Tuyển sinh sư phạm: Chất lượng đào tạo là số 1

GD&TĐ - Mùa tuyển sinh ĐH, CĐ, TC các ngành đào tạo sư phạm trên cả nước có tổng chỉ tiêu ngành đào tạo giáo viên là 35.000, giảm 17.000 so với năm trước.

Tuyển chọn sinh viên sư phạm cần quyết liệt, lấy chất lượng làm đầu
Tuyển chọn sinh viên sư phạm cần quyết liệt, lấy chất lượng làm đầu

Quyết định giảm tổng chỉ tiêu trên được Bộ GD&ĐT đưa ra  sau khi rà soát hiện trạng đội ngũ giáo viên, dựa trên tổng hợp nhu cầu của từng địa phương và năng lực từng trường. Nhiều chuyên gia cho rằng, trong xu thế chung các ngành đào tạo sư phạm đang bị cạnh tranh sức hấp dẫn với những ngành nghề khác thì việc giảm chỉ tiêu đào tạo giáo viên đã thể hiện quyết tâm nâng cao chất lượng đào tạo lực lượng này.

Một quyết định cần thiết

Theo số liệu thống kê được Bộ GD&ĐT công bố, hiện trên cả nước có khoảng 100 cơ sở được phép đào tạo giáo viên các cấp. Theo quy hoạch, tới năm 2020 quy mô đào tạo sư phạm chiếm 10% tổng số sinh viên tuyển mới. Tuy nhiên, từ năm 2013 - 2016, chỉ tiêu tuyển sinh ngành sư phạm luôn cao hơn mục tiêu đề ra, trong khi toàn quốc hiện thừa hơn 12.000 giáo viên THCS, 4.200 giáo viên THPT.

Thiếu nhiều nhất hiện nay là bậc mầm non với hơn 34.000 giáo viên; bậc tiểu học thiếu 5.300 giáo viên. Năm 2018 là năm đầu tiên Bộ GD&ĐT áp dụng “điểm sàn” riêng cho các trường sư phạm. Thừa thiếu cục bộ và chất lượng đào tạo hạn chế được coi là một trong những căn nguyên của việc nhiều giáo viên sau khi tốt nghiệp các trường sư phạm khó tìm được việc làm.

Để khắc phục hạn chế này, việc Bộ GD&ĐT quyết định tiếp tục giảm chỉ tiêu đào tạo sư phạm năm 2018 còn 35.000, ít hơn 17.000 so với năm 2017 cả nước tuyển 52.000 chỉ tiêu, có 4/6 đại học sư phạm trọng điểm quốc gia hạ chỉ tiêu so với năm 2017. Động thái quyết liệt này đã được nhiều chuyên gia tuyển sinh và các nhà quản lý giáo dục ở địa phương và nhà trường đánh giá cao.

Đã có nhiều nhà trường với tinh thần trách nhiệm cao, chủ động xây dựng kế hoạch đào tạo, có chính sách hợp lý để thu hút sinh viên giỏi vào ngành sư phạm, kể cả tính đến đầu ra cho giáo sinh của mình. Như ở Thanh Hóa, Trường Đại học Hồng Đức đã phối hợp với UBND tỉnh mở 4 ngành đào tạo sư phạm chất lượng cao (Toán, Vật lý, Lịch sử và Ngữ văn), mỗi ngành đào tạo 20 sinh viên, thí sinh phải đạt từ 24 điểm trở lên, đảm bảo phân công công tác sau khi tốt nghiệp.

 

Ông Cao Xuân Hùng - Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Nam Định, cho rằng: Việc giảm chỉ tiêu tuyển sinh sư phạm dựa trên số liệu điều tra, rà soát của Bộ là khoa học và cần thiết. Thừa thiếu giáo viên cục bộ, chất lượng đào tạo hạn chế là vấn đề tồn tại của nhiều năm nay.

