Chính quyền mập mờ quy hoạch: Đất “sốt” ảo, hệ lụy thật

GD&TĐ - Trước cơn sốt đất trên địa bàn Hà Tĩnh trong thời gian qua, nhiều người nghi ngờ giá đất tăng cao bất thường do tình trạng cò đất làm “đặt bẫy” hoặc dùng chiêu thức đặt cọc để nâng khống giá.

Những lô đất đắt giá tại các vùng nông thôn ở Hà Tĩnh.
Những lô đất đắt giá tại các vùng nông thôn ở Hà Tĩnh.

Theo góc độ của giới chuyên môn bất động sản thì chính quyền một số địa phương chưa minh bạch trong việc công bố quy hoạch và thông tin về các công trình dự án triển khai trên địa bàn…

Chiêu trò “thổi giá” đất

Theo anh T.M.N một chuyên gia bất động sản tại Hà Tĩnh nhận định, giá đất tăng là do các nhà đầu cơ bắt tay nhau để “thổi giá”, nhằm kiếm lợi nhuận. Kèm theo đó là nhiều chiêu trò đang được các “cò đất” sử dụng, nhằm ăn tiền chênh lệch.

Mấy tháng gần đây đất ở nông thôn Hà Tĩnh đang tăng đột biến, bất thường. Các phiên đấu giá đất ở vùng quy hoạch dân cư tại các vùng nông thôn tăng gấp 3, 4 lần giá trị khởi điểm, khiến nhiều lô đất đắt hơn cả đất ở thành phố, dẫu xung quanh không có dự án quy hoạch nào được triển khai.

Theo thông tin mà người dân xã Cẩm Hà, huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) phản ánh thì ngay sau cuộc đấu giá 18 lô đất ngày 17/9 vừa qua, một số chủ lô đất đã “rao bán” với giá chênh lệnh từ 50 - 100 triệu đồng mỗi lô để kiếm lợi nhuận.

Còn tại xã Trung Lộc, huyện Can Lộc, 3 lô đất ở vùng quy hoạch dân cư thôn Bình Minh, cũng vừa được đấu giá thành công. Tổng số tiền cả 3 lô tăng gấp đôi so với giá khởi điểm, từ hơn 1 tỷ đồng lên gần 2,1 tỷ đồng. Đơn cử như lô số 1 diện tích 210m2, giá khởi điểm gần 379 triệu đồng nhưng đã đấu lên gần 775 triệu đồng.

Chính quyền và giới chuyên môn đã chỉ ra nhiều nguyên nhân khiến giá đất ở nông thôn Hà Tĩnh tăng đột biến, như: Do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 khiến dòng tiền đọng trong dân nhiều; lãi gửi tiết kiệm ngân hàng thấp nên người dân rút ra đầu tư vào bất động sản; có lượng lớn tiền đầu tư đổ về từ trong Nam, ngoài Bắc…

Tuy nhiên, đáng lo ngại là giới chuyên môn đã chỉ ra nguyên nhân tạo sóng ảo, bởi các chiêu trò, mánh khóe làm giá đất từ những người đầu cơ, “cò” bất động sản, lướt sóng ngắn ngày…

Theo ông Nguyễn Mạnh Quỳnh, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản tỉnh Hà Tĩnh, giá đất tại các vùng đấu giá tăng cao chủ yếu là do các nhà đầu cơ “thổi giá” để kiếm lời.

Mặc dù chưa xảy ra ở Hà Tĩnh, nhưng nhiều tỉnh, thành khác trên địa bàn cả nước đã xảy ra tình trạng, sau khi đấu giá thành công, do hàng trăm lô đất được đẩy giá lên quá cao nên không thể bán được, nhiều nhà đầu cơ chấp nhận bỏ cọc với số tiền hàng trăm tỷ đồng.

Một chiêu trò, mánh khóe phổ biến của các cò môi giới nhà đất áp dụng nhằm đẩy giá đất lên cao trong thời gian qua đó là đồn thổi về các vùng quy hoạch, về các dự án đang được đầu tư trên địa bàn. Nhưng thực tế, các dự án đó chỉ mới nằm trên giấy, nhiều năm chưa thể thực hiện được.

“Mánh” tiếp theo mà giới đấu cơ, cò đất đang sử dụng là trước đó đã âm thầm lùng mua đất của người dân với giá rẻ. Đợi đến khi khu đất lân cận được đưa ra đấu giá, đã bắt tay nhau “thổi giá”, đấu mua với giá rất cao.

Từ đây khiến cho tâm lý người dân thiếu hiểu biết nghĩ rằng, vùng đất đó sinh lời, đã đổ tiền về mua đất. Giới đầu cơ lúc đó chỉ việc bán ra các lô đất trước đó đã mua với giá cao, chấp nhận bỏ cọc các lô đất đã trúng đấu giá.

