Sử dụng, quản lý giáo án trên máy tính: Tại sao không?

GD&TĐ - Năm học nào cũng thế, ở nhiều địa phương, mỗi khi lên lớp giảng dạy giáo viên đều phải soạn, in giáo án. Việc phải in bài soạn ra giấy liệu có phù hợp với thời kỳ 4.0?

Từ năm học 2015 - 2016, thị xã Đông Triều (Quảng Ninh) là địa phương đầu tiên của cả nước thực hiện thí điểm soạn, duyệt giáo án online để giảng dạy trong phòng học thông minh. Nguồn: IT
Từ năm học 2015 - 2016, thị xã Đông Triều (Quảng Ninh) là địa phương đầu tiên của cả nước thực hiện thí điểm soạn, duyệt giáo án online để giảng dạy trong phòng học thông minh. Nguồn: IT

Giáo án năm nào cũng in

Giáo án bao gồm toàn bộ nội dung, kế hoạch mà giáo viên muốn truyền đạt đến học sinh nhằm đạt được mục tiêu giảng dạy nhất định. Hay nói khác đi, giáo án là nơi mà giáo viên thể hiện ý tưởng, hình dung trước nội dung, tình huống sư phạm và mục tiêu mà người giảng muốn đạt đến.

Giáo án được soạn thảo dựa trên một giáo trình gốc, tổng hợp thông tin cần thiết cho một bài giảng. Vì thế, giáo án đóng một vai trò rất quan trọng, giúp giáo viên hình dung trước những khó khăn trong giảng dạy.

Trước đây, khi máy tính còn khan hiếm, công nghệ thông tin chưa phát triển, giáo viên soạn giáo án trên giấy và năm nào cũng phải chép đi chép lại giáo án đó mà không được sử dụng giáo án cũ dù giáo viên đó đã dạy nhiều năm môn học mà mình đảm trách.

Hiên nay, khi máy tính trở nên thông dụng, công nghệ thông tin đã được ứng dụng sâu rộng trong đời sống nói chung, ngành Giáo dục nói riêng, thì việc soạn giáo án của giáo viên được nhẹ nhàng hơn, đó là soạn bài trên máy tính, sau đó in ra giấy thành giáo án. Việc in thành giáo án bài soạn năm nào cũng phải thực hiện. Vì thế có tình trạng, giáo án mới in ra nội dung chẳng có gì khác với giáo án cũ, có khác chăng là ở ngày tháng soạn và dạy, lớp dạy.

Có trường, giáo viên xin sử dụng giáo án cũ nhưng không được Ban giám hiệu trường chấp thuận, bắt phải thực hiện đúng theo điều lệ trường THCS, THPT và THPT có nhiều cấp học.

Theo điều lệ trường THCS, THPT và THPT có nhiều cấp học, việc yêu cầu giáo viên khi lên lớp phải có giáo án (bài soạn) là đúng. Tuy nhiên, Điều lệ không thấy quy định giáo viên khi lên lớp phải có giáo án mới. Điều lệ chỉ quy định phải có giáo án (bài soạn) thì mặc nhiên có thể hiểu là giáo viên được sử dụng giáo án cũ.

Giáo án mới được in, giáo án cũ có những nhận xét đánh giá, rút kinh nghiệm, bổ sung cập nhật kiến thức… vì không được tái sử dụng nên trở thành giấy vụn đem bán phế liệu. Trong khi đó, để in giáo án mới giáo viên phải sắm máy in, bơm mực in, sửa máy in gây tốn không ít tiền bạc trong quỹ lương ít ỏi. Không cho giáo viên sử dụng giáo án cũ, bắt in giáo án mới có thể nói là lãng phí, tốn kém tiền bạc, mất thời gian và không phù hợp với chỉ thị năm học 2019 - 2020 của Bộ GD&ĐT.

Ảnh minh họa/ INT
Ảnh minh họa/ INT 

Thực hiện điều lệ nên thế nào?

Chỉ thị số 2268 ngày 8/8/2019 về nhiệm vụ và giải pháp năm học 2019 - 2020 của ngành Giáo dục, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đã chỉ thị toàn ngành Giáo dục tập trung thực hiện các nhóm nhiệm vụ chủ yếu và giải pháp cơ bản, trong đó nhấn mạnh “Triển khai có hiệu quả Nghị quyết 17/NQ-CP ngày 7/3/2019 của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019 - 2020, định hướng đến 2025; Đề án 117/QĐ-TTg ngày 25/1/2017 của Thủ tướng Chính phủ tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong giáo dục và đào tạo; xây dựng và triển khai Chính phủ điện tử, hệ thống dịch vụ công trực tuyến, hệ thống bồi dưỡng giáo viên trực tuyến của Bộ GD&ĐT.

Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học, kiểm tra, đánh giá và quản lý giáo dục, quản trị nhà trường; thực hiện giải pháp tuyển sinh trực tuyến đầu cấp học và sử dụng hồ sơ điện tử (sổ điểm, học bạ, sổ liên lạc); triển khai mô hình giáo dục điện tử, lớp học thông minh ở những nơi có điều kiện…”.

Hiện nay đa số giáo viên đã có máy tính xách tay, các trường đã kết nối Internet. Vì thế, nên chăng, ngành Giáo dục nên mạnh dạn quản lý giáo án (bài soạn) của giáo viên trên mạng. Giáo án khi giáo viên soạn xong sẽ được gửi tới email của tổ trưởng, tổ trưởng sẽ tải giáo án đó và lưu vào tập tin của tổ.

Chẳng hạn, Tổ Toán có 5 thầy cô thì tổ trưởng sẽ tạo hộp thư trên máy tính của mình là Tổ Toán, trong hộp thư Tổ Toán có các hộp thư nhỏ của mỗi thành viên trong tổ như: Thầy Thanh, Thầy Xanh, Cô Hằng. Khi Ban giám hiệu muốn theo dõi, kiểm tra giáo án (bài soạn) của giáo viên thì cũng tạo thư mục như vậy và khi lên lớp giáo viên chỉ cần mang theo máy tính để theo dõi bài soạn trên máy tính là được.

Việc quản lý giáo án (bài soạn) của giáo viên trên máy tính của tổ trưởng, của Ban giám hiệu nhà trường sẽ giúp giáo viên không phải mua máy in để in giáo án, bơm mực in, sửa máy in, nhà trường tiết kiệm được tiền mua giấy A4 vì không phải phát cho giáo viên để in giáo án, giáo viên có nhiều thời gian nghiên cứu tài liệu để nâng cao chất lượng giờ dạy của mình.

In giáo án nếu chỉ để đối phó với thanh tra cho thấy việc kiểm tra giáo án là hoàn toàn hình thức và không giúp gì cho bảo đảm chất lượng giáo dục. Kiểm tra giáo án nên là trách nhiệm của tổ trưởng và giáo viên chỉ cần soạn giáo án lần đầu tiên và duy nhất cho một nội dung dạy học. Không nên năm nào cũng phải soạn, trừ khi có cập nhật, bổ sung, thay đổi.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