Đó cũng là mong mỏi của nhiều đơn vị giáo dục để tạo hành lang xác định “chuẩn”, thay vì phải yêu cầu cam kết từ các doanh nghiệp cung cấp sữa.
Không thể phó mặc cho cam kết
Mới đây, Phòng GD&ĐT huyện Hòa Vang (Đà Nẵng) đã ra một công văn gây bức xúc cho phụ huynh và lãnh đạo các trường mầm non trên địa bàn huyện, khi yêu cầu mỗi trường mầm non trên địa bàn hợp đồng với các công ty cung cấp sữa đã “ký cam kết”. Sau khi giải thích nhầm lẫn văn bản từ chữ “gửi cam kết” thành “ký cam kết”, bà Hồ Quỳnh Trang – Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Hòa Vang giãi bày: Thời gian qua, Phòng phải yêu cầu các công ty sữa đã “gửi cam kết” đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, vì Phòng không có chức năng kiểm soát chất lượng sữa.
Đây không chỉ là trường hợp cá biệt tại huyện Hòa Vang. Tại rất nhiều địa phương, tình trạng phụ huynh vẫn phải đặt lòng tin vào “cam kết” với những tiêu chuẩn chưa được kiểm định về sữa.
Chị Nguyễn Thị Thanh Hà (Đông Ngạc, Bắc Từ Liêm, Hà Nội) cho biết, trường của con chị đầu năm học cũng đưa ra một số nhãn hiệu sữa để phụ huynh lựa chọn, có cả sữa bột, sữa tươi các loại: “Trường cũng cho biết các doanh nghiệp cung cấp sữa đã có cam kết đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, cam kết thì cam kết vậy chứ sữa đảm bảo tiêu chuẩn nào? Có đầy đủ chất dinh dưỡng không? Có phù hợp với lứa tuổi cũng như sự phát triển của trẻ hay không thì phụ huynh và cả nhà trường cũng không kiểm định được. Nếu có một bộ tiêu chuẩn nào đó để đối chiếu, hẳn chúng tôi sẽ yên tâm hơn” – chị Hà cho biết.
Tháng 7 vừa qua, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã ký Quyết định 1340/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình Sữa học đường cải thiện tình trạng dinh dưỡng góp phần nâng cao tầm vóc trẻ em mẫu giáo và tiểu học đến năm 2020. Ngay khi có Quyết định này, nhiều nhà trường cho rằng nỗi lo của các nhà trường và phụ huynh sẽ được giải quyết bằng chính sách với những giải pháp căn cơ.
Mục tiêu của Chương trình hướng tới là đến năm 2020 giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân ở trẻ em mẫu giáo, tiểu học trung bình 0,6%/năm; giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi ở trẻ em mẫu giáo, tiểu học trung bình 0,7%/năm; tăng chiều cao trung bình của trẻ nhỏ tuổi nhập học (6 tuổi) lên 1,5 - 2 cm ở cả trẻ trai và trẻ gái so với năm 2010.
Để đạt được những mục tiêu này, Chính phủ cũng đã yêu cầu các bộ, ngành liên quan nhanh chóng đưa ra các quy định về sản phẩm sữa tươi phục vụ cho Chương trình Sữa học đường đến năm 2020; quy định về nguồn nguyên liệu, quy trình sản xuất, về mức sữa phù hợp với lứa tuổi tương ứng với các chỉ tiêu. Như vậy, các trường sẽ không phải trông đợi vào những “cam kết” mơ hồ như đã từng diễn ra, thay vào đó, sẽ có công cụ để kiểm soát chất lượng sữa học đường.
Cần sớm ban hành Quy chuẩn sữa
Trẻ em miền núi xã Nậm Cắn (Kỳ Sơn, Nghệ An) với niềm vui uống sữa tại trường học. |
Sau khi Quyết định 1340/QĐ-TTg được ban hành với định hướng triển khai Chương trình Sữa học đường trên toàn quốc, vấn đề cấp thiết đặt ra là làm thế nào để có nguồn sữa đảm bảo chất lượng vào các trường học. Theo các chuyên gia dinh dưỡng, Bộ Y tế cần nhanh chóng đưa ra tiêu chuẩn về sữa được đưa vào trường học, để không chỉ giúp phụ huynh, mà ngay cả lãnh đạo các trường, lãnh đạo ngành Giáo dục địa phương cũng không phải “lúng túng” khi lựa chọn sữa cho học sinh của mình.
Nói về tiêu chuẩn sữa, bà Lê Thị Hợp – nguyên Viện trưởng Viện Dinh dưỡng - cho biết hiện thị trường sữa khá đa dạng, tuy nhiên, đối với lứa tuổi học đường đang trong giai đoạn hấp thụ tốt để thay đổi tầm vóc và trí lực, nhưng cũng là giai đoạn rất dễ bị tổn thương về dinh dưỡng, nên cần phải có nguồn sữa chuẩn, đảm bảo “rất nhiều quốc gia trên thế giới như Mỹ, Nhật, Thái Lan, Trung Quốc… chỉ chọn các sản phẩm sữa tươi nguyên chất hoặc sữa tươi bổ sung các vi chất dinh dưỡng gồm: Vitamin A, D, canxi, axit folic... để đưa vào trường học. Vì vậy, Bộ Y tế sớm ban hành quy định về tiêu chuẩn sữa học đường theo các tiêu chí trên” – bà Hợp tha thiết yêu cầu.
Tại Việt Nam, hiện mới chỉ có Tập đoàn TH phối hợp với Viện Dinh dưỡng quốc gia cũng như chuyên gia dinh dưỡng uy tín trên thế giới thực hiện nghiên cứu lâm sàng sữa học đường TH school milk với công thức sữa học đường phù hợp với khả năng hấp thu của trẻ em Việt Nam. Nghiêu cứu này được thực hiện nghiêm túc, chuẩn chỉ theo quy trình quốc tế tại 15 trường mầm non, tiểu học huyện Nghĩa Đàn (Nghệ An), kiểm nghiệm lâm sàng trên 3.600 học sinh. Bà Bùi Thị Nhung, chuyên gia dinh dưỡng học đường (Viện Dinh dưỡng quốc gia) chia sẻ, nhóm chuyên gia đã kiên trì theo sát quá trình trẻ uống sữa học đường, thực hiện kiểm nghiệm đối chứng trước - sau khi uống sữa học đường trên học sinh suy dinh dưỡng các thể.
Kết quả kiểm nghiệm lâm sàng cho thấy, tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng nhẹ cân giảm mạnh khoảng 3%; suy dinh dưỡng thấp còi giảm khoảng 1,5%; tình trạng thiếu hụt 1 số vi chất dinh dưỡng chính (vitamin A, sắt, kẽm) đều được cải thiện rõ rệt. Đây là một thành công đáng kể so với những nỗ lực giảm tỉ lệ nhẹ cân, thấp còi trên toàn quốc (từ 2012 đến 2013, tỉ lệ nhẹ cân trên toàn quốc giảm 0,9%, tỉ lệ thấp còi giảm 0,8%).
Từ nghiên cứu khách quan của Viện Dinh dưỡng quốc gia, các chuyên gia cho rằng có thể áp dụng công thức này để xây dựng Quy chuẩn sữa học đường. Như vậy, chính sách đã có, nghiên cứu đã thành công, điều quan trọng nhất là cần sớm ban hành Quy chuẩn Sữa học đường để Chương trình Sữa học đường quốc gia có thể triển khai trên toàn quốc, giúp trẻ em tiếp cận dinh dưỡng học đường đạt chuẩn, nâng cao thể lực, trí lực như mục tiêu của Chính phủ đề ra.