Thầy trò 'Tây' háo hức đón Tết cổ truyền

GD&TĐ - Tết Nguyên đán giờ đây không chỉ là sự mong chờ, háo hức của chính người dân Việt mà cả người nước ngoài đang sinh sống, làm việc hay du học sinh...

Thầy Andrew Joseph Johnson, người Mỹ, giáo viên tiếng Anh, Trường Phổ thông liên cấp Phenikaa (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội). Ảnh: NVCC
Thầy Andrew Joseph Johnson, người Mỹ, giáo viên tiếng Anh, Trường Phổ thông liên cấp Phenikaa (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội). Ảnh: NVCC

Họ cũng hào hứng hoà chung không khí đón Tết để được tham gia, cảm nhận những nét đẹp văn hóa truyền thống có trong ngày Tết cổ truyền.

Du học sinh hào hứng

Năm nay, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho sinh viên nghỉ Tết Nguyên đán 3 tuần. Thay vì chọn về quê như nhiều bạn bè cùng trang lứa, Kevin Thongsy, du học sinh Lào, sinh viên năm hai, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân (Hà Nội) lại quyết định ở lại nhà người thân của mình tại Bắc Ninh để đón Tết.

Kevin chia sẻ: “Em may mắn vì có khá nhiều lần được đón Tết cổ truyền Việt Nam. Do vậy, mỗi khi Tết đến em thấy rất gần gũi, đây là khoảng thời gian quý giá để hàn gắn tình cảm gia đình.

Một đặc trưng không thể lẫn đâu được là ở đây người nào cũng vậy, dù bận rộn, làm ăn xa đều sắp xếp thời gian để về nhà ăn bữa cơm cuối năm cùng gia đình, nhìn lại một năm qua đã làm được gì. Đặc biệt, những ngày Tết người ta không lựa chọn ăn ở nhà hàng mà tất cả cùng nấu mâm cơm cúng”.

Là du học sinh Lào đến Việt Nam sinh sống, học tập, Kevin Thongsy đã tham gia nhiều hoạt động như: Tham gia phiên chợ Tết ở quê, tảo mộ, dọn dẹp nhà cửa, đến thăm họ hàng; được nhận lì xì kèm theo những câu chúc may mắm cho một năm mới... Kevin Thongsy cho rằng, Tết cổ truyền của Việt Nam là cơ hội để những bạn trẻ như em hiểu thêm ngày Tết, đuợc giáo dục, gìn giữ truyền thống, văn hóa cũng như nét đẹp lâu đời của con người Việt Nam.

Không riêng Kevin Thongsy, Alit Xaipanya, du học sinh Lào, sinh viên năm 2, Trường Đại Kinh tế Quốc dân cũng rất háo hức khi nói về Tết Việt. “Trước đây, em ở Lào rất hào hứng khi nghe kể về ngày Tết ở Việt Nam, trong đó về các loài hoa. Miền Nam sẽ có hoa mai, miền Bắc sẽ có hoa đào. Mỗi gia đình đều có một trong hai loài hoa trên để trưng Tết. Đó là nét đẹp khó lẫn”, Alit chia sẻ.

Thời điểm đón Tết của Lào và Việt Nam khác nhau, nhưng Alit cho rằng Tết ở hai nước có nhiều nét tương đồng, Tết là về nhà cùng nhau sum họp. Tết ở Lào cũng có món ăn truyền thống như nộm đu đủ, canh măng; xôi…

“Thực sự, khi học ở Việt Nam người dân rất thân thiện, bạn bè Việt Nam của em cũng nhiều người mời em về quê đón Tết. Chưa kể sau khi quay trở lại trường học, các bạn mang bánh chưng, giò hay các loại đặc sản của quê hương mình để giới thiệu, mời chúng em cùng thưởng thức và cảm nhận được văn hóa ẩm thực của mỗi vùng miền”, Alit chia sẻ.

