Nguyện vọng chính đáng
Tại hội nghị giao ban khối trung học của Sở GD&ĐT Hà Nội mới đây, một số hiệu trưởng nêu đề xuất cho phép giáo viên và học sinh trung học nghỉ ngày thứ 7. Minh chứng cho đề xuất trên là: Trong khi học sinh tiểu học được nghỉ thứ 7 thì lên cấp THCS, các em phải đi học để đảm bảo khung chương trình. Ngay sau đó, nhiều bậc phụ huynh bày tỏ ý kiến đồng tình với đề nghị này.
Có 3 con học THCS và THPT nên chị Nguyễn Thị Hiệp (SN 1987, huyện Hoài Đức, Hà Nội) mong muốn con được nghỉ thứ 7. Trong hai ngày cuối tuần, trẻ có thêm thời gian để tham gia hoạt động trải nghiệm hoặc đi du lịch, rèn luyện thể dục thể thao cùng gia đình thay vì vùi đầu vào sách vở. Hơn nữa, như thế sẽ phù hợp với thời gian đi làm của bố mẹ và không phải lo đưa đón con ngày thứ 7.
Theo cô Nguyễn Thị Vân Hồng – Hiệu trưởng Trường THCS Chương Dương (Hoàn Kiếm, TP Hà Nội), mong muốn của phụ huynh về việc cho con nghỉ học thứ 7 là chính đáng và không ít giáo viên cũng chung nguyện vọng.
Nhiều năm nay, nhà trường thực hiện nghỉ thứ 7 với khối 6, 7; riêng khối 8, 9 chỉ học 3 tiết sáng thứ 7. Tuy nhiên, khi triển khai Chương trình GDPT 2018, ban giám hiệu phải sắp xếp lịch học thật linh hoạt để thầy cô, học trò cảm thấy thoải mái và không bị áp lực. Đa số phụ huynh đồng tình với chủ trương này của nhà trường.
Đồng quan điểm trên, cô Bùi Thị Lệ Hằng - giáo viên Ngữ văn Trường THPT Phạm Văn Nghị (Ý Yên, tỉnh Nam Định) cho rằng, nếu đề xuất này được áp dụng sẽ đảm bảo công bằng giữa các cấp học. Học sinh có thời gian cân bằng giữa học tập – nghỉ ngơi để tái tạo năng lượng cho tuần học tiếp theo, phát huy năng lực tự học.
Đồng thời, giáo viên cũng mong muốn được nghỉ làm thứ 7 giống như ngành nghề khác. Các cơ quan quản lý cần kiểm soát chặt chẽ việc dạy thêm, học thêm để học sinh được nghỉ trọn vẹn hai ngày cuối tuần.
NGƯT.TS Nguyễn Tùng Lâm – Phó Chủ tịch Hội Khoa học tâm lý giáo dục Việt Nam. |
Không phải muốn là được
“Theo Công văn 7291 năm 2010 của Bộ GD&ĐT, học sinh THPT học không quá 5 tiết/buổi, không quá 8 tiết/ngày; mỗi tiết 45 phút. Nếu học sinh nghỉ ngày thứ 7 hoặc nhà trường ngày nào cũng sắp xếp 5 tiết/buổi, các em còn phải học thêm 1 buổi chiều hoặc mỗi buổi học 6 tiết thì mới hoàn thành thời lượng chương trình. Điều này sẽ quá sức với học sinh mà hiệu quả học tập không cao. Nhà trường vẫn có thể xếp lại lịch học, nhưng lịch họp tổ chuyên môn, Chi bộ, cơ quan rất khó bố trí”, thầy Kỳ Nam nói.
Chia sẻ về vấn đề này, thầy Nguyễn Kỳ Nam – Hiệu trưởng Trường THPT Hoài Đức B (TP Hà Nội) cho hay, năm học 2023 - 2024, học sinh lớp 12 học chương trình cũ, lớp 10 và 11 học theo Chương trình GDPT 2018. Khối 12 phải học 13 môn học và sinh hoạt tập thể, thời lượng 30 tiết/tuần; học từ thứ 2 đến thứ 7, mỗi buổi 5 tiết. Còn khối 10, 11 học 28 tiết/tuần cùng tiết hoạt động trải nghiệm và hướng nghiệp. Như vậy, 1 tuần các em học từ thứ 2 đến thứ 7, trong đó có 2 buổi 4 tiết, còn lại là 5 tiết.
