Người nước ngoài được tạo điều kiện giảng dạy, nghiên cứu khoa học
Theo TSKH Phạm Đỗ Nhật Tiến, Luật Giáo dục quy định cá nhân nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài được Nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện để giảng dạy, hợp tác, nghiên cứu khoa học, ứng dụng và chuyển giao công nghệ về giáo dục tại Việt Nam.
Thực hiện quy định này, Bộ GD&ĐT đã ban hành và tổ chức thực hiện các chính sách về tổ chức, quản lý các đoàn ra, đoàn vào; tổ chức, quản lý các hội nghị, hội thảo quốc tế; đàm phán, tiếp nhận và tổ chức thực hiện các dự án quốc tế. Đồng thời, tổ chức, quản lý cá nhân nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài đến Việt Nam giảng dạy, trao đổi học thuật, nghiên cứu khoa học trong khuôn khổ các thỏa thuận/hiệp định hợp tác quốc tế về giáo dục.
Việt Nam hiện đã thiết lập quan hệ hợp tác giáo dục với hơn 100 quốc gia và lãnh thổ; ký kết trong giai đoạn 2016-2020 gần 100 thỏa thuận và điều ước quốc tế cấp Chính phủ và cấp Bộ, góp phần nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế và vị thế của Việt Nam trên thế giới.
Các trường đại học công lập quốc tế (Việt-Đức, Việt-Pháp, Việt-Nga, Việt-Nhật, Việt-Anh) đã được thành lập; hàng trăm chương trình đào tạo liên kết đã được triển khai. Điểm đặc biệt đáng quan tâm là dù rằng Việt Nam đã trở thành nước thu nhập trung bình từ hơn 10 năm nay, nhưng ngành Giáo dục vẫn nhận được nhiều dự án ODA.
Riêng trong khu vực ASEAN, việc đẩy mạnh hợp tác khu vực thông qua các tổ chức SEAMEO, AUN, AQAN đã góp phần đáng kể trong việc nâng cao năng lực của đội ngũ giảng viên trong giảng dạy, nghiên cứu, đặc biệt trong bảo đảm và kiểm định chất lượng GDĐH.
Tuy nhiên, TSKH Phạm Đỗ Nhật Tiến cho rằng, cần đặc biệt chú ý hơn nữa trong phát triển chính sách liên quan đến những hoạt động mới đang được khuyến nghị và triển khai bởi các tổ chức quốc tế, làm đối trọng trước sức ép của cơ chế thương mại trong giáo dục. Cụ thể như sau:
Trên phạm vi thế giới, UNESCO hiện là cơ quan đầu mối và đi đầu trong nhiều hoạt động và sáng kiến nhằm duy trì học tập là một quyền lợi cơ bản của con người, bảo đảm để giáo dục là một lợi ích công toàn cầu. Riêng trong giáo dục đại học, lĩnh vực đang đứng trước xu thế thương mại hoá mạnh nhất, UNESCO đã triển khai Chương trình Kết mạng và kết nghĩa đại học (UNITWIN/UNESCO Chairs) với mục đích hỗ trợ nâng cao chất lượng giảng dạy, nghiên cứu của các trường đại học ở các nước đang phát triển.
Sáng kiến “Học giả không biên giới” (Academics without borders) có tác dụng thu hút các học giả đã về hưu, kể cả các học giả trẻ nhiệt huyết, các học giả bản xứ đang ở nước ngoài, góp sức để nâng cao chất lượng giảng dạy, tiếp nguồn chất xám cho các nước đang phát triển.
Trong bối cảnh ngày nay, để thực hiện bước chuyển sang giáo dục mở, giáo dục số, việc tăng cường hợp tác quốc tế về nhà giáo trên nguyên tắc giúp đỡ lẫn nhau theo cơ chế mở, không vụ lợi cũng chính là một trong 5 khuyến nghị của UNESCO về phát triển các tài nguyên giáo dục mở OER (UNESCO, 2019).
