Trong khi cả thế giới chao đảo vì làn sóng thứ ba của đại dịch Covid-19 với những biến thể nguy hiểm, Myanmar bất ngờ gây chấn động khi lực lượng quân đội tổ chức cuộc đột kích vào sáng sớm ngày 1/2, bắt giữ người đứng đầu đất nước cùng các quan chức cao cấp của đảng cầm quyền.
Việc quân đội kiểm soát chính trường là một phần quen thuộc trong lịch sử chính trường Myanmar hiện đại. Tuy nhiên, động thái đảo chính vào thời điểm này vẫn gây chú ý đặc biệt. Giới tướng lĩnh từng có tín hiệu sẽ tổ chức đảo chính từ một tuần trước, sau khi đe dọa sẽ có “hành động mạnh tay” vì cáo buộc có gian lận trong cuộc bầu cử hồi tháng 11/2020.
Trong khi giới quan sát còn đang phỏng đoán hành động của quân đội sẽ là gì thì cuộc đột kích được tiến hành. Trong số những lãnh đạo bị bắt giữ có Tổng thống Win Myint và đặc biệt là Cố vấn nhà nước Aung San Suu Kyi, cùng nhiều nhà lãnh đạo của đảng Liên minh quốc gia vì dân chủ (NLD). Quyền lực cao nhất của đất nước hiện rơi vào tay Tổng tư lệnh quân đội, Thống tướng Min Aung Hlaing.
Đáng chú ý nhất trong số những người bị bắt là bà Suu Kyi, 75 tuổi, nhân vật chính trị nổi tiếng thế giới được biết đến rộng rãi như một tù nhân chính trị mang tính biểu tượng của Myanmar. Bà từng được trao giải Nobel Hòa bình năm 1991 và bị chính quyền quân sự giam lỏng tại nhà trong suốt nhiều thập kỷ.
Tuy nhiên, bà vẫn không ngừng dẫn dắt cuộc đấu tranh chống lại chế độ độc tài quân sự và chính thức trở lại chính trường sau khi cùng đảng NLD giành chiến thắng trong cuộc bầu cử hồi năm 2015, mở ra một giai đoạn mới trong lịch sử Myanmar.
Khi đó, nền dân chủ non trẻ của nước này đã được hình thành nhưng lực lượng quân đội vẫn có ảnh hưởng đặc biệt với vai trò mà họ nhấn mạnh là đảm bảo sự thống nhất quốc gia và bảo vệ hiến pháp.
Mọi việc bắt đầu khi quân đội Myanmar công khai cáo buộc có gian lận trong cuộc bầu cử quốc hội tháng 11/2020, ngay sau khi NLD giành chiến thắng áp đảo. Tiếp theo đảng Đoàn kết và Phát triển Liên bang Myanmar (USDP) do quân đội thành lập cũng có động thái chỉ trích tương tự.
Vụ chính biến xảy ra ngay trước khi quốc hội mới khai mạc, trong đó đảng NLD giành được tới hơn 60% số ghế sau cuộc tổng tuyển cử thứ hai ở Myanmar sau gần 50 năm nằm dưới chính quyền quân đội.
Trung Quốc và các nước trong khu vực đã lên tiếng kêu gọi khôi phục tình trạng ổn định ở Myanmar và giải quyết các bất đồng bầu cử một cách hòa bình. Trong khi Mỹ lên tiếng mạnh mẽ nhất với cảnh báo sẽ trừng phạt những người liên quan đến đảo chính và yêu cầu trả tự do ngay lập tức cho các chính trị gia dân sự bị bắt giữ.
Dù đã có những dấu hiệu từ trước, cuộc đảo chính vào thời điểm này vẫn được coi là một bất ngờ đối với cộng đồng quốc tế. Người dân Myanmar lập tức đổ xô đi rút tiền ngân hàng và vét sạch các cửa hàng tạp hóa để dự trữ đồ. Các kênh truyền hình, mạng di động và đường truyền Internet tại đây đã bị tạm dừng hoạt động.
Chính quyền mới do quân đội Myanmar kiểm soát đã ban bố tình trạng khẩn cấp kéo dài một năm, đẩy nước này vào một cuộc khủng hoảng mới và các ký ức về giai đoạn hỗn loạn trước đây đang dần tái hiện.