Tiếng trống ngân vang đón trò tới lớp

GD&TĐ - Ngày 10/2, học sinh từ khối 1 - 6 tại các huyện/thị xã ngoại thành Hà Nội trở lại trường học trực tiếp sau hơn 9 tháng học online.

Học sinh Trường Tiểu học Thượng Mỗ, huyện Đan Phượng tỏ ra phấn khởi trong buổi đầu đến trường.
Học sinh Trường Tiểu học Thượng Mỗ, huyện Đan Phượng tỏ ra phấn khởi trong buổi đầu đến trường.

Tâm trạng chung của đa số phụ huynh, học sinh đều cảm thấy vui mừng, phấn khởi trong buổi đầu đến trường. 

Phụ huynh tin tưởng, học trò mừng vui

Có mặt tại cổng Trường Tiểu học Thượng Mỗ (huyện Đan Phượng) trong sáng 10/2, ai cũng cảm nhận được không khí hân hoan của buổi tựu trường sau thời gian dài gần một năm cô và trò phải tạm dừng đến lớp để phòng chống dịch Covid-19. Chia sẻ với Báo Giáo dục & Thời đại, cô Hiệu trưởng Nguyễn Thị Nga bày tỏ niềm vui sướng và xúc động bởi từ nay, tiếng trống trường rộn rã báo giờ vào lớp của học trò lại một lần nữa được ngân lên những hồi dài khỏe khoắn sau nhiều tháng nằm im lìm trên giá.

Dù thời tiết mưa rét nhưng ngay từ 6 giờ 30 phút, đã có phụ huynh đưa con đến trường với áo mưa và áo rét nhiều lớp để giữ ấm cho con. Nhà trường bố trí vạch và căng dây phân đường thành hai làn để học sinh các khối 1, 2, 3 đi một hướng; các em lớp 4, 5 sẽ đi hướng còn lại để tránh tập trung quá đông.

Anh Nguyễn Văn Hùng có con học lớp 1 tâm sự: “Nghe nhà trường thông báo thành phố cho phép các con đi học lại từ ngày 10/2, vợ chồng tôi như tháo được gánh nặng. Người phấn khởi nhất chính là con gái. Do tình hình dịch bệnh, các cháu phải dự lễ khai giảng trực tuyến mà chưa một lần được đến trường mới, gặp cô giáo cũng như các bạn mới.

Đến đây, cháu rất lạ lẫm và bất ngờ bởi mình sẽ được học ở một ngôi trường to đẹp, mới xây. Các thầy cô ra tận cổng để đón và hướng dẫn các con đi theo hàng lối, thực hiện đo thân nhiệt và sát khuẩn tay trước khi vào lớp. Do lần đầu đến trường nên còn bỡ ngỡ, cô giáo đã ân cần dắt tay cháu vào tận lớp”.

Xin phép nghỉ hẳn một ngày để trực tiếp đưa con đến trường, chị Phan Thùy Ninh – phụ huynh lớp 1C Trường Tiểu học Thượng Mỗ cảm thấy yên tâm khi cho con đi học lại sau nhiều tháng nghỉ dịch. Vào tối hôm trước, cả nhà đã tự test nhanh Covid-19. Bé Phan Anh, con trai chị háo hức và dậy từ rất sớm rồi liên tục đòi mẹ đưa đến trường để xem có đẹp không, nhiều bạn không. Tới nơi, chị được giáo viên hướng dẫn cho bé đi theo hàng lối giãn cách để vào sát khuẩn tay, đo thân nhiệt tự động. Bố mẹ sẽ đứng ngoài cổng để bé sẽ tự đi vào lớp dưới sự chỉ dẫn của cô giáo.

Bé Phương Anh – học sinh lớp 1C, Trường Tiểu học Thượng Mỗ - vui vẻ nói: “Cháu rất vui khi được đến trường. Trên lớp có cô giáo và các bạn sẽ thích hơn là học online”.

Trường Tiểu học Yên Thường, huyện Gia Lâm có nhiều hoạt động đa dạng giúp học sinh lớp 1 được khởi động để làm quen với ngôi trường mới.
Trường Tiểu học Yên Thường, huyện Gia Lâm có nhiều hoạt động đa dạng giúp học sinh lớp 1 được khởi động để làm quen với ngôi trường mới. 