Chính vì thế, việc giảm chỉ tiêu đào tạo chính là hướng đến nâng cao chất lượng đào tạo. Tôi đánh giá cao việc Bộ đưa ra điểm sàn xét tuyển sinh các ngành đào tạo sư phạm ở bậc ĐH, CĐ và TC năm nay thứ tự là 17 – 15 – 13, mức điểm như vậy là hợp lý, đảm bảo chất lượng nguồn tuyển. Mong rằng tới đây, việc giao chỉ tiêu cho các trường, theo đơn đặt hàng của địa phương được thực hiện triệt để. Cách thức này tôi cho rằng sẽ là câu trả lời thỏa đáng cho vấn đề việc làm của giáo sinh sau tốt nghiệp.

Những tín hiệu đáng mừng

Thống kê của Bộ GD&ĐT cho thấy đến thời điểm này các trường đào tạo sư phạm hiện đang có 125.269 nguyện vọng thí sinh đăng ký xét tuyển vào trường, trong đó 43.928 nguyện vọng 1. Như vậy, với tổng chỉ tiêu vào các trường sư phạm năm nay là 35.599 thí sinh, điểm sàn xét tuyển vào các trường theo thứ tự ở bậc ĐH là 17, CĐ 15 và trung cấp 13.

Nhiều chuyên gia tuyển sinh đưa ra phân tích: Cứ tính cơ học thì rõ ràng tổng chỉ tiêu đang ít hơn số nguyện vọng đăng ký xét tuyển, với đặc thù sư phạm khi thí sinh đăng ký xét tuyển là có yếu tố yêu thích nghề nghiệp nên ít nhiều có tính ổn định so với những ngành nghề khác. Mặt bằng điểm thấp như năm nay, với ngưỡng điểm sàn chất lượng đưa ra, không phải là quá khó cho các trường tuyển sinh sư phạm.

NGND Lưu Xuân Giới - nguyên Trưởng phòng GD&ĐT TX Đông Triều (Quảng Ninh) phân tích thêm: Việc Bộ GD&ĐT quyết tâm không duy trì quy mô tuyển sinh để đánh đổi chất lượng là điều đáng mừng. Điều này buộc các trường phải có trách nhiệm với sản phẩm của mình, chất lượng đào tạo phải được đặt lên hàng đầu, phải đào tạo được đội ngũ những người thầy tốt để đào tạo ra những thế hệ học trò tốt.

Có thể đâu đó còn ý kiến về việc sẽ khó khăn trong nguồn tuyển năm nay, nhưng tôi cho rằng, đây là vấn đề mang yếu tố trách nhiệm với người học, với xã hội, đặc biệt là với trọng trách được giao đào tạo giáo viên của mỗi nhà trường. Trường sư phạm được coi là máy cái để đào tạo giáo viên; những người trực tiếp đứng lớp thì lại càng không thể chạy theo số lượng mà bỏ qua chất lượng.

Nâng cao vai trò của các trường đào tạo sư phạm nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới

Nâng cao vai trò của các trường đào tạo sư phạm nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới

Nhằm tạo điều kiện tốt hơn để các trường thuận lợi trong đào tạo sư phạm, PGS.TS Nguyễn Thị Kim Phụng – Vụ trưởng Vụ GD Đại học - cho biết: Bộ GD&ĐT sẽ rà soát, sắp xếp và quy hoạch các cơ sở đào tạo giáo viên để hình thành 10 trường trung tâm có uy tín, đủ năng lực.

Để sớm khắc phục tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ, Bộ GD&ĐT cũng đề nghị Chính phủ sớm ban hành Nghị định sửa đổi Nghị định số 115/2010/NĐ-CP, trong đó phân cấp, giao Sở GD&ĐT/Phòng GD&ĐT các địa phương chủ trì công tác tuyển dụng, sử dụng đội ngũ giáo viên mầm non và phổ thông. Đặc biệt, Bộ cũng đề nghị sớm phê duyệt phương án tiền lương trong Đề án Cải cách chế độ, chính sách tiền lương. Trong đó, xây dựng hệ thống thang, bảng lương nhà giáo theo các vị trí việc làm, trả lương trên cơ sở mức độ phức tạp và chất lượng, hiệu quả công việc.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa: Vietpink

Truyện ngắn: Mở trái tim yêu

GD&TĐ - Hạnh phúc của người đàn bà chính là có người đàn ông để nương tựa, nhưng Hiền thấy, đàn ông chỉ đem đến sự khổ đau...