Cho con hiểu giá trị của Tết từ những việc làm cụ thể

GD&TĐ - Để giúp trẻ hiểu giá trị của Tết cổ truyền, phụ huynh có thể dạy con cách dọn dẹp nhà cửa, gói bánh chưng và dành những lời chúc tới mọi người.

Cha mẹ cần dạy con ý nghĩa của việc lì xì không nằm ở giá trị đồng tiền. Ảnh minh họa
Cha mẹ cần dạy con ý nghĩa của việc lì xì không nằm ở giá trị đồng tiền. Ảnh minh họa

“Hòa nhập mà không hòa tan”

Trong guồng quay của cuộc sống hiện đại, một số phong tục dịp Tết cổ truyền đã và đang bị mai một. Để gìn giữ nét đẹp truyền thống trong ngày Tết, thì việc giáo dục để trẻ biết trân trọng, phát huy nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc về ngày này cần được duy trì, phát huy.

Cách “ăn Tết” của con người ngày nay có thể ít nhiều thay đổi, nhưng tinh thần “tống cựu nghinh tân” và đạo lý “uống nước nhớ nguồn” vẫn là giá trị cốt lõi của Tết. Giữ gìn giá trị này không chỉ là ý thức của người lớn, mà cần truyền dạy cho con trẻ bằng những việc làm thực tế.

Vì thế, gìn giữ giá trị cốt lõi của Tết không chỉ là ý thức của người lớn mà còn cần truyền dạy cho con trẻ bằng những việc làm thực tế. Trong đó, không ít gia đình người Việt dù định cư ở nước ngoài, nhưng vẫn ăn Tết cổ truyền của dân tộc, với mong muốn con cháu đời sau không quên nguồn cội. Bởi, ngày Tết luôn được coi là thời điểm sum vầy, mang ý nghĩa linh thiêng.

Tết không chỉ là dịp để cả nhà quây quần sum họp, mà còn chứa đựng nhiều tập tục mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc. Đó cũng là lúc cha mẹ cần giúp trẻ hiểu rõ về giá trị của ngày Tết cổ truyền.

Tết mỗi năm một lần, tuổi của trẻ cũng theo Tết mà lớn lên. Trẻ sẽ xa dần tuổi thơ của mình, trưởng thành. Khi đó, trẻ sẽ có nhiều lo toan trong ngày Tết. Vì thế, theo các chuyên gia, khi trẻ còn nhỏ, gia đình nên tạo điều kiện cho con có được những cái Tết thật vui tươi, hồn nhiên, bổ ích và có nhiều ý nghĩa với hoạt động mang tính hiện đại, nhưng cũng không xa rời những phong tục truyền thống tốt đẹp.

Đến hẹn lại lên, cứ 29 Tết, gia đình nhỏ của chị Nguyễn Hương Giang (Long Biên, Hà Nội) lại quây quần gói bánh chưng. Nữ phụ huynh chia sẻ, mỗi khi cùng gói bánh, gia đình chị cũng cảm nhận được hương vị ngày Tết rõ ràng hơn. Các thành viên trong nhà cũng cảm thấy như gắn kết nhau hơn trong không khí ấm áp.

Theo chị Hương Giang, việc chuẩn bị Tết của nhiều gia đình không còn như xưa. Việc sắm Tết trở nên đơn giản và gọn nhẹ hơn rất nhiều, cái gì cũng làm sẵn, bán sẵn, có sẵn để mua. Chỉ cần đi một vòng quanh chợ, siêu thị, thậm chí một cuộc điện thoại là các gia đình cũng có thể sắm được đủ thứ cần thiết...

Tuy nhiên, khi được cùng gia đình chuẩn bị Tết, tự tay gói những chiếc bánh chưng, dọn dẹp, trang hoàng nhà cửa và tham gia các phong tục truyền thống, chị Giang cảm nhận được sự khác biệt. Đó là không khí nhộn nhịp, tất bật và gắn bó với nhau.

Các thành viên trong gia đình chị cũng thấy trân quý hơn giây phút sum vầy cùng gia đình. “Vì hương vị đặc biệt đó, vợ chồng mình luôn cố gắng duy trì truyền thống của gia đình, cùng các con dọn dẹp, gói bánh chưng, trang trí nhà cửa... Tết chính là giá trị tinh thần không thể thiếu của người dân Việt Nam”, nữ phụ huynh chia sẻ.