Tương tự, thầy Hoàng Chí Sỹ – Hiệu trưởng Trường THPT Lưu Hoàng (huyện Ứng Hòa, TP Hà Nội) khẳng định, cố dồn tiết trong thời khóa biểu từ thứ 2 đến thứ 6 để được nghỉ ngày thứ 7 là không khả thi.
Nếu mỗi buổi 6 tiết, nghĩa là hơn 12 giờ mới tan học, học sinh sẽ mệt mỏi. Hoặc mỗi tuần học thêm một buổi chiều cũng không phải là phương án thuận lợi nếu không nói là làm cả thầy lẫn trò áp lực hơn. Học ngày thứ 7 đã thành nếp, vừa đảm bảo sức khỏe cho học sinh, vừa thực hiện khung chương trình của Bộ GD&ĐT ban hành.
Từ thực tế triển khai tại đơn vị, cô Văn Quỳnh Giao – Phó Hiệu trưởng Trường THCS - THPT Lương Thế Vinh cơ sở Tân Triều (Thanh Trì, TP Hà Nội) cho biết, tùy mỗi trường mà có thể sắp xếp cho học sinh nghỉ thứ 7, nhất là cấp THCS. Do học 2 buổi, ăn bán trú, nên với học sinh THCS, trường vẫn đảm bảo số tiết dạy theo quy định của Sở GD&ĐT Hà Nội đưa ra. Điều này cũng giúp thầy, trò giảm áp lực, có thêm thời gian cho gia đình.
“Mặt khác, điểm thuận lợi của trường tư thục là thời gian bắt đầu năm học cho học sinh từ tháng 8, thay vì tháng 9 như các trường công lập. Do đó, trường hợp cho học sinh THCS nghỉ thứ 7 thì tổng số tiết dạy vẫn nằm trong khung chương trình. Tuy nhiên, với học sinh THPT cần cân nhắc kỹ. Bởi nếu nghỉ thứ 7, các em sẽ mất 4 tiết trong khi khối lượng kiến thức, bài tập nặng và nhiều hơn so với tiểu học và THCS”, cô Quỳnh Giao trao đổi.
Dưới góc độ chuyên gia, TS Nguyễn Tùng Lâm – Phó Chủ tịch Hội Khoa học tâm lý giáo dục Việt Nam chia sẻ, để giải quyết vấn đề này cần căn cứ vào phân phối chương trình của Bộ GD&ĐT quy định tổng số tiết dạy/tuần để nhà trường thực hiện. Nếu co lại thời khóa biểu để học sinh nghỉ thứ 7, giáo viên các bộ môn phải tính toán và cơ cấu lại thời lượng, tiết dạy mỗi môn.
“Bản thân ủng hộ phương án cho học sinh THPT học ngày thứ 7. Các em cần được phát triển kỹ năng vốn có của mình. Ngày nghỉ, trẻ có thể tham gia hoạt động trải nghiệm theo sở thích, định hướng nghề nghiệp chứ không chỉ là học văn hóa trên lớp. Các em cần được phát huy những khả năng tiềm ẩn, phù hợp với nghề nghiệp mà mình lựa chọn. Mỗi nhà trường cần tính toán kỹ các phương án phù hợp với khung của Bộ chứ không phải muốn là được”, TS Nguyễn Tùng Lâm chia sẻ.
Nhấn mạnh vai trò của việc duy trì nhịp học cho học sinh, cô Cao Tố Nga – Hiệu trưởng Trường THPT Ngô Quyền (TP Hải Phòng) nhìn nhận, nếu cấp trên cho phép học sinh THPT nghỉ thứ 7 thì các trường phải dồn tiết chính khóa sang cả buổi chiều hoặc tăng tiết buổi sáng lên từ 5 - 6 tiết. Vì vậy, đề xuất này tưởng chừng giúp giảm tải nhưng thực tế là tăng tải khiến các em thêm áp lực.