Thậm chí, các “cò đất” còn bắt tay chia ra từng nhóm đi “cọc” mua đất. Nhóm sau đến hỏi mua với giá cao hơn nhóm trước. Từ đó đẩy “sóng” đất ảo lên cao. Người dân hám lợi đến sau để mua những lô đất đó sẽ dính bẫy.

“Cò đất” tìm về các vùng quê xem đất.
“Cò đất” tìm về các vùng quê xem đất.

Người dân nên tránh hội chứng đám đông

Theo ông Nguyễn Mạnh Quỳnh, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản Hà Tĩnh, sốt đất nếu không xuất phát từ nhu cầu thực sự thì sẽ xảy ra tình trạng “bong bóng” bất động sản. Điều này chắc chắn sẽ gây ra rất nhiều hệ lụy cho nhà đầu tư, cho nền kinh tế và cho cả đời sống xã hội. Vì vậy, kiểm soát giá đất, ngăn chặn các nguy cơ tiềm ẩn là điều cần phải được đặt ra cho các cơ quan quản lý.

Trung tuần tháng 9 vừa qua, dư luận ở Hà Tĩnh choáng váng, khi thông tin về phiên đấu giá 8 lô đất ở thôn Yên Lạc, xã Thạch Thắng, huyện Thạch Hà được công bố. 8 lô đất được đấu giá thành công, thu về 18,716 tỉ đồng, vượt giá khởi điểm hơn 13,639 tỉ đồng. Các lô đất đều đấu vượt trên 50 bước giá, cá biệt có 3 lô vượt từ 54 - 58 bước giá.

Rõ ràng, bỏ ra hơn 2 tỷ đồng, thậm chí là gần 3 tỷ đồng để sở hữu một lô đất, quả thực đây là điều vượt quá khả năng của người dân trên địa bàn. Điều này đồng nghĩa với việc, nhiều người có nhu cầu đất ở hoặc kinh doanh nhưng giá cao không thể mua được.

Người cần đất ở thì không mua được, người mua được thì không có nhu cầu để ở. Đây là nghịch lý đang diễn ra tại nhiều địa phương. Bởi trên thực tế, thời gian gần đây hầu hết các lô đất đấu giá đều bị các nhà đầu tư ngắn hạn thao túng.

Đối với người dân trên địa bàn, muốn sở hữu những lô đất này, thì phải đấu với giá cao, hoặc là mua lại của những người vừa đấu giá thành công với giá cao hơn giá đấu.

Một điều đáng lo ngại khác, khi giá đất được đẩy lên quá cao, nhiều người dân có tư tưởng hám lợi, nên bị một số “cò đất” liên kết lừa đảo chiếm đoạt tài sản, làm ảnh hưởng an ninh trật tự tại các vùng quê.

Làn sóng sốt đất ảo đã, đang và sẽ ảnh hưởng đến nhu cầu đất ở của người dân, xáo trộn thị trường, môi trường đầu tư; ảnh hưởng lớn các dự án giải phóng mặt bằng, thực hiện chính sách kinh tế xã hội của địa phương, gây ra nhiều hệ lụy khó lường. Đây là điều mà chính quyền các địa phương tại Hà Tĩnh đang hết sức trăn trở.

Một chuyên gia bất động sản tại Hà Tĩnh cũng phân tích, hệ lụy từ cơn sốt đất ảo là nhãn tiền, nhưng phương án để giải quyết tình trạng này mới đang dừng lại ở việc chính quyền địa phương phát đi cảnh báo cho người dân. Chính vì vậy, trong lúc chờ các giải pháp lâu dài và căn cơ hơn, thì trước mắt người dân cần tránh hội chứng đám đông, để rồi tạo điều kiện cho các đối tượng lợi dụng để nâng giá.

Cũng theo lời khuyên của của vị chuyên gia này thì khi giao dịch đất đai, người dân không nên mua giấy cọc sang tay, không nên bị cuốn theo vòng xoáy, tham gia mua bán tại những thị trường quá sốt nóng, sốt ảo, không nên sử dụng các món vay quá sức chi trả, tránh rủi ro khi nhà nước siết chặt tín dụng hoặc các ngân hàng tăng lãi suất cho vay.

Sốt đất nếu không xuất phát từ nhu cầu thực sự thì sẽ xảy ra tình trạng “bong bóng” bất động sản và những hệ lụy là điều có thể nhìn thấy trước. Đơn cử như câu chuyện sốt đất tại Hà Tĩnh vào những năm 2009, 2010.

Thời điểm này, giá đất tăng vùn vụt nhưng đến cuối 2011, bất ngờ giảm mạnh, đẩy nhiều người vào cảnh trắng tay. Trong số đó, nhiều người phải bỏ trốn bởi trước đó đã trót vay nợ ngân hàng hàng chục tỷ đồng, đầu tư cho bất động sản.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.