Chính sách học phí: Chặn lạm phát theo kỳ vọng

GD&TĐ - TS Nguyễn Quốc Việt - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách, Trường ĐH Kinh tế (ĐHQG Hà Nội) trao đổi về chính sách học phí...

Sinh viên Trường ĐH Công nghiệp Dệt may Hà Nội học tập theo nhóm. Ảnh: Website nhà trường
Sinh viên Trường ĐH Công nghiệp Dệt may Hà Nội học tập theo nhóm. Ảnh: Website nhà trường

Các chính sách về học phí được quy định tại Nghị định 97/2023/NĐ-CP (Nghị định 97) sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 81/2021/NĐ-CP của Chính phủ về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân (Nghị định 81) phù hợp trong bối cảnh hiện nay ở cả góc độ vĩ mô và hỗ trợ người lao động, người nghèo.

TS Nguyễn Quốc Việt - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách, Trường ĐH Kinh tế (ĐH Quốc gia Hà Nội) nhìn nhận và có những phân tích xung quanh vấn đề trên.

Đảm bảo an sinh xã hội

- Theo TS, việc Chính phủ ban hành Nghị định 97 đã sát thực tiễn chưa?

- Bản chất của Nghị định 97 không phải là thay đổi lộ trình tăng học phí đã được Chính phủ đặt ra trong Nghị định 81, mà lần nữa khẳng định Chính phủ hỗ trợ giáo dục từ mầm non đến phổ thông. Kể từ sau đại dịch Covid-19 đến nay, cuộc sống của người dân, nhất là gia đình nghèo, người yếu thế còn nhiều khó khăn.

Do vậy, Nghị định 97 yêu cầu giữ nguyên mức học phí ở bậc giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông so với thời điểm trước Covid-19. Cụ thể, giữ ổn định học phí từ năm học 2023 - 2024 của giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông bằng mức học phí năm học 2021 - 2022. Như vậy, tính đến năm học 2023 - 2024, đây là năm thứ 4 không tăng học phí đối với các bậc học này.

TS Nguyễn Quốc Việt. Ảnh: NVCC

TS Nguyễn Quốc Việt. Ảnh: NVCC

Theo tôi, đây là chính sách đúng đắn, phù hợp với bối cảnh hiện nay ở cả góc độ vĩ mô lẫn hỗ trợ người lao động, người nghèo. Nhìn từ góc độ vĩ mô, chúng ta biết rằng, chi cho giáo dục nói chung chiếm tỷ trọng đáng kể trong “rổ hàng hóa” (tính theo chỉ số giá tiêu dùng).

Trong bối cảnh dịch Covid-19 và hậu dịch bệnh, bên cạnh phục hồi tăng trưởng, chúng ta phải đảm bảo ổn định vĩ mô và mục tiêu lạm phát ở chỉ số mà Chính phủ và Quốc hội đã quy định. Đây là mục tiêu quan trọng và nền tảng; do đó làm sao để “kìm giữ” hàng hóa và dịch vụ cơ bản ở mức độ không tác động quá tiêu cực đến chỉ số lạm phát hằng năm, thì chỉ số về giáo dục cũng là một trong những yếu tố quan trọng.

Ở góc độ khác, chúng ta thấy, những năm khủng hoảng do Covid-19 và sau khi đại dịch qua đi, yếu tố khó khăn của nền kinh tế trước hết ảnh hưởng đến người lao động (cả lao động trực tiếp có thu nhập thấp trong khu công nghiệp và lao động phi chính thức hoặc làm việc thời vụ). Thu nhập của nhóm này chủ yếu là lương, thưởng, trả công trực tiếp của doanh nghiệp hoặc từ chủ sử dụng lao động. Tốc độ tăng thu nhập không cao nên nhiều trường hợp, kể cả người lao động chính thức bị mất việc làm.

Riêng năm 2023, có đến 1 triệu người tiếp cận bảo hiểm thất nghiệp. Điều này chứng tỏ lực lượng lao động chính thức gặp khó khăn trong tìm kiếm việc làm, chưa kể nhóm lao động phi chính thức. Nếu tiếp tục tăng học phí với học sinh phổ thông và mầm non thì những khó khăn này gia tăng đáng kể. Ngoài ra, nếu học phí tăng, có thể các chi phí dịch vụ học tập khác cũng “ăn theo”, chúng tôi hay gọi là lạm phát theo kỳ vọng. Những điều đó khiến tổng chi tiêu và tỷ trọng chi tiêu trong lĩnh vực dịch vụ giáo dục tăng lên.

