Cho con sử dụng internet: Con dao hai lưỡi

GD&TĐ - Số lượng trẻ em sử dụng Internet đang gia tăng, ngoài việc chơi game, các em còn được cha mẹ cho học trên mạng như Học toán online, Giải Toán trên Internet, thi Vượt vũ môn... 
Cho con sử dụng internet:  Con dao hai lưỡi

Mặc dù đã có những nỗ lực để ngăn chặn những trang web khiêu dâm, thư rác hoặc tập tin đính kèm độc hại trong thư điện tử nhưng những quảng cáo trên Internet đang trở thành một thách thức lớn đối với các bậc phụ huynh.

Xu hướng học thêm trực tuyến

Hiện nay, việc học trên mạng đang trở nên phổ biến trong nhiều gia đình hiện đại. Chị Nguyễn Thị Phương (Trần Nhật Duật, Hà Nội) có con trai đang học lớp 8 Trường THCS Trần Nhật Duật cho biết: “Vì điều kiện bận nên tôi không có thời gian đưa đón con đi học, tôi đăng ký cho con học thêm trực tuyến trên mạng.

Tôi thấy con thật sự rất hứng thú học bài giảng qua mạng vì có nhiều ưu điểm vượt trội như: Học tại nhà, học lúc nào cũng được, không mất thời gian đi đường.

Trong lúc thầy giảng, đến phần ví dụ, cháu có thể dừng hình để tự làm bài và sau đó lại bật tiếp tục rồi xem thầy giải thế nào, so sánh với kết quả bài của mình làm.

Trong bài giảng, phần nào chưa rõ, cháu lại tua lại để xem cho kỹ, chính vì vậy mà cháu đã tiếp thu được bài ngay trong lúc học. Tự làm các bài kiểm tra 15 phút, 1 tiết... thì có kết quả ngay và có đáp án để biết mình sai như thế nào. Cháu chia sẻ với mẹ rằng là “Con thấy học qua mạng hiệu quả hơn nhiều - con rất thích học”.

Anh Lê Duy Toản, có con học lớp 9 Trường THCS Hoàng Liệt cho biết: “Vừa rồi tôi đăng ký học thêm Toán online trên mạng cho con chỉ mất 500.000 đồng/cả năm nhưng tôi cảm thấy rất hiệu quả. Con hào hứng và học rất tốt.

Trong khi không mất thời gian đi lại để đưa con đến chỗ học thêm trong bối cảnh giao thông, đường sá tắc thường xuyên, mưa to gió lớn... Việc học online cũng phát huy được tính tự học của con”.

Máy vi tính, Internet có vai trò rất lớn trong việc mở rộng phạm vi, nâng cao chất lượng giáo dục nói chung và giáo dục trẻ em nói riêng.

Các em có thể sử dụng các phần mềm dạng “Gia sư” để tự học, tự rèn luyện để nắm vững kiến thức các môn học được ở trường; rèn luyện kỹ năng về ngoại ngữ như nghe, nói, viết, đọc hiểu....

Các em còn có thể truy cập các loại từ điển khác nhau, những sự kiện được cập nhật hàng ngày trong ngành học, tiếp cận với các thư viện và nhiều thông tin có ích khác trên mạng. Tuy nhiên, ngoài những hữu ích đối với con người, thì chúng cũng tồn tại nhiều tiềm ẩn nguy hại.

Bảo vệ con trước nguy hiểm từ Internet

ThS Trần Văn Hùng - Người sáng lập lớp học Sơn Nam - cho biết: Theo thống kê mới nhất, có 68% trẻ em truy cập vào các web sex, game online. Đây là con số đáng báo động đối với cha mẹ.

Những địa chỉ web đen có thể tự động ập tới trước màn hình mà chẳng có bất cứ rào cản nào trên Internet. Trẻ con vốn thường bị dụ dỗ dễ dàng.

Một hình ảnh động, nhấp nháy màu sắc sẵn sàng lấy mất hàng giờ của đứa bé thay vì đó có thể là những khoảng thời gian quý báu nó có thể làm bao chuyện khác có lợi hơn nhiều như: Đọc sách lành mạnh, chơi thể thao, hay tham gia các hoạt động xã hội. Không những thế, các hình ảnh không lành mạnh còn ám ảnh các em, thậm chí có khi còn nảy sinh ra ý muốn thực hiện theo...

Ngoài ra, nhiều gai độc khác mà Internet có thể đặt dưới chân con bạn như: Vô tình kích hoạt các chương trình tự động quay số ra nước ngoài (quay số ngoài nước cước phí rất đắt), vào các địa chỉ web đen không phù hợp với lứa tuổi hay những thông tin, hình ảnh quá mạnh mang đầy tính hận thù, bạo động và kích dục, những quảng cáo vô bổ, nhảm nhí, không lành mạnh...

ThS Trần Văn Hùng cho biết, các bậc cha mẹ nhất thiết phải giới hạn thời gian mỗi ngày cho phép con sử dụng máy tính (không nên quá 3 giờ mỗi ngày), giới hạn thời gian truy cập trên Internet.

Đây coi như là một loại hợp đồng vô hình mà cả hai bên cùng nghiêm túc thi hành. Cha mẹ giúp cho các em hiểu được rằng: Tuy máy tính là công cụ trợ giúp học tập đắc lực nhưng cũng không thể thay thế được sách.

“Cha mẹ nên dạy cho con biết cách nói chuyện thận trọng với những nick ảo (tên khác tên thật dùng tán gẫu) trong một diễn đàn tán gẫu cũng giống như nói chuyện thật ngoài đời với người lạ mặt.                                                                                                                     Tuyệt đối không cho các dữ kiện và thông tin có tính gia đình hay cá nhân cho một người khác hay một trang web nào đó. Chỉ cho con em sử dụng thư điện tử khi biết con đủ khôn lớn”                                                                                                                                         ThS Trần Văn Hùng