Theo lệnh do Tổng Tư lệnh Min Aung Hlaing ký được trang web tin tức Myanwady của quân đội công bố, người đứng đầu các bộ Ngoại giao, Quốc phòng, Kế hoạch, Liên minh, Tài chính, Công nghiệp, Đầu tư và Ngoại thương, An ninh biên giới, Y tế, GD và Giao thông vận tải đã được bổ nhiệm mới.
Phó TT Myanmar Myint Swe được quân đội bổ nhiệm làm quyền Tổng thống. Hôm qua ông cho biết ông coi việc quân đội tiếp quản quyền lực là hợp pháp và hoàn toàn ủng hộ. Trong một tuyên bố, ông khẳng định với cáo buộc gian lận cử tri trong cuộc bầu cử ngày 8/11 và "một nỗ lực nhằm chiếm đoạt chủ quyền nhà nước bằng cách bất hợp pháp", với tư cách là phó Tổng thống, ông phải ban bố tình trạng khẩn cấp và giao mọi quyền cho Tổng Tư lệnh, Thượng tướng Min Aung Hlaing theo hiến pháp.
Trước đó trong ngày, các phương tiện truyền thông đưa tin cả cố vấn nhà nước Su Kyi và Tổng thống đều bị bắt giữ trong một cuộc đột kích vào sáng sớm.
Quân đội Myanmar cáo buộc chính phủ tiến hành cuộc bầu cử gian lận và tuần trước tuyên bố sẽ "hành động".
Cao ủy Nhân quyền Michelle Bachelet của Liên hợp quốc kêu gọi quân đội Myanmar thả tự do ngay lập tức cho 45 người bị giam giữ.
Điện Kremlin của Nga cho biết đang theo dõi sát sao tình hình và nói rằng còn quá sớm để đưa ra bất kỳ kết luận nào - phát ngôn viên Dmitry Peskov của Điện Kremlin cho hay.
Trong khi đó TT Mỹ Joe Biden hôm qua cho biết Mỹ có thể áp dụng lại các biện pháp trừng phạt đối với Myanmar liên quan đến cáo buộc đảo chính gần đây.
"Mỹ đã gỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với Myanmar trong thập kỷ qua dựa trên tiến bộ đối với dân chủ. Việc đảo ngược tiến độ đó sẽ đòi hỏi phải xem xét ngay lập tức các luật và thẩm quyền về lệnh trừng phạt của chúng tôi, sau đó sẽ có hành động phù hợp" - ông Biden nói trong một tuyên bố và cho biết sẽ làm việc với các đối tác trên thế giới để quy trách nhiệm cho các cá nhân về việc đảo lộn quá trình chuyển đổi dân chủ của Myanmar.