“Chợ” giáo án nóng trước thềm năm học mới

GD&TĐ - Chuẩn bị vào năm học mới, một số nhóm mạng xã hội của giáo viên như nóng hơn với những lời rao bán, xin, mua, tặng… giáo án soạn sẵn.

Giáo viên cần hiểu rõ năng lực, mong muốn của học sinh, từ đó có phương pháp dạy học phù hợp. Ảnh minh họa
Giáo viên cần hiểu rõ năng lực, mong muốn của học sinh, từ đó có phương pháp dạy học phù hợp. Ảnh minh họa

Điều này cho thấy, không ít giáo viên còn phụ thuộc và chưa sẵn sàng “đầu tư” chất xám cho những giáo án - kế hoạch dạy học của bản thân. 

Nhộn nhịp bán - mua

Không khó để bắt gặp các kiểu xin giáo án trong nhóm sinh hoạt của giáo viên (GV) như: “Thầy cô có giáo án môn A, B, C… cho em xin với; Đồng nghiệp nào đã soạn tài liệu Toán và Tiếng Việt ôn tập học sinh (HS) lớp 1 lên lớp 2 cho mình với; Chị em mình ơi ai có giáo án Tự nhiên xã hội lớp 2 bộ Cánh Diều chia sẻ cho mình với...”.

Thậm chí, những rao bán núp bóng cho tặng cũng nhan nhản: “Nhóm mình vừa soạn xong giáo án A, B, C lớp 1, 2, 3, 4… thầy cô nào cần để lại email mình gửi; Đã soạn xong giáo án lớp 1, 2, 6 theo CT, SGK mới, thầy cô cần tham khảo sớm mình gửi cho…”.

Tuy nhiên, theo kinh nghiệm của một số GV đã mua giáo án trên trang mạng “gọi là cho” nhưng khi người cần giáo án gửi email cá nhân để nhận lập tức nhận được yêu cầu hỗ trợ kinh phí vài trăm nghìn. Thậm chí, với giáo án theo Chương trình (CT), SGK mới còn được “cho” với giá tới 700 nghìn đồng vì ít người soạn, giáo án chất lượng...

Cô Lê Thị Kim Ngọc – GV Trường Tiểu học An Hòa (Cầu Giấy – Hà Nội) từng bỏ tiền mua giáo án soạn sẵn để tham khảo song nhận thấy đó chỉ là những vấn đề khung, chung chung, đơn giản. “Để có được giáo án phù hợp việc dạy học thực tế, đáp ứng yêu cầu chuyên môn của trường, phòng GD&ĐT chắc chắn GV phải tự nghiên cứu, xây dựng, nâng cấp giáo án của mình…”, cô Ngọc bày tỏ.

Ảnh minh họa
 Ảnh minh họa

Để giáo án phát huy hiệu quả

Theo cô Kim Ngọc, nếu thực hiện đúng yêu cầu chuyên môn của phòng GD&ĐT, giáo án của mỗi GV sẽ không thể giống nhau dù cùng tổ khối. Như vậy, giáo án soạn sẵn chỉ có thể mang tính tham khảo ít nhiều (nếu bảo đảm chất lượng) chứ GV mua về không thể áp dụng y nguyên vào lớp học, với mọi HS.

Không nên bị động và trông chờ vào giáo án soạn sẵn. Nhà trường, tổ chuyên môn có thể yêu cầu GV cùng khối soạn khung giáo án chung. Sau đó mỗi GV có thể mở rộng và phát triển giáo án phù hợp với yêu cầu dạy học thực tế. “Lớp học trên dưới 40 em, năng lực, nhận thức, tính cách khác nhau thì giáo án nhất định không thể như một. Để có giáo án tốt, GV phải đầu tư công sức, tâm huyết…”, cô Ngọc nói.