Cũng vì cảm nhận được giá trị của Tết cổ truyền và yêu không khí ấm cúng, gia đình anh Nguyễn Long (Hoàng Mai, Hà Nội) luôn cùng nhau chuẩn bị, dọn dẹp nhà cửa trước dịp đặc biệt này. “Khung cảnh mỗi thành viên trong nhà tất bật chia nhau công việc luôn là ký ức đẹp với mình. Vì thế, mình cũng muốn các con cảm nhận được không khí đó và giúp chúng hiểu nét đẹp phong tục truyền thống”, anh Long chia sẻ.

Bên cạnh đó, theo phụ huynh này, hai con của anh còn rất nhỏ nhưng luôn háo hức được giúp bố mẹ những việc nhỏ để chuẩn bị đón Tết. Trong không khí se lạnh của những ngày cuối năm, các thành viên quây quần bên nhau, cùng thưởng thức bánh, mứt, cùng trò chuyện. Gia đình anh cũng vì thế mà cảm nhận sự ấm áp trong ngày Tết.

Theo Vụ Gia đình (Bộ VH,TT&DL), Tết Nguyên đán là nét văn hóa đã ăn sâu vào tâm trí người Việt từ người già đến trẻ nhỏ. Đây là lễ hội lớn nhất trong năm, mọi người sẽ có một kỳ nghỉ lễ dài để nghỉ ngơi, sum họp gia đình. Trước sự giao thoa văn hóa của thời hội nhập, chúng ta cần giữ nét văn hóa cổ truyền dân tộc, kết hợp đón nhận thêm những nét văn hóa mới.

Trong xu thế hiện đại, hội nhập về văn hóa là điều không tránh khỏi và góp phần làm đa dạng nền văn hóa của đất nước. Song, “hòa nhập mà không hòa tan” là điều cần hướng đến. Học hỏi để làm đa dạng, phong phú thêm nền văn hóa đất nước là điều cần thiết, nhưng bảo tồn và phát huy truyền thống vẫn cần được chú trọng.

Do đó, điều quan trọng là tăng cường giáo dục truyền thống văn hóa tốt đẹp về các ngày lễ, Tết trong môi trường gia đình, nhà trường và xã hội. Qua đó, giúp thế hệ trẻ hiểu, yêu và giữ gìn hơn nữa những tinh hoa dân tộc.

Những nét văn hóa đặc sắc của Tết cổ truyền người Việt nằm sâu ở tầng giá trị. Trong khi đó, giá trị của Tết truyền thống không phải ở hình thức. Trải qua nhiều biến thiên, đến nay, Tết Việt đã có nhiều thay đổi.

Những thay đổi đó cũng tác động đến suy nghĩ và nhận thức của các thế hệ sau. Do đó, có thể nói, giữ gìn nét đẹp văn hóa của Tết cổ truyền Việt Nam là trách nhiệm không của riêng ai.

Gìn giữ giá trị cốt lõi của Tết không chỉ là ý thức của người lớn mà còn cần truyền dạy cho con trẻ bằng những việc làm thực tế. Ảnh minh họa

Gìn giữ giá trị cốt lõi của Tết không chỉ là ý thức của người lớn mà còn cần truyền dạy cho con trẻ bằng những việc làm thực tế. Ảnh minh họa

Bắt đầu từ những việc nhỏ

Chia sẻ về những hoạt động truyền thống trẻ cần có trong ngày Tết, Thạc sĩ Khoa học giáo dục, chuyên gia tâm lý Nguyễn Thị Lanh cho biết: “Vào những ngày cuối năm, các gia đình thường dọn dẹp nhà cửa gọn gàng, sạch sẽ và trang trí để đón Tết.

Cha mẹ hãy hướng dẫn con phụ giúp mình, bắt đầu từ những việc nhỏ nhặt như dọn dẹp đồ chơi, gấp quần áo, quét dọn nhà cửa,… Phụ huynh có thể vừa làm vừa dạy các con tại sao các gia đình thường dọn dẹp nhà cửa để đón Tết. Ví dụ như nhà cửa cần phải gọn gàng đón năm mới vì dịp này sẽ có nhiều người đến nhà chơi”.

