Chớ áp đặt, hãy đồng hành cùng con chọn tổ hợp

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Các trường THPT trên cả nước cơ bản hoàn thiện thủ tục để đón học sinh lớp 10 năm học 2022 - 2023. Theo chia sẻ của thầy cô, giai đoạn đầu cấp ngoài sự hỗ trợ tối đa của nhà trường thì vai trò đồng hành của phụ huynh rất quan trọng.

Tiết học Ngữ văn của cô và trò Trường THPT Xuân Phương.
Tiết học Ngữ văn của cô và trò Trường THPT Xuân Phương.

Đồng hành cùng con

Năm đầu tiên triển khai Chương trình GDPT 2018 ở bậc THPT, ngoài những lưu ý học sinh về việc chọn tổ hợp, có kế hoạch học tập cụ thể thì các trường đặc biệt nhấn mạnh vai trò của phụ huynh trong việc ổn định tâm lý.

Theo chia sẻ của cô Nguyễn Thị Hồng Ngân, Hiệu trưởng Trường THPT Văn Giang (Hưng Yên): Chương trình hiện hành, việc chọn phân ban dễ hơn. Ví dụ: Học sinh chọn ban Khoa học tự nhiên nhưng học một năm thấy không phù hợp có thể đổi sang ban khác. Tuy nhiên, Chương trình GDPT 2018 ngoài 5 môn bắt buộc, học sinh phải lựa chọn tổ hợp từ đầu lớp 10, khó thay đổi lần hai. Do đó, phụ huynh cần hiểu rõ để tư vấn cho con.

Để tạo thuận lợi cho học sinh, Trường THPT Văn Giang đã cho học sinh trúng tuyển vào trường đăng ký nguyện vọng theo thứ tự 1, 2, 3. Trước đó, nhà trường họp với phụ huynh, phân tích những yêu cầu của Chương trình GDPT 2018 để gia đình, học sinh nắm rõ.

Cô Hồng Ngân cho biết: Sau khi học sinh đăng ký nguyện vọng học tổ hợp, một số phụ huynh muốn con theo tổ hợp Khoa học tự nhiên thay Khoa học xã hội. Lý do được cha mẹ đưa ra, với năng lực hiện tại nếu học tổ hợp Khoa học xã hội sẽ nhàn quá, trẻ dễ sa đà vào trò chơi điện tử.

“Trước tình huống đó, tôi gặp từng phụ huynh để phân tích việc lựa chọn tổ hợp ngoài căn cứ vào năng lực cần lắng nghe sở thích, mong muốn của con, như vậy, quá trình học mới hiệu quả. Việc chọn tổ hợp lần này quyết định quá trình học lâu dài của các em”, cô Ngân chia sẻ.

Từ thực tế trên, cô Ngân cho rằng, phụ huynh không nên yêu cầu con lựa chọn theo mong muốn của mình. Giai đoạn đầu cấp, tâm lý trẻ có nhiều xáo trộn do thay đổi môi trường học, phải làm quen với phương pháp học mới… nên thay vì áp đặt thì đồng hành, thấu hiểu nhưng cũng không để con tự “bơi”.

Đồng quan điểm, thầy Trần Trọng Hà, Hiệu trưởng Trường THPT Xuân Phương (Hà Nội), chia sẻ thêm: “Tư vấn hướng nghiệp cho học sinh ngoài vai trò chủ lực của nhà trường thì những góp ý, định hướng từ gia đình rất quan trọng. Bởi phụ huynh hiểu hơn ai hết đặc tính, sở thích của con em mình. Bên cạnh đó, khi học sinh đưa ra lựa chọn tổ hợp trong đó đã có tính hướng nghiệp, hiểu biết nhất định về ngành, nghề dự định theo đuổi. Do vậy, rất cần sự đồng hành của cha mẹ trong suốt quá trình học”.

Theo thầy Hà, để học tốt Chương trình GDPT 2018, các em phải nắm chắc kiến thức cốt lõi để vận dụng vào thực tiễn, giải quyết những nhiệm vụ học tập, tình huống thực tế. Bởi vậy, từ đầu cấp, trò phải có chiến lược, phương pháp học riêng cho bản thân.

Với những yêu cầu cao về định hướng nghề nghiệp trong Chương trình GDPT 2018, Trường THPT Xuân Phương dự kiến tổ chức nhiều buổi tư vấn, hướng nghiệp cho học sinh từ năm lớp 10. Qua đó, các em dần nắm bắt được nhu cầu thị trường lao động, có lựa chọn hướng đi sau khi tốt nghiệp THPT.

“Nhà trường cũng tổ chức cho học sinh tham quan các trường đại học, cao đẳng để tìm hiểu môi trường học tập, tạo động lực theo đuổi ước mơ”, thầy Hà cho biết thêm.

Giờ học của thầy và trò Trường THPT Xuân Phương.

Giờ học của thầy và trò Trường THPT Xuân Phương.

Sớm lên kế hoạch học tập

Theo TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý Giáo dục Hà Nội, giai đoạn đầu bậc THPT là nền móng quan trọng của học sinh. Lúc này phụ huynh không nên áp đặt suy nghĩ của mình vào cho con, mà phải lắng nghe mong muốn của con để cùng định hướng.

Ngoài ra, phụ huynh cần gần gũi, trao đổi, phân tích cho con những thay đổi cần thiết trong phương pháp học, cách tiếp cận bài học và cùng con lập ra kế hoạch thực hiện các mục tiêu trong năm học lớp 10 và các năm tiếp theo cấp THPT.

“Có kế hoạch, mục tiêu học rõ ràng giúp học sinh tìm ra phương pháp học hiệu quả. Khi hoàn thành mục tiêu đề ra trong từng giai đoạn sẽ là động lực để học sinh phấn đấu đạt mục tiêu dài hạn”, TS Tùng Lâm nhấn mạnh, đồng thời cho hay: Chương trình GDPT 2018 đề cao định hướng nghề nghiệp, giúp học sinh phát triển phẩm chất, năng lực để đáp ứng nhu cầu nguồn lao động cho xã hội. Theo đó, cấp học này đòi hỏi tính chủ động, tự giác của học sinh rất cao.

“Tuy nhiên, nhiều em phải có sự thúc giục của thầy cô, gia đình mới chú tâm vào học, do đó ngoài sự hỗ trợ của thầy cô ở trường, vai trò của phụ huynh ở nhà rất quan trọng. Phụ huynh chính là người bạn đồng hành cùng con trong quá trình theo đuổi ước mơ”, TS Tùng Lâm nêu quan điểm.

Đối với học sinh lớp 10 năm học 2022 - 2023, trong quá trình tuyển sinh chúng tôi đã tư vấn cho các em về những thay đổi trong chương trình học. Ngoài những môn học bắt buộc, ngay sau khi làm thủ tục nhập học, các em phải lựa chọn tổ hợp, Ngoại ngữ 2, do đó phải cân nhắc kỹ từ năng lực đến sở thích để lựa chọn. Vào năm học, trường tư vấn giai đoạn 2 (hướng dẫn học sinh thực hiện đầy đủ các môn bắt buộc, môn tự chọn. Tư vấn cho học sinh xác định nhiệm vụ học tập, định hướng nghề nghiệp…). - Thầy Trần Trọng Hà

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