Khởi động đầu giờ cho học sinh

Với học sinh khối 1 cũng như các khối khác, sau một thời gian dài nghỉ ở nhà thì khi đến trường cần phải có một khoảng thời gian để khởi động và làm quen. Thấu hiểu được điều này, cô Lê Thị Hà – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Yên Thường (huyện Gia Lâm) - cho biết: Nhà trường đã lên kế hoạch rất kỹ cho ngày hội đến trường của trẻ.

Theo đó, thầy cô chủ nhiệm ở các lớp sẽ dành một tiết dạy chào Xuân, cho học sinh tìm hiểu về mùa Xuân với những câu đố dễ thương; một phần nửa cho việc vừa học vừa chơi về kiến thức phòng chống dịch bệnh Covid-19. Sau đó, nhà trường sẽ lần lượt cho các khối thăm vườn sách ngoài trời, sân vận động mới… Tất cả đều nhằm mục đích tạo cho trẻ sự hứng thú và tính tương tác với cô giáo cho học sinh.

Khi trẻ tới trường, công tác phân luồng học sinh bằng các vạch kẻ lối đi riêng cho từng khối lớp vào lớp học được nhà trường thực hiện từ trước. Khi đã ổn định trong lớp học, các giáo viên chủ nhiệm sẽ tiếp tục nhắc nhở, hướng dẫn học sinh các biện pháp phòng dịch. Nhà trường bố trí bồn rửa tay, lọ dung dịch sát khuẩn ở các lối hành lang của từng dãy phòng học. Ngoài ra, phòng y tế, phòng cách ly cũng đã được chuẩn bị để sẵn sàng sử dụng nếu phát sinh tình huống.

Cô Lê Thị Hà cũng bày tỏ, các thầy cô đều rất mừng khi quay lại trường được gặp đồng nghiệp, học trò và được đứng trên bục giảng. Tuy nhiên, càng lo cho học trò thì trách nhiệm của nhà trường càng lớn để mong trẻ an toàn, để các em hân hoan và được học kiến thức, kỹ năng mới tại trường. Theo thống kê, trong ngày 10/2, đã có hơn 1.000 học sinh ở cả 5 khối lớp của trường đã đi học, đạt tỷ lệ 93,1%.

Về vấn đề mở cửa trường học trong điều kiện bình thường mới, PGS.TS Nguyễn Huy Nga – nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) - nhấn mạnh: Các trường cần thực hiện bình thường mới theo quy định. Khi đón học sinh đi học lại, nếu em nào bị ốm hoặc F0 cho nghỉ ở nhà và trường vẫn hoạt động bình thường chứ không đóng cửa cả trường một cách cực đoan như trước đây. Khi ngồi học trong lớp, thầy cô cần nhắc nhở học sinh giữ khoảng cách và đeo khẩu trang.

Theo quy định mới, chỉ có những em tiếp xúc gần dưới 2m, không đeo khẩu trang với F0 mới được coi là có nguy cơ cao và phải lấy mẫu xét nghiệm. Hơn nữa, ngay trong buổi đầu tiên đón trẻ, nếu em nào bị F0 là do tiếp xúc ngoài nhà trường, nguy cơ lây nhiễm ở nhà cao hơn ở trường. Do đó, các trường cần tiếp tục thực hiện nghiêm túc khuyến cáo “5K” để phổ biến tới học sinh, đảm bảo các điều kiện an toàn phòng dịch trong trường học.

Thông tin từ Sở GD&ĐT TP Hà Nội, trong ngày 10/2, hầu hết học sinh trong tổng số hơn 455 nghìn học sinh tiểu học và gần 75 nghìn em khối lớp 6 trên địa bàn Thủ đô đã đến trường học trực tiếp. Do tình hình dịch bệnh còn phức tạp nên huyện Ba Vì quyết định cho khoảng 20 nghìn học sinh tiểu học và lớp 6 của huyện đến trường vào ngày 14/2. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Người bệnh nhập viện trong tình trạng đau tức ngực dữ dội, khó thở. Ảnh: BVCC

Nhồi máu cơ tim sau tập thể hình

GD&TĐ - Các bác sĩ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E đã cứu sống một nam thanh niên (32 tuổi) nhập viện do nhồi máu cơ tim cấp.

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.