Chính sách mới tiếp sức cho trò vùng khó

GD&TĐ - Chính sách mới được kỳ vọng là điểm tựa vững chắc để học sinh vùng khó an tâm đến trường; trường học có thêm kinh phí cải thiện bữa ăn...

Một tiết học ngoại khoá của học sinh Trường Phổ thông DTNT THCS & THPT huyện Lâm Bình (Tuyên Quang). Ảnh: NTCC
Một tiết học ngoại khoá của học sinh Trường Phổ thông DTNT THCS & THPT huyện Lâm Bình (Tuyên Quang). Ảnh: NTCC

Bộ GD&ĐT đang dự thảo Nghị định quy định chính sách cho trẻ nhà trẻ, học sinh, học viên vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi, bãi ngang, ven biển, hải đảo và cơ sở giáo dục có trẻ em nhà trẻ, học sinh hưởng chính sách.

Dự thảo được thông qua là điểm tựa vững chắc để học sinh vùng khó an tâm đến trường; trường học có thêm kinh phí cải thiện bữa ăn, chăm sóc bán trú, nội trú cho học trò...

Mong sớm thực hiện

Theo thầy Phan Trường Giang - Hiệu trưởng Trường Phổ thông DTNT THCS & THPT huyện Lâm Bình (Tuyên Quang), khi chính sách hỗ trợ học sinh vùng khó, DTTS không bị cào bằng mà căn cứ vào điều kiện thực tế để hỗ trợ cho từng đối tượng cần có bộ tiêu chí phân loại rõ ràng lúc xét duyệt chế độ. Ví dụ: Cần phân rõ học sinh nhóm đối tượng yếu thế, dân tộc ít người, rất ít người… được hưởng thế nào, tiêu chí ra sao...

Cô Hoàng Thị Thủy - giáo viên Trường Tiểu học xã Sín Chèng (Lào Cai) phấn khởi chia sẻ: “Đối với học sinh thuộc xã khu vực I vùng đồng bào DTTS và MN còn đang gặp rất nhiều khó khăn được hỗ trợ chi phí học tập rất quý giá. Bởi sau khi đạt chuẩn nông thôn mới và trở thành xã khu vực I thì những chính sách hỗ trợ này sẽ giúp các em học sinh vùng DTTS và MN đỡ vất vả, an tâm đến trường theo đuổi ước mơ học tập”."

Bên cạnh đó, thầy Trường Giang đề xuất quá trình xác minh điều kiện hỗ trợ học sinh phải có cơ chế giám sát với nơi xét duyệt (chính quyền địa phương) để tránh việc thiên vị, không đúng đối tượng.

Đối với trường hợp không phải học sinh nội trú nên xem xét việc hỗ trợ, thay vì trao tiền mặt trực tiếp cho phụ huynh. Hoặc có thể thông qua đơn vị có thẩm quyền để cung cấp đồ dùng học tập, máy tính tránh tình trạng một số gia đình chờ khoản tiền hỗ trợ học tập của học trò để tiêu dùng vào công việc khác.

“Thực tế, một số phụ huynh đã lấy tiền hỗ trợ học tập của con chi tiêu cho gia đình, thậm chí để ăn nhậu, không mua sách vở, tài liệu, dụng cụ học tập. Trong khi đó, chế độ này là hỗ trợ chi phí học tập cho học trò”, thầy Trường Giang cho biết.

Thầy Đinh Văn Từ - Hiệu trưởng Trường Phổ thông DTNT THCS Quỳ Hợp (Quỳ Hợp, Nghệ An) cảm thấy phấn khởi khi đọc dự thảo Nghị định quy định chính sách cho trẻ em nhà trẻ, học sinh, học viên ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, bãi ngang, ven biển và hải đảo và cơ sở giáo dục có trẻ em nhà trẻ, học sinh.

Thầy Từ chia sẻ: “Gắn bó với học trò DTTS, miền núi nhiều năm, tôi rất mong Nghị định này sớm áp dụng để học trò được cải thiện cuộc sống. Hiện nay, giá cả thị trường nhiều mặt hàng tăng lên đã ảnh hưởng không nhỏ đến đông đảo học sinh các trường bán trú, nội trú. Trong khi đó, theo Thông tư liên tịch số 109/2009/TTLT/BTC-BGDĐT, mỗi tháng hỗ trợ học sinh nội trú 80% lương cơ sở, buộc chúng tôi phải “cân, đo, đong, đếm” sao cho các em được ăn đủ chất và no...

Do đó, dự thảo Nghị định quy định thực sự là tín hiệu vui cho học sinh DTTS trên nhiều phương diện, từ vật chất tới tinh thần. Chúng ta cần nhìn vào thực tế để thấy rằng học sinh gia đình khó khăn phụ thuộc vào chế độ này rất lớn. Nếu không có những chính sách hỗ trợ, nhiều em có nguy cơ nghỉ học giữa chừng”.

