5 giờ sáng những ngày cuối năm, tại ngã 4 Hà Mòn – Ngọc Wang (thị trấn Đăk Hà, huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum) từng nhóm người với giày dép, chăn màn, nồi cơm điện... tập trung đông đúc để đợi người tới “chọn mua”. Cứ như thế, hết năm này tới năm khác chẳng biết từ bao giờ nơi đây được biết đến dưới cái tên “chợ người”.
Địu chiếc gùi trên lưng với lỉnh kỉnh đồ đạc, chị Y Sin (SN 1981, huyện Đăk Hà) cho biết, chị và chồng đang ngồi đợi chủ đến đón vào rẫy để hái cà phê thuê.
Chị Y Sin co ro trong giá lạnh những ngày cuối năm đợi “chủ” đến đưa vào rẫy hái cà phê. Ảnh: Trúc Hân. |
Với gương mặt già hơn tuổi 38 của mình, chị Y Sin cho hay, vợ chồng chị có 4 người con, con lớn năm nay 20 tuổi, con nhỏ 10 tuổi. Tuy nhiên chỉ với 4 sào cao su nên không đủ lo cho các con ăn học cũng như ăn uống trong gia đình.
Chính vì vậy, ai có việc gì cần vợ chồng chị đều nhận làm để kiếm tiền trang trải cuộc sống. 3 năm nay cứ đến mùa cà phê vợ chồng chị lại ra “chợ người” đứng để đợi chủ đến tìm người hái cà phê.
Cứ thế, 4 giờ sáng anh chị thức dậy nấu cơm mang đi trưa ăn. Chiều tối, anh chị lại mệt nhoài trở về lo cho các con.
“Năm nay cà phê mất mùa, giá thấp nên chủ chỉ thuê 85.000 đồng/tạ tươi. Cố gắng hái hết mùa cà vợ chồng mình cũng kiếm được ít tiền về lo cho các con ăn học. Tết cũng sắp đến nơi rồi, ráng làm có dư tiền thì mua cho con bộ quần áo mới, chứ mấy đứa toàn mặc đồ cũ.”, chị Y Sin nghẹn ngào nói.
Những cuộc ngã giá vội vả của chủ thuê và người lao động. Ảnh: Trúc Hân. |
Khi chúng tôi hỏi về bữa cơm trưa, chị Y Sin vội che chiếc gùi lại rồi ngại ngùng nói: “Nay vội quá, hai vợ chồng đi sớm nên mình chỉ nấu cơm trắng với ít rau xào, chẳng có đồ ăn mặn”. Chúng tôi ngạc nhiên bởi vợ chồng ăn như vậy sao có sức mà làm cả ngày. Lúc này, chị Y Sin cười rồi nói “Người lao động như mình khỏe như cây rừng ấy, ăn cơm trắng vẫn làm như trâu. Làm quen rồi nên chẳng mệt đâu”.
Với gương mặt lo lắng, bà Đặng Thị Nhài (54 tuồi, xã Đăk Ngọc) cho hay, do cà phê đang chín rộ nên mấy hôm nay bà trực ở “chợ người” để tìm nhân công. Tuy nhiên, đi mấy hôm bà vẫn chưa tìm được nhân công hái do thỏa thuận giá không được.
“Nhà tôi có 1.500 gốc cà phê đang chín rộ nên cần thuê 5 công về hái. Tuy nhiên, tôi trực mấy ngày nay vẫn không thuê được ai. Cà phê nhà năm nay năng suất thấp nên tôi chỉ thuê được 85.000 – 90.000 đồng/tạ.
Tuy nhiên, năm nay ít nhân công, họ lại đòi 100.000 đồng/tạ nên gia đình không thuê nổi. Chắc hai vợ chồng phải hái dần chứ cứ như thế này cà phê rụng hết”, bà Nhài nói rồi vội đi qua tốp người từ Quảng Ngãi vừa lên.
Thu mình trong chiếc áo ấm “đại hạ giá” đã cũ nhàu, anh Phẩm Văn Tranh (SN 1988) và vợ với hành trang là 2 đôi giày, vài bộ đồ lao động, nồi cơm điện, chăn, màn... đứng đợi tìm chủ thuê.
Một số cặp vợ chồng ở xa phải mang theo con nhỏ đi hái cà phê cùng. Ảnh: Trúc Hân. |
Với nước da đen sạm, anh Tranh cho hay, hai vợ chồng chạy xe máy hơn 150km từ xã Ba Ngạc (huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi) lên Kon Tum được 2 hôm nay. Tuy nhiên, do đường xa nên anh chị phải thuê tạm phòng trọ để ngủ qua đêm. Đến sáng nay mới ra đứng đợi ở ngã 4 Hà Mòn đợi chủ đến “chọn mua”.
Co ro trong cái lạnh những ngày cuối năm, anh Tranh tâm sự, do ở quê kinh tế khó khăn nên hàng năm cứ đến mùa cà phê vợ chồng anh lại khăn gói lên Kon Tum hái thuê để kiếm tiền trang trải cuộc sống.
“Mặc dù xa xôi, nhưng ở quê không kiếm được việc gì cả nên vợ chồng đành gửi con cho ông bà chăm rồi lên đây. Hai vợ chồng quay quắt, bạc mặt cả ngàycũng kiếm được khoảng 700.000 đồng. Cứ hái liên tục 1 tháng cũng kiếm được khoảng 20 triệu. Có số tiền đó con cái mình mới có thể đến trường, tết này cũng đủ đầy hơn”, anh Tranh tâm sự.
Ông Nguyễn Thái Lâm, Chủ tịch UBND xã Hà Mòn(huyện Đăk Hà) cho biết, xã Hà Mòn là địa phương có diện tích canh tác cà phê nhiều nhất huyện với hơn 2600 ha cà phê. 3 năm trở lại đây, không chỉ người dân tại Kon Tum mà lao động từ Quảng Ngãi tìm đến hái cà phê thuê rất nhiều. Mỗi mùa thu hoạch có từ 500-600 lao động tự do đến hái cà thuê tại địa phương.
Ngay từ đầu vụ thu hoạch, UBND xã đã tổ chức 29 tổ an ninh với 58 thành viên tham gia bảo vệ an ninh trong vụ thu hái. Ngoài ra còn có 9 công an viên và 4 cán bộ công an chính quy liên tục tuần tra, bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn.
“Thời điểm này, nhiều lao động tự do từ địa phương khác đến làm việc nhưng chủ nhà không đăng kí lưu trú gây khó khăn trong công tác quản lý. Để ngăn chặn tình trạng trộm cắp, tệ nạn xã hội, công an an xã liên tục tuần tra vào các giờ cao điểm. Đồng thời liên tục kiểm tra tạm trú tạm vắng ở mỗi hộ gia đình.” ông Lâm thông tin.