Trao đổi về vấn đề mua giáo án soạn sẵn, GS Đinh Quang Báo - nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội bày tỏ: Do chương trình mở nên 1 chương trình có nhiều SGK. Mặt khác, SGK triển khai trong từng nhà trường, đối tượng học khác nhau, người dạy cũng khác nhau... Vì vậy, GV không thể “bê” nguyên, “phát thanh” y hệt giáo án soạn sẵn. Sử dụng 100% giáo án soạn sẵn thì sự sáng tạo của người dạy bị triệt tiêu, làm mất ý nghĩa 1 chương trình nhiều SGK.

Hiện tượng mua giáo án và sử dụng lại chứng tỏ GV thiếu năng lực chuyên môn, chưa chủ động, linh hoạt, trong quá trình đổi mới giáo dục… Thực tế này đòi hỏi, ban giám hiệu, tổ chuyên môn cần thường xuyên dự giờ, thăm lớp để đối sánh giáo án của GV trên lớp đã đáp ứng, phù hợp với yêu cầu chung của chương trình và thực tế dạy học hay chưa? Từ giáo án soạn sẵn đến giảng dạy tốt là một khoảng cách và dự giờ sẽ đánh giá được chất lượng giảng dạy thực của GV…

Không thể cấm GV mua giáo án soạn sẵn để tham khảo song GV cần phải biến kiến thức, kinh nghiệm, phương pháp đúng, hay… thành của mình và kết hợp với thực tiễn giảng dạy cho phù hợp, hiệu quả…

Dưới vai trò quản lý giáo dục, thầy Đào Chí Mạnh – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Kim Ngọc (Vĩnh Yên – Vĩnh Phúc) cũng cho rằng: Giáo án – hay còn gọi là kế hoạch dạy học cần được cá thể hóa, vì bản chất của dạy học để hiệu quả càng cá nhân hóa bao nhiêu càng tốt bấy nhiêu.

“Giáo án của người này chưa chắc phù hợp với người kia. Thậm chí, giáo án năm nay không thể dùng cho năm sau dù đã chuẩn bị công phu kỹ càng... Trong trường hợp GV sử dụng cốt lõi của giáo án có sẵn và sáng tạo, phát triển, mở rộng, rút kinh nghiệm thêm cho phù hợp với thực tế dạy học thì có thể chấp nhận được…”, thầy Đào Chí Mạnh khẳng định.

Việc quản lý giáo án của GV không dễ dàng, đặc biệt với giáo án điện tử vì đòi hỏi hiệu trưởng phải có thời gian, chi tiết từng chút một. Vì vậy, thay vì kiểm soát giáo án cụ thể thì quản lý nhà trường cần phát triển năng lực sáng tạo của GV, yêu cầu giáo án đơn giản hóa, tránh hình thức, dài dòng. Cái gì cần chi tiết, cụ thể, thực tế… để phục vụ cho dạy học hiệu quả nhất thì phải chú trọng.

Cùng đó, có thể kiểm tra chất lượng, bản chất thực sự giáo án của GV đột xuất, không báo trước (nhiều nhất biết trước 1 ngày để tự soạn). Như vậy, giáo án mới chính là sản phẩm của công sức, trí tuệ, đổi mới của GV.

Dạy học hiện nay đòi hỏi sự linh hoạt phù hợp với từng HS nên giáo án của GV không thể bê nguyên của ai đó hay dùng năm này qua năm khác. Bản thân hiệu trưởng cũng cần tinh tế, vững vàng chuyên môn. Có như vậy mới khơi dậy trong GV sáng tạo, chủ động khi xây dựng giáo án, loại bỏ tình trạng soạn, mua giáo án để đối phó… - Thầy Đào Chí Mạnh

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

 Nga có nhiều cách để trả đũa phương Tây nếu bị tịch thu tài sản.

Đòn đáp trả Mỹ tịch thu tài sản?

GD&TĐ - Biện pháp đáp trả của Nga có thể không so sánh bằng với việc tịch thu tài sản mà phương Tây áp đặt nhưng vẫn có thể gây ra nỗi đau.