Sang năm 2024, chúng ta thấy, nhiều áp lực tăng giá từ hàng hóa và dịch vụ cơ bản, giá nguyên liệu, điện, nước cũng có xu hướng tăng, cho đến thuê nhà ở, các dịch vụ y tế... Nếu dịch vụ giáo dục, nhất là giáo dục cơ bản phổ thông tăng thì đây vừa là vĩ mô, áp lực lớn cho kiểm soát lạm phát năm 2024. Đồng thời, là áp lực lớn đối với bộ phận không nhỏ người lao động bị giảm việc làm, giảm thu nhập hoặc mất việc, người nghèo, yếu thế trong xã hội.

Vì vậy, một lần nữa tôi khẳng định, Nghị định 97 quy định không tăng học phí đối với cấp mầm non, phổ thông là chính sách đúng đắn nhằm ổn định kinh tế vĩ mô cũng như đảm bảo an sinh xã hội và hỗ trợ người lao động.

Giờ học thực hành của Trường Cao đẳng Điện tử - Điện lạnh Hà Nội. Ảnh: Website của trường

Giờ học thực hành của Trường Cao đẳng Điện tử - Điện lạnh Hà Nội. Ảnh: Website của trường

Không tăng học phí “đột biến”

- Tuy nhiên, Chính phủ vẫn cho phép cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp công lập tăng học phí. Quan điểm của TS về chủ trương này?

- Nghị định 97 cho phép, lùi lộ trình học phí của giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp công lập 1 năm so với quy định tại Nghị định 81. Tức là, học phí năm học 2023 - 2024 tăng so với học phí năm học 2022 - 2023 nhưng mức tăng thấp hơn so với lộ trình quy định tại Nghị định 81 để phù hợp điều kiện thực tiễn và giảm bớt khó khăn cho người học.

Theo quan điểm của tôi, chủ trương này hợp lý trong giai đoạn hiện nay. Chúng ta thấy, khi nguồn ngân sách Nhà nước eo hẹp và phải tiết kiệm các khoản chi; kể cả khoản chi thường xuyên để phục vụ phục hồi tăng trưởng hậu Covid-19 thì phần chi cho giáo dục không đạt tỷ trọng, mục tiêu như Luật Giáo dục đề ra.

Với mức chi tiêu có hạn và trong bối cảnh phải “liệu cơm gắp mắm”, đa phần chi tiêu lớn trong nguồn ngân sách Nhà nước phải dùng để chi cho mầm non, phổ thông; đặc biệt mầm non, giáo dục tiểu học và THCS là những cấp học được ưu tiên ngân sách nhằm thực hiện mục tiêu phổ cập.

Với giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp, trên cơ sở xã hội hóa cần có sự đóng góp đáng kể của khu vực tư nhân thông qua chính sách học phí của người học. Theo tính toán của chúng tôi, mức độ đóng góp của khu vực tư nhân tăng đáng kể trong những năm gần đây đối với lĩnh vực này.

Hiện, giáo dục đại học có trường công, tư và cần đóng góp của người học thông qua học phí. Với một số trường theo cơ chế tự chủ gần như phụ thuộc hoàn toàn vào xã hội hóa, bao gồm cả đóng góp học phí. Sức ép lạm phát hằng năm và tăng thu nhập cho đội ngũ cán bộ, giảng viên, cải thiện cơ sở vật chất khiến các trường đại học phải tăng nguồn thu, trong đó có học phí, nhất là những trường có lộ trình thực hiện tự chủ một phần hoặc hoàn toàn.

Đây là một trong những lý do Chính phủ cho phép các trường tăng học phí năm học 2023 - 2024 so với năm trước nhưng mức tăng thấp hơn so với lộ trình quy định tại Nghị định 81. Tôi cho rằng, quyết định này hài hòa giữa cơ sở đào tạo với người học, nhất là với những gia đình khó khăn. Quy định này cũng nhằm ổn định kinh tế vĩ mô.

- Vậy theo TS, việc điều chỉnh học phí có cần tính đến chỉ số giá tiêu dùng CPI và ngân sách Nhà nước, đảm bảo thực hiện lộ trình tính giá dịch vụ giáo dục, đào tạo?

