Chính thức ra mặt Học viện Khoa học Xã hội Việt Nam

Chính thức ra mặt Học viện Khoa học Xã hội Việt Nam
 v v v
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân trao Quyết định về việc thành lập Học viện Khoa học xã hội

Viện Khoa học Xã hội Việt Nam là cơ sở duy nhất trong nước chỉ tập trung đào tạo những người có trình độ cao về khoa học xã hội ở hầu hết các ngành khoa học xã hội và nhân văn.

Tại lễ ra mắt, Viện Khoa học Xã hội Việt Nam đã công bố quyết định bổ nhiệm giáo sư, tiến sỹ Võ Khánh Vinh, Phó Chủ tịch Viện Khoa học Xã hội Việt Nam kiêm Giám đốc Học viện Khoa học Xã hội Việt Nam; phó giáo sư, tiến sỹ Phạm Văn Đức, Viện trưởng Viện Triết học kiêm Phó Giám đốc Học viện Khoa học Xã hội Việt Nam.

Học viện có nhiệm vụ đào tạo, cấp văn bằng thạc sỹ và tiến sỹ về khoa học xã hội; quản lý thống nhất các hoạt động đào tạo sau đại học của các cơ sở đào tạo thuộc Viện Khoa học xã hội Việt Nam; nghiên cứu khoa học; bồi dưỡng chuyên môn về khoa học xã hội, nhân văn cho cán bộ, công chức, viên chức; đồng thời tư vấn về đào tạo, phát triển nguồn nhân lực. Học viện là đơn vị sự nghiệp trực thuộc Viện Khoa học xã hội Việt Nam, có tư cách pháp nhân, con dấu và tài khoản riêng, hoạt động theo Quy chế tổ chức và hoạt động do Viện Khoa học xã hội Việt Nam ban hành, phù hợp với Điều lệ trường Đại học ban hành kèm theo Quyết định 153/2003/QĐ-TTg ngày 30/7/2003 của Thủ tướng Chính phủ.

Học viện có bảy khoa là khoa học xã hội, khoa học nhân văn, quốc tế học, phát triển bền vững, chính sách công, công tác xã hội và quản trị kinh doanh.

Học viện đã được Bộ GD&ĐT cho phép đào tạo 57 mã ngành ở trình độ thạc sĩ và tiến sĩ và trong một vài năm tới số lượng mã ngành sẽ ngày càng được mở rộng. Hiện thuộc biên chế Viện có 368 nhà khoa học có trình độ từ tiến sĩ trở lên và khoảng 200 cán bộ khoa học ở các học viện, các trường đại học làm công tác thỉnh giảng.

Dự kiến tháng 10 năm 2010, Học viện sẽ tuyển sinh khóa đầu tiên trên cơ sở thống nhất 17 cơ sở đào tạo hiện có của Viện. Trong tương lai gần, Học viện sẽ triển khai phát triển đào tạo ở hầu hết các lĩnh vực chuyên ngành về khoa học xã hội nhân văn với khoảng hơn 50 mã ngành, trong đó, sẽ ưu tiên xây dựng một số chuyên ngành mang tính đặc thù, như: chính sách công, khảo cổ học, Hán Nôm… Các chuyên ngành khác sẽ hoạt động theo cơ chế cạnh tranh.

Lập Phương

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