Chợ kịch bản: Để cung sớm gặp cầu

Chợ kịch bản: Để cung sớm gặp cầu

(GD&TĐ) - Một chợ kịch bản lần đầu tiên ứng dụng công nghệ thông tin nhằm quảng bá, giới thiệu các kịch bản, làm cầu nối giữa kịch tác gia với các đơn vị nghệ thuật vừa ra đời. Nhiều hy vọng được đặt ra trong việc tìm cứu cánh cho ngành sân khấu trong bối cảnh thiếu trầm trọng kịch bản. Tuy nhiên, vẫn còn không ít băn khoăn.

Hy vọng mới

Chợ kịch bản - Cứu cánh cho sân khấu đang ảm đạm
Chợ kịch bản - Cứu cánh cho sân khấu đang ảm đạm

NSƯT Triệu Trung Kiên – Trưởng ban điều hành dự án - chia sẻ lý do cho ra đời chợ kịch bản đó là: Toàn quốc có trên 100 đoàn nghệ thuật, và nếu tính cả đoàn ngoài công lập thì số lượng lên tới vài trăm. Hàng năm, các đoàn sẽ cần lượng kịch bản nhất định để dựng.

Trong khi đó, khi nghiên cứu thị trường nghệ thuật, sân khấu cả nước đang gặp nhiều khó khăn, đặc biệt khó khăn về việc tìm nguồn cung kịch bản sân khấu có chất lượng. Dù số lượng sáng tác hàng năm vẫn nhiều nhưng số kịch bản đạt được yêu cầu của các đơn vị để chọn rất ít. Các đơn vị phải đặt kịch bản, rồi tự viết, có khi cả tập thể lên kịch bản... Từ đó đã quyết định đầu tư phát triển hạng mục kinh doanh này. 

Thực tế cũng cho thấy, nhiều đoàn mỗi khi tiến hành dựng vở, đạo diễn phải chạy ngược, chạy xuôi, vận dụng mọi mối quan hệ để có được một kịch bản hấp dẫn. Nhưng ngay cả khi có cầm trong tay cả trăm kịch bản, cũng chỉ dùng được khoảng 10 kịch bản. Thế nhưng vẫn phải bỏ công đầu tư thêm thắt, cắt xén, gọt giũa mới có thể tạm gọi là ưng ý. 

Các nhà chuyên môn sân khấu cũng chỉ ra, kịch bản là một vấn đề muôn thuở và rất quan trọng nhưng nhiều người viết kịch bản chỉ hình thành những nhóm nhỏ và rất manh mún, khiến những người muốn mua cũng rất khó để tìm.

Bởi vậy, nếu chợ kịch phát triển là cũng sẽ tạo điều kiện dễ dàng cho cả người mua và người bán biết chỗ để dễ lựa chọn. Nếu các nhà hát, đơn vị nghệ thuật thấy hợp với yêu cầu, mong muốn thì dễ dàng chọn mua, nếu không thì thôi. Chợ kịch bản tạo ra sự sòng phẳng và cũng tránh tình trạng mất lòng nhau. Phát triển chợ kịch sẽ là xu thế chung để đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Theo thông tin ban đầu thì chợ kịch bản đã thu hút được hơn 50 kịch bản của các tác giả gửi về. Sau khi tiếp nhận nguồn kịch bản gửi về ban đầu, ban điều hành chợ sẽ tóm tắt nội dung mỗi kịch bản, đồng thời trích một vài màn trong kịch bản, toàn bộ các tác phẩm sẽ được giấu tên tác giả...

Đơn vị, cá nhân nào muốn mua sẽ phải liên hệ với ban điều hành để có được kịch bản trọn vẹn và tên tác giả. Cách làm giấu tên này sẽ buộc đơn vị sử dụng phải đọc trực tiếp nội dung tác phẩm thay vì nhìn vài cái tên, thương hiệu tác giả nào đó.

Mặt khác, sự ra đời của chợ kịch cũng giải tỏa những khó xử cho các đơn vị nghệ thuật, đôi khi đọc xong kịch bản của một tác giả nào đó mà không sử dụng một lần, hai lần thì rồi sẽ mất quan hệ. Việc có chợ kịch chúng tôi có thể thả sức nghiên cứu và đánh giá chất lượng các kịch bản, từ đó khi quyết định mới thực hiện ký hợp đồng với các tác giả. 