- Tất nhiên phải tính đến các yếu tố này. Cần hiểu tường minh Nghị định 97 yêu cầu lùi lộ trình học phí của giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp công lập 1 năm so với quy định tại Nghị định 81. Theo đó, học phí năm học này được phép tăng so với năm trước nhưng mức tăng thấp hơn so với lộ trình quy định tại Nghị định 81 để phù hợp với điều kiện thực tiễn và giảm bớt khó khăn cho học sinh, sinh viên. Như vậy, Chính phủ đã có tính toán dựa trên trượt giá của các năm trước và không tạo ra áp lực với mức tăng học phí “đột biến”.

Đặt giả thiết, nếu lấy lộ trình tăng học phí của Nghị định 81 để áp dụng ngay trong năm học 2023 – 2024 thì mức tăng sẽ “nhảy vọt” và “sốc” do cao hơn nhiều so với quy định của Nghị định 97. Vì thế, tôi cho rằng, quy định về học phí trong Nghị định 97 khá hài hòa, phù hợp thực tiễn. Về mặt vĩ mô, Chính phủ đã xử lý khéo léo, giúp ổn định giá cả, không tạo áp lực với người học.

Một lớp học trên địa bàn quận Ba Đình (Hà Nội). Ảnh: Phòng GD&ĐT Ba Đình

Một lớp học trên địa bàn quận Ba Đình (Hà Nội). Ảnh: Phòng GD&ĐT Ba Đình

Tăng nguồn thu từ dịch vụ khác

- Về lâu dài, các cơ sở đào tạo cần tăng nguồn thu từ các dịch vụ khác, không thể phụ thuộc nhiều vào “học phí”?

- Theo tôi, giải pháp đầu tiên và thực tế nhất là, cần thay đổi cơ cấu nguồn thu. Muốn vậy, trước hết các trường phải công khai, minh bạch thu – chi và thực hiện nghiêm túc cơ chế 3 công khai. Nói cách khác, nhà trường phải có trách nhiệm giải trình với người học và xã hội. Ví dụ, khoản nào chi cho nâng cao cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên, hỗ trợ người học.

Nếu học phí là nguồn thu cơ bản nhưng nhà trường không tập trung cho người học, không mang lại giá trị gia tăng cốt lõi cho sinh viên từ kiến thức, kỹ năng, thái độ đến chuẩn đầu ra thì chưa phù hợp. Vì thế, cơ sở giáo dục đại học phải có trách nhiệm giải trình về nguồn thu học phí phục vụ người học thế nào? Hỗ trợ trở lại cho sinh viên ra sao, nhất là trường hợp khó khăn, yếu thế.

Ngoài ra, các trường phải đa dạng hóa và tiến tới tăng tỷ trọng từ nguồn thu ngoài ngân sách nhưng không phải học phí. Tuy nhiên, đây là câu chuyện lớn và tôi tin các trường đều trăn trở, tìm cách tháo gỡ. Từ nguồn thu ngoài học phí, các trường có thể thực hiện chiến lược “nâng hạng”, đầu tư theo chiều sâu hoặc vấn đề không liên quan trực tiếp đến phục vụ người học.

Mặt khác, còn tạo thương hiệu, hình ảnh và nền tảng để phát triển nhà trường trong tương lai. Đây là xu thế tốt, cần phát huy. Tuy nhiên, để làm được thì phụ thuộc vào nhiều yếu tố, từ đội ngũ, năng lực quản lý, thương hiệu, văn hóa làm việc của các trường đại học nói chung và văn hóa liên kết giữa nhà trường với cộng đồng, doanh nghiệp nói riêng.

Ngoài ra, cần “cú hích” từ phía Nhà nước, hướng đến ưu tiên các trường đại học, nhất là trường có chiến lược, mục tiêu nâng thứ hạng. Mặt khác, cần có chương trình khoa học công nghệ trọng điểm, với nhóm nghiên cứu, nhà khoa học đầu ngành, “đầu đàn”. Với nhóm này, Nhà nước nên ưu tiên “đặt hàng”, hỗ trợ kinh phí đầu tư khoa học công nghệ. Cùng đó, cần kết nối với khu vực doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp lớn để thúc đẩy “đặt hàng” đào tạo, chuyển giao khoa học công nghệ và các sản phẩm dịch vụ khác.

- Xin cảm ơn TS!

“Giảm gánh nặng học phí cho người học cần nhiều giải pháp tổng hòa, không chỉ phụ thuộc vào sự năng động của cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp. Cần tạo môi trường, động lực cho các bên liên quan để đa dạng hóa nguồn thu cho cơ sở đào tạo. Qua đó, từng bước giảm áp lực tăng học phí”. TS Nguyễn Quốc Việt

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