Mỏ sắt Thạch Khê (Hà Tĩnh): Bờ bao bãi thải tiếp tục sạt lở

GD&TĐ - Sau những trận mưa lớn dài ngày, tuyến bờ bao tại bãi chứa chất thải mỏ sắt Thạch Khê - mỏ sắt lớn nhất Đông Nam Á (huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh) tiếp tục bị sạt lở.

Chính quyền địa phương đã múc đất bên trong bãi chứa thải để gia cố tạm thời bờ bao sau mỗi mùa mưa bão.
Chính quyền địa phương đã múc đất bên trong bãi chứa thải để gia cố tạm thời bờ bao sau mỗi mùa mưa bão.

Sự việc kéo dài đã nhiều năm qua, mỗi mùa mưa bão, người dân sinh sống xung quanh lại sống trong cảnh “thấp thỏm”.

Đến mùa mưa lại sạt

Sau trận mưa lớn kéo dài giữa tháng 10, UBND xã Thạch Hải (huyện Thạch Hà) đã huy động người dân cùng phương tiện máy móc gia cố lại tuyến bờ bao xung quanh khu vực bãi chứa thải của mỏ sắt Thạch Khê. Trận mưa đã làm sạt lở tuyến bờ bao dài gần 5km kéo dài từ khu vực thôn Nam Hải (xã Thạch Hải) giáp ranh với xã Đỉnh Bàn tới moong mỏ sắt.

Theo quan sát của PV, tuyến bờ bao này được xây dựng tạm bợ chủ yếu bằng cát. Phần bờ bao này rộng khoảng 3m ở phần chân, đỉnh rộng khoảng 1m, chiều cao bờ khoảng 5 - 7m. Chính quyền địa phương đã múc đất phía bên trong bãi thải để đắp lên gia cố tạm thời những phần bờ bao bị sụt lún. Tuy nhiên, nhiều đoạn bờ bao, chỉ cần một tác động nhẹ đất cát đã dễ dàng bị sạt xuống. Phần chân bờ bao cũng xuất hiện nhiều vết nứt và hở hàm ếch.

“Trước mỗi mùa mưa bão, địa phương đã huy động máy móc, nhân lực tiến hành gia cố bờ bao. Tuy nhiên, việc gia cố cũng chỉ mang tính chất tạm thời. Đặc biệt, vẫn có điểm không thể gia cố bởi sạt lở lớn, địa hình phức tạp. Hiện, trên tuyến bờ bao có 4 điểm bị sạt lở nặng, kéo dài hàng chục mét”, Bí thư Đảng ủy xã Thạch Hải Nguyễn Hải Lý cho biết.

Được biết, bờ bao bãi thải mỏ sắt Thạch Khê được xây dựng khoảng năm 2010. Trong quá trình bóc đất tầng phủ để khai thác quặng sắt, Công ty CP Sắt Thạch Khê (đơn vị khai thác) đã đổ thải chất đống cao ở bãi thải số 1. Số đất cát này đã theo nước mưa trôi vào khu vực dân cư vùi lấp nhiều diện tích hoa màu, mồ mả của người dân tại các thôn Nam Hải, Thượng Hải, Bắc Hải (xã Thạch Hải).

Sau đó, đơn vị khai thác đã phải đắp bờ bao quanh bãi thải đi qua các xã Thạch Hải, Đình Bàn, Thạch Khê để ngăn đất cát trôi về trong khu dân cư. Nhưng từ sau năm 2011, đơn vị này tạm dừng việc khai thác, việc bờ bao không được gia cố, tu sửa dẫn đến việc xói lở qua mỗi mùa mưa bão. Đặc biệt, 5 năm trở lại đây, sau những trận mưa lớn, bờ bao bị vỡ khiến bùn đất tràn ra ngoài, ảnh hưởng tới đất canh tác và cuộc sống người dân.

Người dân và chính quyền địa phương nhiều lần có kiến nghị lên cơ quan chức năng, nhưng đã hơn 10 năm qua, hễ đến mùa mưa bão tình trạng sạt lở vẫn tái diễn. 

