Không tiếc tiền đầu tư cho con
Bận rộn với lịch học dày đặc từ văn hóa đến tiếng Anh và múa, con gái chị M. (Hà Nội) lại phải gánh thêm môn đàn mỗi tuần 2 buổi tối.
"Tôi chỉ nghĩ con gái nên học nhạc để có khả năng nghệ thuật. Mỗi khi bạn bè đến nhà, con đánh đàn cũng cảm thấy mát mặt, bố mẹ cảm thấy tự hào hơn. Nghĩ đến cảnh ai cũng chăm chú lắng nghe rồi vỗ tay là tôi thích lắm", chị M. bày tỏ.
Nhiều gia đình có điều kiện sẵn sàng chi tiền triệu để con học đàn mỗi tháng.
Anh Q. (Thanh Xuân, Hà Nội) thấy con gia đình hàng xóm học đàn và đánh được nhiều bản nhạc hay nên sốt sắng tìm thầy cô dạy nhạc. Anh Q. nhờ bạn bè, họ hàng và tìm kiếm cả trên Internet để hi vọng con sớm thành "nghệ sỹ".
Khác với gia đình chị T., gia đình chị L. (Hà Nội) không thuộc hàng dư giả, nhưng vợ chồng chị vẫn sẵn sàng "đầu tư" để con phát triển khả năng đánh đàn piano. Điều bất ngờ là hàng ngày anh chị vẫn vật lộn với cửa hàng kinh doanh nhỏ, tích góp được đồng nào anh chị lại dồn đầu tư cho tương lai của con.
"Vợ chồng tôi chi cả chục triệu mỗi thàng để cho cháu theo học đàn của một cô giáo có tiếng ở Hà Nội. Mời giáo viên đâu có dễ, trung tâm dạy nhạc nhiều, giáo viên không phải hiếm nhưng tìm được người giỏi mới khó. Tôi phải đặt lịch trước mấy tháng trời, đợi đến khi cô trống lớp mới xếp được lịch học cho con", chị L chia sẻ.
Đó là chi phí học, vợ chồng chị L. còn phải nhờ người quen ở trường Âm nhạc đặt mua một cây đàn piano thuộc hàng có thương hiệu, chất lượng tốt, mức giá khoảng 8.000 USD (hơn 160 triệu đồng).
Quà cáp, đưa đón thầy cô bằng ô tô mà vẫn... run
Một chiếc đàn piano cũ không có thương hiệu cũng có giá trên dưới 1000 USD (hơn 21 triệu đồng).
Anh Q ở trên không thiếu tiền, không thiếu nhiệt tình cho con học đàn, tuy nhiên, con trai anh lại không thích môn nghệ thuật này. Đã vậy, bé rất nghịch ngợm và nghĩ ra rất nhiều trò làm thầy cô phát bực và nhiều người đã bỏ đi ngay sau một ngày dạy.
"Công việc ở cơ quan đã bận thì chớ, tôi lại phải lo giám sát việc học của con. Có giáo viên vừa dạy được 1 buổi đã xin nghỉ ngay. Tôi lại phải mua chiếc điện thoại xịn và vợ chọn mấy chiếc váy hàng hiệu để tặng nhằm giữ chân nhưng cũng chẳng được", anh Q. nói.
Trong khi đó, vợ chồng chị X. (Ba Đình, Hà Nội) lại kỳ công hơn mọi người. Con không thích học nhạc nhưng vợ chồng chị luôn kỳ vọng phải phát triển thiên hướng nghệ thuật. Giáo viên không đến tận nhà vì ở cách nhà chị X. gần 30km. Nhưng nghe giáo viên có tiếng nên chị X. và chồng đành thay nhau chở con đi học mỗi tuần 3 buổi.
"Ngày nắng còn có ngày mưa, may nhà tôi có ô tô chứ không cũng vất vả. Sắp tới đây giáo viên định đến tận nhà nhưng tôi và vợ sẽ thay nhau đưa đón cô bằng ô tô để đỡ phải đi lại bằng xe máy xa xôi. Nói thật khóa học cũng kéo dài 3-4 năm mới có thể đánh đàn được thì gắng chịu khổ để con có chút vốn liếng nghệ thuật vậy", chị X. tâm sự.
Những đứa trẻ khổ vì sự kỳ vọng của bố mẹ
Con thích học nghệ thuật hay đàn đã là một điều may mắn nhưng có không ít phụ huynh lại mang tâm lý cho con học để "bằng bạn bằng bè" hay chỉ là một sự "chạy đua" cho bằng hàng xóm và đồng nghiệp".
Anh H. (Khu đô thị Xa La, Hà Đông, Hà Nội) vừa chuyển về chung cư được hơn 1 năm. Gia đình hàng xóm vào hàng khá giả đã đầu tư cho con học đàn hơn 3 năm nay. Anh nghe tiếng đàn mỗi sáng lại càng quyết tâm bắt ép con phải học đàn. Dù con gái anh lại thích học võ, múa hơn là ngồi hàng tiếng để đánh đàn.
"Cứ nghĩ trẻ nào học đàn cũng đánh được, chỉ cần khổ luyện là thành tài. Nhưng chi tiền cho con học suốt 1 năm, giáo viên thì cơm bưng nước rót nhưng kết quả là con chỉ nhận diện được bàn phím chứ đánh lỗi be bét. Giáo viên cũng chỉ dạy cho có, họ nói con không có khả năng nhưng tôi vẫn cố cuối cùng đánh chả ra bài gì cả", anh H chia sẻ.
Còn anh P. (Long Biên, Hà Nội) quyết định đầu tư mua đàn và khoản tiền học cho con lên đến gần 200 triệu đồng. Nhưng sau 3 tháng, con chán chường với việc học. Mỗi khi giáo viên đến nhà, con gái anh P. đóng cửa ngồi trong phòng, thậm chí học mà chỉ ngoái nhìn tivi.
"Sau 3 tháng, tôi phải kêu người bán đàn, rao bán khắp các mạng xã hội. Mua thì đắt nhưng bán lại rớt giá "thảm", tiền thì tốn cuối cùng chẳng thu được gì", anh P. chua chát nói.