dục tiên tiến nào trên thế giới.

Cũng trong năm học này, toàn ngành tiếp tục thực hiện Nghị quyết của Đảng; Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025; Chương trình hành động của Chính phủ nhiệm kỳ 2021 - 2026 thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025. Để cùng lúc hoàn thành tốt nhiệm vụ trên, ngoài nỗ lực của mỗi giáo viên rất cần sự quan tâm hơn nữa của các cấp, ngành, đoàn thể từ Trung ương đến địa phương trong việc cụ thể hóa những giải pháp.

Một điều mà bản thân mong muốn là sau lễ khai giảng ở các trường học, sau bài phát biểu thể hiện sự quan tâm của lãnh đạo địa phương là những hành động kịp thời, hiệu quả trong việc giúp đỡ các trường học về cơ sở vật chất. Đó còn là chính sách hỗ trợ, ưu đãi đối với giáo viên, nhất là nhà giáo công tác ở vùng sâu, vùng xa, đặc biệt khó khăn.

Năm học mới cận kề nhưng bài toán thiếu giáo viên ở một số địa phương vẫn chưa có lời giải triệt để. Một thực tế nữa là sĩ số cao nhưng không gian của lớp học lại chật hẹp nên việc triển khai các phương pháp, hình thức học tập mới gặp vô vàn khó khăn. Mong muốn của các giáo viên là sĩ số ổn định, số học sinh/lớp học giảm xuống. Ngoài ra, hệ thống bàn học truyền thống cũng không còn phù hợp với cách thức triển khai mô hình, phương pháp học tập mới nên cần nghiên cứu cụ thể để khắc phục.

Tôi cho rằng, giải pháp trước mắt có thể sắp xếp một số phòng học đủ điều kiện về cơ sở vật chất để giáo viên dạy một số tiết nhất định trong tuần theo mô hình lớp học mới, sau đó triển khai thay đổi đồng bộ ở các năm học tiếp theo.

Lễ khai giảng đồng loạt tổ chức vào ngày 5/9 ở tất cả cơ sở giáo dục trong không khí hân hoan, phấn khởi của thầy và trò. Vẫn còn đó những trăn trở của nhà giáo về thiếu thốn cơ sở vật chất, thiếu giáo viên, chế độ chính sách cho đội ngũ… nhưng tin rằng, với tinh thần vượt khó, sự mẫu mực, cần mẫn, sáng tạo của người thầy, năm học mới sẽ hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ mà ngành giao và các bậc phụ huynh đã gửi gắm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