(GD&TĐ)-Hôm nay (25/2), Ban chỉ đạo khẩn cấp bảo vệ cụ Rùa hồ Gươm đã chính thức công bố phương án chữa bệnh cho cụ Rùa.
Sáng ngày 16/2, cụ Rùa đã nổi lên với nhiều vết thương trên người. |
Ông Lê Xuân Rao, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội cho biết, biện pháp an toàn nhất để giải cứu cụ Rùa là chữa bệnh tại chỗ, bởi mọi phương án di chuyển ra khỏi khu vực hồ như dùng trực thăng, cần cẩu, thuyền… đều không đảm bảo an toàn.
Điều đặc biệt, khoảng 10h sáng 25/2, khi cuộc họp của Ban chỉ đạo khẩn cấp cứu chữa cụ rùa tại UBND TP Hà Nội kết thúc, cụ rùa lại nổi. Địa điểm cụ rùa nổi ở khu vực mé hồ gần đường Đinh Tiên Hoàng, đối diện với tượng đài Lý Thái Tổ và cũng gần với trụ sở UBND TP. Trước đó, ngay sau khi hội thảo đầu tiên bàn về phương án cứu cụ rùa vào ngày 15/2 do Sở KH-CN Hà Nội chủ trì, sáng ngày 16/2, cụ rùa đã nổi lên với nhiều vết thương trên người. |
Vì thế, Ban chỉ đạo đều thống nhất sẽ chữa bệnh cả ở dưới nước và trên cạn cho cụ. Khu vực trên cạn được xác định dùng để chữa thương là chân Tháp rùa. Để tạo điều kiện cho cụ Rùa leo lên phơi nắng, UBND TP đã chỉ đạo thành lập đội hành động lập tức tiến hành dọn phá những dầm, bãi bê tông ở chân tháp, đồng thời tạo bãi cát thoải để cụ dễ dàng leo lên phơi nắng theo thói quen trước đây.
Phần chữa trị dưới nước được Ban chỉ đạo lên kế hoạch lắp đặt ngay một bể bơi thông minh. Trong lòng bể bơi sẽ là môi trường nước giống với hồ Hoàn Kiếm nhưng đã loại trừ những yếu tố độc hại, tạo điều kiện cho việc chữa trị sau khi được bôi, uống thuốc. Bể bơi thông minh này sẽ được lắp đặt và hoàn thiện trong vài ngày tới.
Cùng với đó là việc cải tạo môi trường Hồ Gươm đã bị ô nhiễm trong thời gian dài. Tuy nhiên, sẽ tiến hành cải tạo, nạo vét Hồ Gươm theo lộ trình chứ không thể tiến hành gấp gáp.
Điều cốt yếu trong cuộc họp của lãnh đạo UBND TP sáng nay với Ban chỉ đạo khẩn cấp cứu cụ rùa Hồ Gươm là việc cứu chữa sức khỏe cụ rùa trước tiên, sau đó mới tiến hành cải tạo môi trường Hồ Gươm. PGS.TS Hà Đình Đức là chuyên gia duy nhất được mời tham dự cuộc họp chốt phương án này.
Một Hội đồng gồm các bác sỹ thú y, các chuyên gia thủy sản, các nhà sinh học… để chữa trị vết thương cụ rùa cũng sẽ được thành lập. Các chuyên gia đánh bắt thủy sản sẽ phối hợp với PGS.TS Hà Đình Đức – người có nhiều thời gian nghiên cứu, hiểu được đặc tính, thói quen của cụ rùa và hiểu sâu những đặc điểm của Hồ Gươm.
Hùng Sơn