Kevin Thongsy (ngoài cùng bên trái) và Alit Xaipanya (giữa) cùng bạn của mình trong đợt cuối năm tại Việt Nam. Ảnh: Ngô Chuyên

Kevin Thongsy (ngoài cùng bên trái) và Alit Xaipanya (giữa) cùng bạn của mình trong đợt cuối năm tại Việt Nam. Ảnh: Ngô Chuyên

Tết thầy trong lòng người nước ngoài

Thầy Andrew Joseph Johnson, người Mỹ, giáo viên tiếng Anh, Trường Phổ thông liên cấp Phenikaa (Nam Từ Liêm, Hà Nội) đã sinh sống và làm việc ở Việt Nam được 6 năm. Anh kết hôn với vợ là người Việt Nam, quê Nghệ An. Nhiều năm nay, anh và gia đình mỗi dịp nghỉ Tết Nguyên đán lại về quê vợ.

Thời điểm này, thầy Andrew Joseph Johnson rất háo hức để chờ đợi kỳ nghỉ Tết để được về quê sum vầy bên gia đình, ăn bữa cơm tất niên, cùng nhau gói bánh chưng, bày mâm ngũ quả đón chờ phút giây chuyển giao năm cũ và mới. “Tôi rất thích Tết vì tôi được nhìn, cảm nhận những phong tục tập quán, nét đẹp văn hóa khác với đất nước tôi sinh ra và lớn.

Đặc biệt, đây là khoảng thời gian, là dịp những người con đi làm ăn xa như chúng tôi được về nhà, ăn cơm, trò chuyện, uống trà cùng bố mẹ mình. Một điều mà không thể bị pha lẫn là Tết cổ truyền của Việt Nam còn dành một ngày Tết thầy là (mùng ba âm lịch). Thực sự, tôi rất hạnh phúc và ngưỡng mộ bởi tôi cũng đang là một giáo viên”, thầy Andrew Joseph Johnson chia sẻ.

Lựa chọn đón Tết tại Việt Nam, song vào dịp này, thầy Andrew Joseph Johnson luôn dành thời gian nhắn tin, gọi điện để hỏi thăm sức khoẻ, chia sẻ về công việc của anh ở Việt Nam với những thầy cô giáo cũ của mình ở nước ngoài. “Tôi hi vọng với truyền thống tốt đẹp có từ xa xưa như thế này, học trò của mình sẽ duy trì. Hy vọng trong tương lai, học sinh của tôi cũng sẽ đến thăm tôi vào ngày Tết của thầy”, thầy Andrew Joseph Johnson nói.

Năm nay là năm thứ ba Souphat Latvongsa, người Lào, sinh viên ngành Luật, Trường Đại học Luật Hà Nội đón Tết cổ truyền tại Việt Nam. Năm đầu tiên, Souphat Latvongsa đón Tết ở Trường Hữu Nghị 80. Năm nay, Souphat Latvongsa quyết định đón Tết ở chính ngôi trường mình đang theo học.

Souphat Latvongsa chia sẻ: “Em rất thích không khí Tết ở Việt Nam. Đây là dịp trải nghiệm, được gói bánh chưng, tham gia nhiều lễ hội, đi nhiều nơi, và càng hiểu thêm về truyền thống văn hóa Việt”.

Theo Souphat Latvongsa, điều đặc biệt trong ngày Tết cổ truyền Việt Nam mà ít đất nước có được chính là trong chuỗi ngày nghỉ lễ có một ngày dành cho thầy cô (mồng 3 Tết thầy) nhằm thể hiện lòng biết ơn, tôn sư trọng đạo, nhấn mạnh vai trò quan trọng của giáo dục trong sự phát triển xã hội.

“Dịp này cũng tạo không khí ấm cúng, khuyến khích học trò nỗ lực hơn và truyền lửa đam mê học tập, là cơ hội quý báu để củng cố mối quan hệ thầy trò, giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống”, Souphat Latvongsa nói.

“Tết thầy trong Tết cổ truyền của Việt Nam nhắc nhở em đã bao lâu rồi không gọi điện hỏi thăm thầy cô cũ của mình, nhắc nhở em đạo lý tôn sư trọng đạo, biết ơn công lao thầy cô đã dạy dỗ”, Alit Xaipanya chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