Bên cạnh đó, cha mẹ cũng cần dạy con chúc Tết. Bởi, Tết là dịp gia đình vui vầy sum họp, trao cho nhau những nụ cười và lời chúc tụng để bày tỏ lòng hiếu thảo, tình thương yêu của mọi người trong gia đình. Trong dịp Tết, mọi người đều mang theo niềm vui mong ước một năm mới an vui, may mắn và hạnh phúc.

Trong khi đó, phong tục chúc Tết cũng là nét đẹp văn hóa, thể hiện tinh thần uống nước nhớ nguồn của dân tộc Việt Nam. Do đó, cha mẹ có thể tranh thủ các ngày trước Tết Nguyên đán để dạy con một số câu chúc.

Một lưu ý nữa là trẻ cần biết mỉm cười và nói lời cảm ơn khi nhận được lì xì. Theo chuyên gia này, không ít trẻ em hiện hay chỉ biết được lì xì là có tiền, mà không hiểu hết được ý nghĩa sâu xa của phong tục đẹp đẽ đó. Chính vì vậy, nhiều trẻ bắt đầu có ý thức sai lệch về lì xì, trở nên thực dụng khi chê những người lì xì tiền.

Do vậy, cha mẹ cần dạy con ý nghĩa của việc lì xì không nằm ở giá trị đồng tiền. Một số cách ứng xử khi nhận được lì xì mà cha mẹ nên dạy con là: Con hãy mỉm cười và biết nói lời cảm ơn khi được người lớn lì xì. Nếu con quên, cha mẹ hãy gợi ý cho trẻ nhớ. Nên tránh việc chê bai ít nhiều, xé bỏ bao lì xì trước mặt khách, hay giành giật bao lì xì... Chỉ những điều đơn giản như vậy, nhưng cũng giúp cho con trưởng thành hơn.

Phụ huynh cũng cần giúp con hiểu ý nghĩa của món ăn truyền thống ngày Tết. Những ngày Tết, các gia đình thường được sửa soạn mâm cỗ, với các món ăn truyền thống như bánh chưng, thịt nấu đông, canh măng,… để cúng ông bà tổ tiên. Các món ăn ngày Tết cũng mang theo nhiều ý nghĩa về mong ước một năm mới an lành và thịnh vượng. Phụ huynh cũng có thể để con phụ giúp mình trong việc chế biến các món ăn truyền thống.

Trẻ cần được dạy biết ơn tổ tiên, ông bà. Ảnh minh họa

Trẻ cần được dạy biết ơn tổ tiên, ông bà. Ảnh minh họa

Điều quan trọng khác là phụ huynh cần dạy con tri ân tổ tiên, ông bà, cha mẹ. Bởi, ngày Tết cũng là dịp các mẹ dạy cho con cách bày tỏ lòng tri ân đến những người vô cùng đặc biệt của con.

Khi con đi chúc Tết ông bà, cha mẹ hãy tâm sự với trẻ về những đóng góp của tổ tiên với con cháu và sự vất vả của ông bà đã nuôi cha mẹ nên người. Khi đó, trẻ sẽ dần cảm thấy những vất vả khó khăn của ông bà. Từ đó, lòng tri ân sẽ đến một cách tự nhiên với tâm hồn con.

Sự tri ân của con trở nên có ý nghĩa nhất khi cha mẹ và người thân trong gia đình là tấm gương để trẻ soi vào. Vì thế, theo chuyên gia Nguyễn Thị Lanh, cha mẹ hãy là người đầu tiên và duy nhất để bé cảm nhận sâu sắc nhất cách thể hiện tình cảm, sự mang ơn tới người thân trong gia đình bằng những hành động cụ thể. Nếu sống xa gia đình, phụ huynh hãy cho con cơ hội được về quê vào ngày Tết cổ truyền.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tin đăng viec lam kho tại Vieclam24h chương trình du học nhật bản Cập nhật thông tin việc làm Công ty quà tặng tết Grand Cru - Wine & Gift