Những vết nứt hở hàm ếch ở phần chân bờ bao.
Những vết nứt hở hàm ếch ở phần chân bờ bao.

Thấp thỏm bên bờ bao tạm bợ

Theo thống kê của UBND xã Thạch Hải, từ năm 2010 tới nay, đã có gần 20 ha đất trồng cây trầu không - loại cây chủ lực của người dân cùng hàng trăm ngôi mộ bị vùi lấp. Bên cạnh đó, người dân sinh sống gần khu bờ bao cũng bức xúc khi thường xuyên gặp cảnh bị nước, bùn đất cuốn vào nhà.

“Khu vực bờ bao có khoảng 30 hộ dân thôn Nam Hải sinh sống, chủ yếu là người già, trẻ nhỏ. Vì vậy, mỗi mùa mưa bão bà con vô cùng lo lắng khi tuyến bờ bao bị sạt lở. Tại các cuộc họp thôn xóm, vấn đề này đã được bà con nhiều lần đề đạt. Chúng tôi cũng rất trông chờ một giải pháp lâu dài để bờ con an tâm hơn”, ông Nguyễn Đức Bình - Trưởng thôn Nam Hải, xã Thạch Hải, chia sẻ.

Ngoài ra, người dân cũng cho rằng, việc bóc đất tầng phủ khai thác mỏ sắt Thạch Khê đã làm nước ngầm bị tụt sâu khiến giếng nước của người dân ở thôn Đại Hải và Liên Hải bị cạn và nhiễm phèn, ảnh hưởng sinh hoạt và sức khỏe.

“Những lo lắng của người dân là hoàn toàn có cơ sở. Chính quyền địa phương đã nhiều lần kiến nghị lên cấp trên để có hướng giải quyết lâu dài và ổn định nhưng đến nay vẫn chưa có giải pháp.

Trước bão số 5 vừa rồi, chúng tôi đã thuê máy đào đắp đất gia cố được một đoạn với kinh phí khoảng 70 - 80 triệu đồng. Đây chỉ là biện pháp tạm thời, về lâu dài, tuyến bờ bao cần được bê tông hóa để ngăn việc sạt lở như những năm qua”, Ông Bùi Đình Lâm, Chủ tịch UBND xã Thạch Hải nói.

Mỏ sắt Thạch Khê được phát hiện vào năm 1960 với trữ lượng thăm dò khoảng 544 triệu tấn. Đây được đánh giá là mỏ sắt lớn nhất Đông Nam Á. Quy mô diện tích khai thác lộ thiên được tính toán lên tới 4.821ha, tổng vốn đầu tư dự án khoảng 14.500 tỷ đồng, thời gian khai thác 52 năm. Việc khai thác ảnh hưởng đến cuộc sống của 5.928 hộ dân, sẽ phải di dời khoảng 4.000 hộ dân.
Từ năm 2008 - 2011, sau khi bóc tách tầng đất phủ, chủ đầu tư đã thu được 3.000 tấn quặng. Đến 11/2011, Chính phủ phải cho tạm dừng dự án để thẩm định lại thiết kế kỹ thuật và tái cơ cấu cổ đông.
Cuối năm 2016 đến nay, UBND tỉnh nhiều lần có báo cáo gửi Trung ương đề xuất tạm dừng dự án với lý do công nghệ, kỹ thuật khai thác chưa phù hợp với đặc thù địa chất mỏ, tiềm ẩn nhiều nguy cơ tác động lớn đến môi trường; phương thức vận chuyển quặng khó khả thi, hiệu quả thấp, ảnh hưởng lớn đến hệ thống hạ tầng giao thông trên địa bàn…

Tin tiêu điểm

Minh họa/INT

Chính thức hóa thực tế

Thế giới
GD&TĐ - Đúng 5 ngày sau khi ông Vladimir Putin tái đắc cử Tổng thống lần thứ 5, Chính phủ Nga chính thức coi đất nước đang ở trong tình trạng chiến tranh.

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Hủ tục nên bỏ

GD&TĐ - Lễ hội đâm trâu của người Ca Dong là một tập tục có từ ngàn xưa của những bộ tộc tựa lưng vào dãy Trường Sơn...