Chính sách giáo dục có hiệu lực từ tháng 3/2023

GD&TĐ - Quy chế tổ chức, hoạt động của trường phổ thông dân tộc bán trú là chính sách giáo dục có hiệu lực từ tháng 3/2023.

Ảnh minh họa/ITN.
Ảnh minh họa/ITN.

Điều kiện để được học trường phổ thông dân tộc bán trú

Thông tư 03/2023/TT-BGDĐT ngày 6/2/2023 ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của trường phổ thông dân tộc bán trú có hiệu lực từ ngày 18/3/2023.

Quy chế này quy định về tổ chức và hoạt động của trường phổ thông dân tộc bán trú (PTDTBT) bao gồm: Tổ chức và quản lý nhà trường; hoạt động giáo dục của trường PTDTBT; nhiệm vụ và quyền của hiệu trưởng, phó hiệu trưởng, giáo viên, nhân viên và học sinh bán trú; quan hệ giữa nhà trường, gia đình và xã hội.

Theo Quy chế, Trường PTDTBT được Nhà nước thành lập cho học sinh dân tộc thiểu số, học sinh thuộc gia đình định cư lâu dài tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn nhằm góp phần thực hiện bình đẳng trong tiếp cận giáo dục và mục tiêu phát triển bền vững lĩnh vực giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Trường PTDTBT thực hiện các nhiệm vụ và quyền hạn theo quy định hiện hành tại Điều lệ trường phổ thông và các nhiệm vụ, quyền hạn sau:

Tổ chức xét duyệt học sinh bán trú theo quy định của Chính phủ. Tổ chức quản lý, giáo dục, nuôi dưỡng và chăm sóc học sinh bán trú. Tổ chức các hoạt động giáo dục theo quy định tại khoản 2 Điều 11 của Quy chế này. Thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên và học sinh theo quy định của Nhà nước. Thực hiện xã hội hóa để phục vụ các hoạt động giáo dục của nhà trường. Phối hợp với gia đình và xã hội trong thực hiện quản lý, giáo dục, nuôi dưỡng và chăm sóc học sinh bán trú.

Trường PTDTBT bảo đảm ổn định tỷ lệ học sinh dân tộc thiểu số và tỷ lệ học sinh bán trú như sau:

Tỷ lệ học sinh là người dân tộc thiểu số: Có ít nhất 50% trong tổng số học sinh của toàn trường là người dân tộc thiểu số.

Tỷ lệ học sinh bán trú: Đối với trường PTDTBT tiểu học, có ít nhất 20% học sinh bán trú. Đối với trường PTDTBT trung học cơ sở: Có ít nhất 45% học sinh bán trú.

Đối với trường PTDTBT tiểu học và trung học cơ sở: Có ít nhất 32,5% học sinh bán trú hoặc có ít nhất 20% học sinh tiểu học bán trú và 45% học sinh trung học cơ sở bán trú.

Điều kiện học sinh được học trường phổ thông dân tộc bán trú: Học sinh trong độ tuổi tiểu học và trung học cơ sở thuộc địa bàn tuyển sinh của nhà trường theo quy định của cấp có thẩm quyền.

Học sinh bán trú: Học sinh thuộc đối tượng hưởng chính sách hỗ trợ được cấp có thẩm quyền xét duyệt theo quy định của Chính phủ, do không thể tự đi đến trường hoặc điểm trường và trở về nhà trong ngày.

Học sinh bán trú thực hiện các nhiệm vụ và quyền quy định tại Điều lệ trường phổ thông, ngoài ra còn có các nhiệm vụ và quyền sau:

Thực hiện nội quy nội trú của nhà trường. Giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc mình, tôn trọng bản sắc văn hóa của các dân tộc khác. Được bố trí ăn, ở, sinh hoạt trong khu nội trú và được hưởng các chế độ, chính sách theo quy định của Nhà nước.

Ảnh minh họa/ITN.

Ảnh minh họa/ITN.

Hoạt động giáo dục của trường phổ thông dân tộc bán trú

Trường PTDTBT thực hiện chương trình giáo dục và kế hoạch giáo dục theo quy định tại Điều lệ trường phổ thông.

Về hoạt động giáo dục, ngoài thực hiện theo quy định tại Điều lệ trường phổ thông, Trường PTDTBT còn thực hiện và các hoạt động giáo dục đặc thù sau:

Giáo dục học sinh về chủ trương, chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước; bản sắc văn hóa và truyền thống tốt đẹp của các dân tộc; kỹ năng sống và bảo vệ môi trường;

Giáo dục lao động vệ sinh trường, lớp, cải thiện điều kiện ăn, ở, học tập của học sinh;

Tổ chức hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao; tham quan, lễ hội, tết dân tộc, giao lưu văn hóa nhằm góp phần bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc;

Tổ chức nấu ăn tập thể cho học sinh bán trú bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm; chăm sóc sức khỏe cho học sinh.

Cũng theo Thông tư 03/2023/TT-BGDĐT, cơ cấu tổ chức của trường PTDTBT thực hiện theo quy định tại Điều lệ trường phổ thông. Ngoài ra, mỗi trường có thêm một Tổ quản lý học sinh bán trú để thực hiện nhiệm vụ quản lý, nuôi dưỡng và chăm sóc học sinh bán trú.

Trường PTDTBT tiểu học, trường PTDTBT trung học cơ sở và trường PTDTBT tiểu học và trung học cơ sở do Chủ tịch UBND cấp huyện quyết định thành lập và UBND cấp huyện quản lý.

Phòng GD&ĐT giúp UBND cấp huyện thực hiện chức năng quản lý nhà nước về giáo dục đối với trường PTDTBT tiểu học, trường PTDTBT trung học cơ sở và trường PTDTBT tiểu học và trung học cơ sở.

Thông tư 03/2023/TT-BGDĐT thay thế Thông tư số 24/2010/TT-BGDĐT ngày 2/8/2010 ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của trường phổ thông dân tộc bán trú và Thông tư số 30/2015/TT-BGDĐT ngày 11/12/2015 sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tổ chức và hoạt động của trường phổ thông dân tộc bán trú ban hành kèm theo Thông tư số 24/2010/TT-BGDĐT.

Xem chi tiết Thông tư 03/2023/TT-BGDĐT TẠI ĐÂY

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tên lửa đạn đạo phi hạt nhân mới “Oreshnik” của Nga

'Mục tiêu nóng' đang chờ Oreshnik?

GD&TĐ -Nga được cho là đã biên soạn một danh sách các địa điểm quân sự quan trọng của Kiev sẽ bị nhắm mục tiêu trong giai đoạn tiếp theo của cuộc xung đột.

Truyện ngắn: Sau lưng ba

Truyện ngắn: Sau lưng ba

GD&TĐ - Ngồi sau lưng ba, tôi vui vẻ hát vu vơ mấy bài hát trên lớp cô giáo dạy. Ba tôi khen tôi hát hay, càng làm tôi hưng phấn rống cổ hát to hơn.