Lo bữa ăn an toàn và đủ chất cho học sinh bán trú

GD&TĐ - Lai Châu có số lượng học sinh bán trú, nội trú hàng ngày lớn. Bởi vậy, công tác VSATTP trong trường học được ngành GD đặc biệt quan tâm.

Trường THCS Ma Li Pho thường xuyên thay đổi khẩu phần ăn cho học sinh.
Trường THCS Ma Li Pho thường xuyên thay đổi khẩu phần ăn cho học sinh.

Nói không với thực phẩm kém chất lượng

Năm học 2022 - 2023, huyện Nậm Nhùn (Lai Châu) có 33 trường với hơn 10 nghìn học sinh, trong đó, có trên 40% học sinh ăn, ở bán trú. Ngay từ đầu năm học, Phòng GD&ĐT huyện đã chỉ đạo các trường học thực hiện tốt công tác đảm bảo VSATTP cho học sinh bán trú.

Theo Nghị định 116, Trường Phổ thông DTBT Tiểu học xã Nậm Chà, huyện Nậm Nhùn có 312 em được nuôi bán trú. Thầy Hiệu trưởng Lê Đình Chuyền cho biết, thực phẩm được nhà trường sử dụng đều tươi sống; hạn chế các loại thực phẩm khô, đóng hộp. Cùng với đó, rau, thịt nhập vào mỗi buổi sáng, được kiểm tra đảm bảo về chất lượng, đủ về số lượng, nhà trường mới ký nhận và chế biến.

“Nếu thực phẩm không đảm bảo chất lượng (ẩm mốc, ôi thiu, kém chất lượng), chúng tôi tuyệt đối không ký nhận. Nhà trường thường xuyên lưu mẫu thức ăn trong 24 tiếng. Trong quá trình sử dụng thực phẩm, phát hiện chất lượng không đảm bảo, nhà trường sẽ có biện pháp xử lý kịp thời, không để tình trạng dùng thực phẩm kém chất lượng chế biến bữa ăn cho học sinh” – thầy Chuyền nói.

Trường Tiểu học thị trấn Nậm Nhùn có 170 học sinh ở bán trú. Xác định nhiệm vụ dạy học phải song song việc chăm sóc, nuôi dưỡng nên công tác đảm bảo VSATTP luôn được nhà trường chú trọng. Trường đã lựa chọn nguồn cung cấp thực phẩm uy tín, có địa chỉ rõ ràng và ký hợp đồng cam kết trách nhiệm với nhà cung cấp. Tên, địa chỉ của đơn vị cung cấp thực phẩm được công khai trên bảng tin của nhà trường để phụ huynh cùng giám sát. Toàn bộ nhân viên nấu ăn trong trường được tập huấn kiến thức về VSATTP và thực hiện khám sức khỏe định kỳ.

Cô Bùi Thị Thu Hằng - Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học thị trấn Nậm Nhùn - cho biết: “Từ đầu năm học, nhà trường thực hiện ký hợp đồng với những nhà cung ứng có năng lực, kinh nghiệm, uy tín. Việc tiếp nhận, chế biến thực phẩm theo quy định tại công văn hướng dẫn của Bộ Y tế, Bộ GD&ĐT cũng như cam kết với phòng GD&ĐT”.

Tại huyện Phong Thổ, ông Nguyễn Vương Hùng, Phó Trưởng phòng GD&ĐT, chia sẻ, phòng thường xuyên có công văn chỉ đạo nhà trường thực hiện tốt các quy trình VSATTP. Đặc biệt, yêu cầu nhà trường phải ký kết hợp đồng với đơn vị cung cấp thực phẩm có đầy đủ hồ sơ năng lực cũng như đảm bảo các điều kiện VSATTP được cấp có thẩm quyền cho phép.

Năm học này, Trường Tiểu học Đoàn Kết, xã Ma Li Pho, huyện Phong Thổ có 21 lớp với 462 học sinh. Trong đó, có 43 em được hưởng chế độ bán trú theo Nghị định 116. Ngoài ra, còn có 153 em được nuôi ăn tại trường theo hình thức bán trú dân nuôi. Các em được hỗ trợ theo Nghị quyết 04 của HĐND tỉnh Lai Châu (30% mức lương cơ bản) cùng với đóng góp của gia đình (10kg gạo/tháng). “Để đảm bảo an toàn cho gần 200 học sinh bán trú, nhân viên nấu ăn của trường cũng phải thực hiện tốt các quy định về VSATTP”, cô Trần Thị Hằng - Hiệu trưởng nhà trường - nhấn mạnh.