Học sinh ăn bán trú tại Trường PTDTBT THCS Hồng Phong (Bình Gia, Lạng Sơn). Ảnh NTCC.

Học sinh ăn bán trú tại Trường PTDTBT THCS Hồng Phong (Bình Gia, Lạng Sơn). Ảnh NTCC.

Không cào bằng

Năm học 2023 - 2024, Trường PTDTBT THCS Hồng Phong (Bình Gia, Lạng Sơn) có 231 học sinh các dân tộc Nùng, Tày và Kinh; trong đó 127 em được hưởng chế độ bán trú. Thầy Hiệu trưởng Lê Minh Châu cho rằng, không cào bằng chế độ hỗ trợ đối với trẻ nhà trẻ, học sinh, học viên vùng khó cho thấy sự quan tâm chu đáo của Đảng, Nhà nước cũng như toàn xã hội.

Chính sách mới giúp sinh hoạt hàng ngày của học trò vùng khó “dễ thở hơn”. Các em có thêm động lực để học tập, phát triển bản thân và sớm trưởng thành quay lại xây dựng quê hương.

Bên cạnh đó, từ 1/7/2023, mức lương cơ bản thay đổi, Trường PTDTBT THCS Hồng Phong đã điều chỉnh mức ăn phù hợp chế độ chính sách học sinh bán trú được hưởng; bữa ăn đa dạng hơn về thực phẩm (từ món ăn đơn giản nay đã có thêm nhiều loại nguyên liệu để không chỉ ăn no còn hướng tới ăn ngon)...

Đồng thời, chế độ chính sách về hỗ trợ chi phí học tập học sinh vùng khó đang được hưởng theo quy định đã góp phần hỗ trợ không nhỏ cho các em về sách vở, đồ dùng học tập, quần áo, vật dụng cá nhân.

“Nhờ thế, 100% học sinh tại Trường PTDTBT THCS Hồng Phong có đủ đồ dùng, dụng cụ, sách vở để học tập cũng như quần áo ấm trong mùa Đông năm học 2023 - 2024”, thầy Minh Châu cho biết.

Theo bà Ninh Thu Giang - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Đình Lập (Lạng Sơn), tăng chế độ cho học sinh vùng khó thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với đời sống học sinh, học viên vùng đồng bào DTTS và miền núi, bãi ngang, ven biển và hải đảo… nhằm đáp ứng tình hình phát triển kinh tế, xã hội, nối gần khoảng cách giữa nông thôn và thành thị.

“Dự thảo Nghị định quy định chính sách hỗ trợ học sinh vùng khó sẽ giảm được tình trạng học sinh nghỉ học giữa chừng, các hủ tục lạc hậu như tảo hôn, hôn nhân cận huyết sẽ đẩy lùi khi các em được đi học và thay đổi tư duy, nhận thức”, bà Ninh Thu Giang nhấn mạnh.

Theo dự thảo, mức hỗ trợ trẻ em nhà trẻ bán trú tiền ăn bữa chính, phụ mỗi trẻ 360.000 đồng/tháng và được hưởng không quá 9 tháng/năm học.

Học sinh và học viên bán trú, hỗ trợ tiền ăn tháng là 900.000 đồng, được hưởng không quá 9 tháng/năm học; tiền nhà ở là 360.000 đồng; hỗ trợ mỗi tháng 15 kg gạo và được hưởng không quá 9 tháng/năm học; học sinh, học viên năm cuối cấp THPT không quá 10 tháng/năm học; học sinh bán trú có học tăng cường tiếng Việt trước khi vào học lớp 1 thì được hưởng thêm 1 tháng.

Chính sách đối với học sinh DTNT và học sinh dự bị đại học đạt danh hiệu “Học sinh xuất sắc” được thưởng 800.000 đồng, danh hiệu “Học sinh giỏi” được thưởng 600.000 đồng; mỗi cấp học, được cấp chăn, màn và các đồ dùng cá nhân khác với mức kinh phí là 1.080.000 đồng/học sinh; một năm được cấp 2 bộ quần áo đồng phục và học phẩm với mức kinh phí là 1.080.000 đồng/học sinh; hỗ trợ 15 kg gạo/tháng và được hưởng không quá 9 tháng/năm học. Học sinh năm cuối cấp THPT được hưởng đến tháng thi tốt nghiệp nhưng không quá 10 tháng/năm học. Tiền tàu xe, được cấp hai lần mỗi năm học vào dịp Tết Nguyên đán và nghỉ hè.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