Để hỗ trợ các quốc gia thành viên triển khai các khuyến nghị này, UNESCO đã thành lập Liên minh Năng động OER. Liên minh này có mục đích hỗ trợ kết nối mạng và chia sẻ thông tin để tạo ra sự phối hợp xung quanh 5 lĩnh vực hành động của khuyến nghị: xây dựng năng lực của các bên liên quan để tạo lập, truy cập, tái sử dụng, điều chỉnh và phân phối lại OER; xây dựng chính sách hỗ trợ; khuyến khích OER chất lượng toàn diện và công bằng; nuôi dưỡng việc tạo ra các mô hình bền vững cho OER và tạo điều kiện cho hợp tác quốc tế.
Riêng đối với nhà giáo, để giảm khoảng cách số và thúc đẩy năng lực số, Dự án Khung năng lực ICT của UNESCO dành cho giáo viên khai thác OER đã được triển khai cùng với việc thành lập Mạng lưới cộng đồng thực hành để hỗ trợ xây dựng năng lực số trong đào tạo nhà giáo đáp ứng yêu cầu giảng dạy trước yêu cầu phát triển giáo dục mở, giáo dục số.
Như thế, cần có chính sách khuyến khích và hướng dẫn các cơ sở giáo dục nước ta khai thác các cơ hội được mở ra bởi các chương trình quốc tế như UNITWIN, “Học giả không biên giới”, Dự án Khung năng lực ICT dành cho giáo viên khai thác OER,… để tranh thủ sự giúp đỡ, hỗ trợ, hợp tác, chia sẻ của các nhà giáo, học giả nước ngoài trong việc nâng cao năng lực của đội ngũ.
“Riêng trong phạm vị khu vực ASEAN, tháng 7 năm ngoái, trong khuôn khổ hợp tác giáo dục ASEAN, tại Hà Nội, Bộ GD&ĐT đã chủ trì lễ công bố lộ trình không gian GDĐH ASEAN 2025 và kế hoạch thực hiện lộ trình này. Điều đó mở ra cơ hội đặc biệt quan trọng cho việc nâng cao chất lượng giáo dục đại học Việt Nam nói chung, tăng cường hợp tác khu vực về giảng viên nói riêng.
Đó là cơ hội về một môi trường hợp tác khu vực được khuyến khích đi đôi với một môi trường chính sách nhà giáo được cải thiện, qua đó thúc đẩy giao lưu, trao đổi, chia sẻ, cộng tác giữa giảng viên nước ta với giảng viên khu vực để nâng cao chất lượng giảng dạy và nghiên cứu khoa học”, TSKH Phạm Đỗ Nhật Tiến thông tin.
Chính sách với nhà giáo nước ngoài theo cơ chế thương mại dịch vụ giáo dục
Về thể chế, chính sách Nhà giáo nước ngoài vào Việt Nam giảng dạy, trao đổi học thuật, nghiên cứu khoa học theo cơ chế thương mại dịch vụ giáo dục, TSKH Phạm Đỗ Nhật Tiến cho biết:
Ngay từ trong Luật Giáo dục 1998, đã có quy định tổ chức, cá nhân nước ngoài, tổ chức quốc tế, người Việt Nam định cư ở nước ngoài được Nhà nước Việt Nam khuyến khích, tạo điều kiện để đầu tư, tài trợ, ứng dụng khoa học, chuyển giao công nghệ về giáo dục ở Việt Nam.
Quy định này nằm trong chủ trương đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục, theo đó Việt Nam chú trọng thu hút cả nguồn lực ODA và nguồn lực FDI, góp phần khắc phục mâu thuẫn lớn giữa một bên là yêu cầu ngày càng cao về phát triển giáo dục và một bên là sự hạn hẹp của ngân sách Nhà nước.
Để cụ thể hóa quy định trên, Chính phủ ban hành Nghị định 06/2000/NĐ-CP ngày 6/3/2000 về việc hợp tác đầu tư với nước ngoài trong lĩnh vực khám chữa bệnh, giáo dục đào tạo, nghiên cứu khoa học, tạo hành lang pháp lý cho tổ chức, cá nhân nước ngoài đầu tư vào Việt Nam để cung ứng dịch vụ giáo dục vì mục đích lợi nhuận theo quy định của Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.