Bếp ăn của Trường Tiểu học Đoàn Kết, xã Ma Li Pho, huyện Phong Thổ được bố trí gọn gàng.

Bếp ăn của Trường Tiểu học Đoàn Kết, xã Ma Li Pho, huyện Phong Thổ được bố trí gọn gàng.

Khu chế biến thức ăn cho 274 học sinh của Trường PTDTNT huyện Sìn Hồ được xây dựng theo quy trình vận hành một chiều. Với không gian rộng rãi, thoáng mát, khu chế biến thức ăn chia thành các khu riêng biệt: Khu chế biến thực phẩm tươi sống, nấu ăn, để thức ăn chín và xử lý chất thải. Anh Tòng Văn Phong – nhân viên y tế Trường PTDTNT huyện Sìn Hồ - chia sẻ: “Thiết bị, đồ dùng nhà bếp như tủ đựng thức ăn chín, tủ lưu mẫu thực phẩm được trang bị đầy đủ. Tôi luôn lưu giữ các mẫu thức ăn theo quy định”.

Để trò ăn ngon và hợp khẩu vị

Huyện Phong Thổ (Lai Châu) hiện có 43/48 trường với 12 nghìn học sinh ăn, ở bán trú. Bên cạnh chỉ đạo đơn vị trường nấu ăn đúng theo tiêu chuẩn của học sinh, đảm bảo ATVSTP, Phòng GD&ĐT huyện Phong Thổ yêu cầu nhà trường thường xuyên thay đổi món ăn, khẩu phần để bữa ăn có đủ dinh dưỡng.

Thực hiện chỉ đạo của phòng GD, Trường PTDTBT THCS xã Ma Li Pho thường xuyên thay đổi thực đơn, thực phẩm hàng ngày. Những ngày mùa Đông, trời rét sẽ tăng khẩu phần ăn cho học sinh. Em Tẩn Phúc Thiện, học sinh lớp 7B, tâm sự: “Ở trường, chúng em ăn 3 bữa/ngày và thường xuyên được thay đổi món. Những món ăn ở trường rất ngon và hợp khẩu vị”.

“Với sự quan tâm đúng mức, cách làm hiệu quả trong việc đảm bảo VSATTP, nâng cao chất lượng bữa ăn cho học sinh, thời gian qua Trường PTDT Nội trú huyện Sìn Hồ không xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm nào. Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng dạy và học”, thầy Duy nhấn mạnh.

Tại Trường PTDTNT huyện Sìn Hồ, ngoài chú trọng chất lượng dạy và học, trường luôn quan tâm đến vấn đề ATVSTP để đảm bảo học sinh có sức khỏe tốt, phát triển cả trí lực và thể lực. Vì thế, nhà trường luôn cố gắng đảm bảo an toàn, dinh dưỡng trong từng bữa ăn cho học sinh. Theo thầy Phó Hiệu trưởng Đỗ Tư Duy, nhà trường còn phân công thầy, cô giáo quản lý học sinh chặt chẽ, tránh tình trạng các em trong lúc ra chơi tự ra ngoài mua phải thực phẩm bẩn, không rõ nguồn gốc.

Ông Trần Quang Tráng - Phó Trưởng phòng GD&DT huyện Nậm Nhùn - thông tin: “VSATTP được đảm bảo sẽ là tiền đề quan trọng giúp giáo dục huyện Nậm Nhùn thực hiện tốt mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục. Do vậy, từ đầu năm học, chúng tôi đã yêu cầu các trường dọn dẹp, tu sửa lại khu ăn, ở của học sinh bán trú và thực hiện bếp ăn an toàn. Cùng với đó, xây dựng thực đơn cụ thể hàng ngày đảm bảo dinh dưỡng để trò được chăm lo cả về thể chất và tinh thần khi ở trường. Thực hiện đầy đủ chính sách hỗ trợ ăn, ở bán trú đã tạo điều kiện tốt nhất để các em có cơ hội đến trường và học tập”.

“Mỗi buổi sáng, khi tiếp nhận thực phẩm, tôi luôn kiểm tra cẩn thận. Trước và trong quá trình nấu ăn, luôn đảm bảo theo quy định của nhà trường. Bên cạnh đó, chúng tôi phải vệ sinh nhà ăn trước và sau bữa ăn. Bát đĩa được rửa sạch sẽ, nhà ăn luôn được lau quét thường xuyên. Rác thải, thức ăn thừa được thu gom và xử lý kịp thời” - chị Pờ Thị Thủy - nhân viên nấu ăn Trường Tiểu học Đoàn Kết - cho biết.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

công ty dịch vụ nấu ăn ngon