Ở chợ kịch bản, điều kiện duy nhất đặt ra là chất lượng tác phẩm, không phân biệt người gửi đến là ai, ở đâu, làm gì, miễn là tác phẩm tốt. Điều đó sẽ kích thích các tác giả trước nay chưa tên tuổi, chưa mạnh khâu phát hành tác phẩm làm việc tích cực và yên tâm có chỗ kí gửi. Không những thế, chợ kịch bản cũng được đánh giá là nơi tốt để các nhà biên kịch trẻ có thể sáng tác dài hơi và thể hiện mình...

Băn khoăn

Sân khấu kịch sẽ được bổ sung nguồn kịch bản có chất lượng
Sân khấu kịch sẽ được bổ sung nguồn kịch bản có chất lượng

Chợ kịch bản ra đời và chính thức đi vào hoạt động mang lại tín hiệu vui cho ngành sân khấu trong bối cảnh thiếu kịch bản như hiện nay. Song các tác giả khi tham gia vào đây cũng không khỏi lo lắng, e dè trong việc bảo vệ bản quyền tác giả. 

Một chủ nhiệm CLB tác giả sân khấu nói: Có tới 80 hội viên trong câu lạc bộ song không phải ai cũng đăng ký gửi kịch bản cho chợ kịch vì sợ sẽ bị đánh cắp ý tưởng. Mặt khác, nếu hợp đồng giao dịch thành công đơn vị phụ trách chợ kịch bản sẽ được chia phần trăm từ 15- 20% thì liệu các tác giả có thiệt thòi.

Có ý kiến lại phân vân lo lắng khi cơ chế thị trường hiện nay việc ăn cắp bản quyền diễn ra nhiều. Với công nghệ thông tin hiệu đại hỗ trợ và cách điều hành của chợ kịch không biết có đảm bảo được quyền tác giả cho các kịch bản hay không? Và nếu không quản lý kỹ thì sẽ có nhiều rắc rối về ý tưởng kịch bản...

Trả lời cho các băn khoăn của các tác giả, NSƯT Trung Kiên cho biết: Bản quyền là điều mà ban quản trị nghĩ tới đầu tiên bởi công tác bản quyền sân khấu ở Việt Nam vẫn chưa được hoàn thiện, đa số kịch bản chưa được đăng ký theo đúng quy định pháp luật. Hình thức đăng tải nội dung kịch bản sẽ ở dạng trích đoạn. Cùng đó sẽ  khóa chức năng cắt dán để đảm bảo tính bảo mật bản quyền.

Mặt khác, trang website chợ kịch đã đặt ra những ràng buộc riêng. Tác giả phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về bản quyền trước khi giao cho chợ kịch. Khi đã bàn giao rồi thì chúng tôi là người chịu trách nhiệm. Khi các đơn vị đề nghị gửi toàn bộ văn bản thì chúng tôi sẽ chứng thực và đảm bảo nguồn gốc của tác phẩm. Các đơn vị cũng phải làm giấy xác nhận đã có giao dịch với trang web...

Hy vọng với sự tích cực và tâm huyết của những người làm nghệ thuật chợ kịch sẽ sớm trở thành bà mối mát tay, giúp các đơn vị nghệ thuật có thêm nhiều cơ hội lựa chọn kịch bản để dàn dựng hoặc phục dựng. Từ đây, khán giả cũng được tiếp cận với các sản phẩm nghệ thuật có chất lương cao hơn, đồng thời đưa sân khấu thoát khỏi sự trầm lắng bây lâu nay vẫn tồn tại.

Chợ kịch bản trực tuyến vừa ra mắt tại trang web chokich.vn. Đây không chỉ là cầu nối giữa tác giả và nhà hát để tìm kiếm, lựa chọn, đặt hàng những tác phẩm sân khấu chất lượng, mà qua đó, bằng công nghệ truyền thông, chợ kịch bản có thể là một giải pháp cứu cánh giúp sân khấu thoát khỏi cảnh đìu hiu, vắng khách.

Thái Thanh

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