Chim đẻ trứng sớm do biến đổi khí hậu

GD&TĐ - Nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí khoa học Journal of Animal Ecology cho thấy, nhiều loài chim đang làm tổ và đẻ trứng sớm hơn gần một tháng so với cách đây 100 năm.

Chim làm tổ vào mùa xuân khi có nguồn thức ăn dồi dào.
Chim làm tổ vào mùa xuân khi có nguồn thức ăn dồi dào.

Nghiên cứu này cũng bổ sung thêm bằng chứng cho thấy, thói quen của động vật hoang dã đã bị đảo lộn do sự nóng lên toàn cầu.

Quy luật tự nhiên đang thay đổi

Ông John Bates, người phụ trách các loài chim tại Bảo tàng Field, tác giả chính của nghiên cứu, cho biết: “Bộ sưu tập trứng chim hóa thạch là công cụ hữu ích để chúng tôi tìm hiểu về hệ sinh thái của các loài chim theo thời gian.

Chúng tôi đã kết hợp các dữ liệu mới nhất và cách đây khoảng 120 năm để tìm ra đáp án cho bài toán về việc biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến các loài chim như thế nào”.

Cụ thể, nghiên cứu dựa trên hồ sơ về trứng của các loài chim được thu thập trong khoảng thời gian từ năm 1880 đến năm 1920, khi việc sưu tầm tổ chim khá phổ biến. Những dữ liệu trên bao gồm mô tả loài chim, thời điểm thu thập trứng được so sánh với dữ liệu làm tổ hiện tại.

Để không làm ảnh hưởng đến các loài chim, nhóm của Bates đã sử dụng một chiếc cọc dài gắn gương để quan sát những tổ chim ở trên cao. Sau đó, thu thập thông tin về loài, tình trạng trứng để đối chiếu.

Nhờ so sánh những quan sát gần đây và những quả trứng hóa thạch, các nhà khoa học phát hiện trong 72 mẫu vật thì có 1/3 loài chim làm tổ ở bang Chicago, Mỹ, đã đẻ trứng sớm hơn khoảng 25 ngày, trái với quy luật tự nhiên của chúng cách đây một thế kỷ. Và thủ phạm của sự thay đổi này là biến đổi khí hậu.

Nghiên cứu cho thấy, những loài chim bao gồm chim giẻ cùi lam, chim chích vàng, chim sẻ đồng, chim diều hâu Cooper đang bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu. Các loài chim đẻ trứng sớm có sự liên hệ chặt chẽ với mức độ tăng carbon dioxide trong khí quyển, nguyên nhân hàng đầu gây ra tình trạng nóng lên toàn cầu.

Chim chọn thời điểm làm tổ vào mùa xuân vì nhiều sự tương quan với vạn vật xung quanh. Đơn cử, mùa xuân cây cối đâm chồi nảy lộc, số lượng côn trùng cũng tăng. Điều này khiến nguồn thức ăn của chim trong thời gian sinh sản và nuôi con dồi dào hơn.

Những quy luật này đang thay đổi, dù sự thay đổi dường như rất nhỏ. Đầu tiên, nhiệt độ chỉ tăng một vài độ nhưng chính sự tăng lên này khiến thực vật đua nhau nở hoa còn côn trùng thì xuất hiện sớm.

Chim đẻ trứng sớm vì mùa xuân đến sớm hơn.
Chim đẻ trứng sớm vì mùa xuân đến sớm hơn.

Ảnh hưởng của nóng lên toàn cầu

Tại Mỹ, gấu ngủ đông đã “tỉnh giấc” sớm hơn bình thường. Các cây ăn quả như anh đào, đào, lê, táo, mận… ra hoa sớm hơn nhiều tuần so với trước đây. Ở Anh, cây ra hoa sớm hơn một tháng trong khoảng thời gian từ năm 1987 - 2019 so với trước năm 1986.

Do vạn vật đang “thức giấc” sớm hơn vào mùa xuân, chim cũng phải đẻ trứng sớm để đáp ứng nhu cầu về tổ và nguồn thức ăn.

Theo Bates, phần lớn các loài chim được nghiên cứu đều ăn côn trùng, do đó nếu côn trùng bị ảnh hưởng bởi khí hậu, chim phải dời ngày đẻ trứng để thích nghi. Tuy nhiên, điều này cũng gây ra nhiều nguy hiểm cho các loài chim.

Ngoài lý do về nguồn thức ăn, các nhà khoa học chưa tìm thấy mối tương quan giữa việc chim đẻ sớm và kích thước, tình trạng di cư. Những đặc điểm này có thể giải thích lý do cho lịch trình thay đổi của chúng.

Bates lý giải những đợt rét hại vẫn có thể xuất hiện trong thời điểm này nên nếu chim làm tổ sớm sẽ phải hứng chịu thời tiết khắc nghiệt, cực đoan. Điều này còn ảnh hưởng trực tiếp đến thực vật và côn trùng, nguồn thức ăn của chim. Về lâu dài, sự suy giảm số lượng các loài chim là khó tránh khỏi.

Thực tế này đã được chứng minh trong thời gian gần đây. Biến đổi khí hậu gây xáo trộn các mùa đang dẫn đến sự suy giảm của nhiều quần thể chim. Bên cạnh đó là mất môi trường sống tự nhiên, sử dụng thuốc trừ sâu bừa bãi cũng là nguyên nhân ảnh hưởng đến số lượng loài.

Nghiên cứu năm 2020 cũng chỉ ra gần 3 tỷ con chim đã biến mất khỏi Mỹ và Canada kể từ năm 1970, chiếm gần 1/3 số lượng chim ở khu vực này. Sự sụt giảm nặng nề nhất ở loài chim sẻ, chim đen và chim chích.

Vào tháng 3/2022, các nhà khoa học Australia cảnh báo quần thể vẹt đuôi dài đang giảm mạnh sau các trận cháy rừng giai đoạn 2019 - 2020. Sự suy giảm sẽ tiếp tục diễn ra do khủng hoảng khí hậu khiến các đợt nắng nóng gia tăng.

Ông Bates khẳng định: Tác động của biến đổi khí hậu và sự gián đoạn theo mùa đối với chu kỳ sống của động vật và thực vật là một vấn đề ngày càng trở nên nghiêm trọng và trung tâm trong tâm trí con người.

Không chỉ gây ảnh hưởng đến số lượng loài, biến đổi khí hậu đang biến đổi hình dạng của các loài chim. Các nhà nghiên cứu đã quan sát hơn 15.000 con chim không di cư trong 77 loài sống tại rừng nhiệt đới Amazon trong 40 năm qua.

Họ nhận thấy hầu như trọng lượng của các loài chim đã nhẹ đi từ những năm 1980. Ước tính mỗi thập kỷ, các loài chim mất trung bình 2% trọng lượng cơ thể.

Đáng chú ý, những loài chim sống ở tầng cao trong tán rừng, nơi tiếp xúc nhiều nhất với nhiệt độ cao, vừa thay đổi trọng lượng cơ thể lẫn kích thước cánh. Trọng lượng cơ thể giảm, chiều dài cánh tăng đồng nghĩa chim sử dụng năng lượng hiệu quả hơn.

Nhờ đó, cơ thể chim có thể điều chuyển hướng bay hiệu quả hơn, sản sinh nhiệt trao đổi chất thấp hơn phù hợp với điều kiện thời tiết nóng lên, gây mất năng lượng nhanh hơn.

Theo The Guardian

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