Giảm áp lực học tập
Mới đây, Sở GD&ĐT Hà Tĩnh có văn bản đồng ý cho học sinh cấp THCS trên địa bàn TP Hà Tĩnh được nghỉ học chính khóa ngày thứ 7. Tại một số tỉnh khác như Lào Cai, Lai Châu, học sinh các trường THCS, THPT cũng học từ thứ 2 đến thứ 6, nghỉ ngày thứ 7 và Chủ nhật. Điều này được nhiều bậc phụ huynh đánh giá cao và ủng hộ vì giúp giảm áp lực học tập cho học sinh.
Có con học lớp 6 tại quận Hà Đông (Hà Nội), chị Nguyễn Thị Hoa chia sẻ: “Vợ chồng là công chức Nhà nước nên được nghỉ trọn vẹn hai ngày cuối tuần. Nhìn lịch học của con ngoài chính khóa trên lớp còn học cả năng khiếu cũng thấy lo ngại. Nhiều khi muốn cả nhà về quê chơi từ thứ 7, chiều Chủ nhật lên Hà Nội thì lại vướng lịch học của con. Nếu thành phố cho phép các cháu nghỉ thứ 7 thì quá tốt”.
Trao đổi về vấn đề này, cô Nguyễn Thị Bình - Hiệu trưởng Trường THCS Thanh Xuân (huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội) nhìn nhận, cuối tuần là khoảng thời gian để đội ngũ công chức, viên chức, người lao động có cơ hội nghỉ ngơi, tái tạo năng lượng sau một tuần làm việc căng thẳng. Học sinh cũng có thể tận dụng ngày thứ 7, Chủ nhật để tham gia các hoạt động thể thao, picnic cùng gia đình, rèn luyện kỹ năng…
Theo cô Bình, để bảo đảm thời lượng học tập theo Chương trình GDPT mới, sau khi thực hiện nghỉ học chính khóa vào thứ 7, học sinh phải có ít nhất 1 ngày trong tuần học 2 buổi. Việc dồn chương trình học như vậy phải tính toán, chuẩn bị kỹ cả về cơ sở vật chất lẫn đội ngũ giáo viên, tránh gây thêm áp lực cho thầy và trò.
Dưới góc nhìn chuyên gia, PGS.TS Đặng Thị Thanh Huyền - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Khoa học Quản lý giáo dục (Học viện Quản lý giáo dục) bày tỏ quan điểm đồng tình với việc cho học sinh các trường THCS nghỉ thứ 7. Điều kiện là phải đảm bảo học đủ số tiết học/tuần theo quy định của Bộ GD&ĐT. Muốn vậy, mỗi trường cần rà soát, căn cứ vào tình hình thực tế để quyết định có nên cho học sinh nghỉ thứ 7 hay không.
Văn bản số 7291 ngày 1/11/2010 của Bộ GD&ĐT hướng dẫn về việc dạy học 2 buổi/ngày đối với các trường trung học quy định, nếu dạy cả ngày, các trường không được dạy quá 4 tiết buổi sáng với cấp THCS, 5 tiết với THPT; buổi chiều tối đa 3 tiết, một tuần không quá 6 ngày học và áp dụng cả hai cấp. Thực hiện chương trình mới, số tiết học/tuần của học sinh đã có sự thay đổi, đòi hỏi các trường phải sắp xếp thời khóa biểu linh hoạt, hiệu quả.
Không làm tùy hứng
NGƯT Nguyễn Thị Tươi - Hiệu trưởng Trường THCS thị trấn Vĩnh Trụ (huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam) cho rằng, nhu cầu được nghỉ ngày thứ 7, Chủ nhật là chính đáng của người lao động, trong đó có giáo viên. Theo Chương trình GDPT 2018, học sinh cấp THCS phải học từ 28 - 30 tiết/tuần, chia cho 6 buổi học. Nếu nghỉ thứ 7 sẽ phải bố trí có một buổi chiều học chính khóa.
Vị nữ Hiệu trưởng cũng khẳng định, trước khi áp dụng chính sách gì cần có sự đồng thuận, thống nhất cao giữa nhà trường với phụ huynh, được sự cho phép của cơ quan có thẩm quyền. Trường hợp không đủ điều kiện để áp dụng dồn tiết do thiếu phòng học, thiết bị dạy học thì học sinh sẽ phải học từ thứ 2 - thứ 7 như hiện tại. Muốn nghỉ thứ 7, mỗi trường phải nghiên cứu thật kỹ các kịch bản, tình huống chứ không thể làm tùy hứng.
Là giáo viên Toán - Tin tại Trường THCS Thốt Nốt (quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ), cô Văn Thanh Trúc tâm sự, dù rất mong được nghỉ thứ 7, Chủ nhật giống cấp tiểu học nhưng khối lượng công việc của giáo viên THCS khá lớn. Nếu thành phố cho phép giáo viên, học sinh THCS chỉ dạy, học chính khóa từ thứ 2 - thứ 6 thì chắc chắn phải khảo sát thực tế và chuẩn bị kỹ càng các điều kiện cần thiết trước khi triển khai.
“Hai năm gần đây, sĩ số học sinh của trường tăng mạnh dẫn đến tình trạng thiếu phòng học. Nhà trường phải dồn lớp và cho học 2 ca chính khóa, nếu nghỉ học ngày thứ 7 sẽ khó khăn trong việc xếp thời khóa biểu đảm bảo đủ số tiết học theo quy định. Đây có lẽ là thực trạng chung của nhiều trường tại Hà Nội nên sẽ khó để áp dụng đại trà việc nghỉ thứ 7 cho học sinh cấp THCS trong thời điểm này”, cô Nguyễn Thị Bình - Hiệu trưởng Trường THCS Thanh Xuân nói.
Dù là đề xuất nhưng thầy Hiệu trưởng Trường THCS Hải Hưng (huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định) Đinh Văn Đam cho rằng: Cần dựa vào thực tế mỗi địa phương, không thể làm theo phong trào để cho học sinh nghỉ thứ 7. Hơn nữa, có nhiều gia đình ở khu vực thành phố có xu hướng muốn con học cả thứ 7 để nhà trường theo dõi, quản lý. Nếu phụ huynh có nhu cầu, ngành Giáo dục có chủ trương thì nhà trường mới nghiên cứu phương án để các em nghỉ ngày thứ 7.
Qua nắm bắt thực tế, PGS.TS Đặng Thị Thanh Huyền cho rằng, nhiều phụ huynh ở khu vực thành phố là công chức, viên chức được nghỉ thứ 7, Chủ nhật nên muốn con (đang học THCS) cũng được nghỉ thứ 7 để cùng gia đình đi chơi, tham quan hoặc dã ngoại cuối tuần với gia đình để tăng tính gắn kết. Lãnh đạo ngành Giáo dục các địa phương cần quán triệt tới trường THCS về việc cấm dạy thêm vào thứ 7 để học sinh được nghỉ trọn vẹn hai ngày cuối tuần.