Đến năm 2007, khi Việt Nam gia nhập WTO và ký cam kết về GATS trong giáo dục thì một thị trường giáo dục được chính thức công nhận và mở cửa cho các nhà đầu tư nước ngoài vào kinh doanh dịch vụ giáo dục trong giáo dục đại học, giáo dục thường xuyên và các dịch vụ giáo dục khác, bao gồm du học.
Đến nay một thị trường giáo dục đa dạng và phức tạp đã phát triển mạnh ở Việt Nam với sự hiện diện thương mại của nhiều cơ sở giáo dục nước ngoài. Tính đến năm 2021, cả nước có gần 500 dự án FDI, đến từ trên 30 quốc gia/vùng lãnh thổ, đầu tư vào lĩnh vực giáo dục và đào tạo với tổng số vốn đầu tư lên tới gần 5 tỉ USD; số lượng cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài hiện chiếm khoảng 17% trong hơn 3.800 cơ sở giáo dục ngoài công lập.
Tuy nhiên, theo TSKH Phạm Đỗ Nhật Tiến, cần chú ý, đối với phương thức hiện diện thể nhân, cũng như phần lớn các nước trên thế giới, Việt Nam không có cam kết. Điều này bảo đảm để chúng ta giữ quyền chủ động trong xây dựng chính sách phù hợp khi mở cửa cho nhà giáo nước ngoài vào Việt Nam để giảng dạy, trao đổi, nghiên cứu khoa học.
Cùng với đó, cần có sự tích cực về chính sách trong việc thu hút các nhà giáo giỏi đến với Việt Nam, với tư cách cá nhân hoặc trong khuôn khổ hoạt động của các cơ sở giáo dục nước ngoài, để góp phần hiệu quả vào tiến trình đổi mới giáo dục nước ta theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế.
Hành lang pháp lý cho những vấn đề trên hiện được thể hiện thông qua NĐ 86 ngày 6/6/2018 của Chính phủ quy định về hợp tác, đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục, cùng các quy định của Bộ Luật Lao động về người nước ngoài làm việc tại Việt Nam.
Tuy nhiên, TSKH Phạm Đỗ Nhật Tiến lưu ý, hiện diện thể nhân là lĩnh vực vừa phức tạp, vừa nhạy cảm, liên quan đến cả an toàn của thị trường lao động, môi trường văn hóa và an ninh chính trị. Vì vậy thể chế của lĩnh vực này không chỉ liên quan đến thể chế giáo dục, thể chế lao động mà còn liên quan đến thể chế đầu tư, thể chế xuất nhập cảnh.
Một số khúc mắc hiện nay trong quản lý, tiếp nhận, sử dụng, đãi ngộ nhà giáo nước ngoài vào Việt Nam làm việc có liên quan đến tình trạng chồng chéo chưa tránh khỏi trong các văn bản pháp lý của Việt Nam cũng như một số bất cập trong công tác quản lý.
Vì thế, TSKH Phạm Đỗ Nhật Tiến cho rằng, trong thời gian tới việc hoàn thiện thể chế, chính sách mở cửa cho sự hiện diện thể nhân của nhà giáo nước ngoài vào Việt Nam cần đặt trong định hướng chung về tiếp tục hoàn thiện Luật Nhập cảnh, xuất cảnh và cư trú của người nước ngoài ở Việt Nam; Bộ luật Lao động và các văn bản hướng dẫn thi hành Bộ luật Lao động; Luật Đầu tư và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Đầu tư.
Bên cạnh đó, rất cần “tăng cường đào tạo, bồi dưỡng cán bộ am hiểu sâu về luật pháp quốc tế, thương mại, đầu tư quốc tế, có khả năng làm việc trong môi trường quốc tế, trước hết là cán bộ trực tiếp làm công tác hội nhập kinh tế quốc tế, giải quyết tranh chấp quốc tế” theo quy định tại Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII.