“Chiêu” phân tích đề Tập làm văn

GD&TĐ - Khi đứng trước một đề bài tập làm văn, học sinh thường có thói quen là đọc xong đề, suy nghĩ một chút và bắt tay vào viết.

“Chiêu” phân tích đề Tập làm văn

Do đó, bài văn là tổng hợp các dạng lỗi: Luận điểm không rõ ràng, thiếu cân đối giữa các phần, xa đề thậm chí lạc đề. Hậu quả là do học sinh không biết phân tích đề bài.

Theo thầy Phan Huy Nghiêm - Giáo viên Trường THPT chuyên Hoàng Lê Kha (Tây Ninh) - phân tích đề bài là công việc đòi hỏi năng lực tư duy cao độ, bởi đây là việc đi vào khám phá một đối tượng cụ thể.

Khám phá một hiện tượng văn học, một tác phẩm hay một đề bài cũng giống như khám phá bao hiện tượng tự nhiên và xã hội, cũng có đối tượng nghiên cứu, phương pháp nghiên cứu, tức là một hoạt động khoa học thực sự.

Lưu ý khi định hướng đề bài

Thầy Phan Huy Nghiêm cho rằng: Rèn luyện tư duy khoa học qua việc phân tích đề bài trước hết là khả năng định hướng. Có định hướng đúng sẽ khai thác đúng và bài viết sẽ đáp ứng được yêu cầu của đề bài.

Định hướng khi làm bài thường quy về việc xác định các mặt sau: Vấn đề trọng tâm, thao tác lập luận chính và phạm vi nghị luận song thực tế thì không đơn giản như vậy.

Vấn đề trọng tâm của đề bài thường ở hai dạng trực tiếp và gián tiếp. Dạng trực tiếp thì không có gì đáng bàn vì lộ rõ trong đề bài. Cái khó đối với học sinh là dạng đề gián tiếp. Vấn đề trọng tâm thường ẩn trong các từ ngữ, hình ảnh, cách diễn đạt… Và đây là lúc đòi hỏi năng lực tư duy của học sinh.

"Có một thực tế là trong thời gian dài chúng ta đã duy trì tình trạng bao cấp về tư tưởng. Lối nghĩ , tư duy đã được chúng ta đã “bao cấp”. Học sinh luôn theo lối mòn, không có khả năng phán xét, phản biện những vấn đề của văn học cũng như đời sống. Theo chúng tôi, đây là vấn đề quan trọng của nền giáo dục tương lai. Đổi mới căn bản toàn diện giáo dục có lẽ cũng bắt đầu từ đây" - thầy Phan Huy Nghiêm.
 Thầy Phan Huy Nghiêm lấy ví dụ với đề bài: Nói về sáng tác của Nguyễn Trãi, nhà thơ Tố Hữu viết: "Nghe hồn Nguyễn Trãi phiêu diêu/ Tiếng gươm khua, tiếng thơ kêu xé lòng". Hãy giải thích ý thơ trên. Bằng cuộc đời và sáng tác của Nguyễn Trãi để làm sáng tỏ.

Nhiều học sinh khi đọc đề bài này xác định trọng tâm chỉ ở “tiếng thơ kêu xé lòng” tức là nội dung thơ Nguyễn Trãi và cho rằng “Tiếng gươm khua” là nói tới quãng đời Nguyễn Trãi khi tham gia khởi nghĩa Lam Sơn.

Có học sinh giàu trí tưởng tượng nói Nguyễn Trãi “khua gươm” ở nhiều trận đánh. Thật là tai hại.

“Tiếng gươm khua” chỉ là một hình ảnh, một cách diễn đạt. “Tiếng gươm khua” là gắn với cuộc đời Nguyễn Trãi, tham gia cuộc khởi nghĩa không phải là cầm gươm ra trận mà đóng vai trò vị quân sư số một của Lê Lợi và dùng văn chương như một thứ vũ khí để đuổi giặc thù - thứ văn chương có sức mạnh của “mười vạn hùng binh”.

Như vậy vấn đề trọng tâm của đề bài được xác định là: Văn chương giàu tính chiến đấu “tiếng gươm khua” và thơ giàu chất trữ tình “tiếng thơ kêu xé lòng”- thơ hướng nội thẫm đẫm bi kịch của Nguyễn Trãi.

Hay đề bài: “Văn chương có loại đáng thờ và không đáng thờ. Loại không đáng thờ là loại chỉ chuyên chú ở văn chương. Loại đáng thờ là loại chuyên chú vào con người” (Nguyễn Văn Siêu). Bình luận ý kiến trên.

Với đề bài này tư duy học sinh cần hướng vào những từ ngữ quan trọng “loại” và “đáng thờ”. Nói loại tức là phân loại tác phẩm văn chương. Người ta phân loại trên tiêu chí khác, Nguyễn Văn Siêu phân loại trên tiêu chí “đáng thờ” hay “không đáng thờ”. Nói “đáng thờ” hay “không đáng thờ” là thể hiện sự đánh giá, thái độ của tác giả - đây mới là trọng tâm của đề bài.

Hay đề bài: Trong bài thơ “Lời thơ vào tập gửi hương” (1939), nhà thơ Xuân Diệu viết: “ Tôi là con chim đến từ núi lạ / Ngứa cổ hát chơi,... Rồi một ngày sa rụng giữa bình minh…”. Anh/ chị hãy tìm những điều tâm đắc với nhà thơ Xuân Diệu về con người nghệ sĩ và sáng tác của họ qua đoạn thơ trên.

Con người nghệ sĩ như “Con chim đến từ núi lạ”, họ mang đến cho người đọc tiếng nói riêng, lạ lẫm. Cũng như loài chim kia “ngứa cổ hát chơi”, nghệ sĩ sinh ra để hát, để ca ngợi - yêu thương (Kêu tự nhiên, nào biết bởi sao ca). Đó là lẽ tự nhiên - thiên chức của họ.

Tiếng hát của loài chim như sáng tác của nghệ sĩ. Chim hát đến “vỡ cổ”, đến “héo tim xanh” đến “dây máu đỏ”. Nghệ sĩ cũng viết bằng tất cả tâm huyết bằng máu , nước mắt của mình. Như con tằm rút ruột nhả tơ.

Thầy Phan Huy Nghiêm cho rằng, cần chỉ ra cho học sinh nhận biết sự tinh tế của ý thơ “ Héo tim xanh cho quá độ tài tình”. Ý thơ nói đến mối quan hệ giữa chữ "Tâm" (Tim xanh) và chữ "Tài". Cái tâm là gốc để làm cho tài năng tỏa sáng, tạo nên sự sâu sắc về tư tưởng và vẻ đẹp lung linh của hình thức nghệ thuật “cho quá độ tài tình”.

Sáng tác của nghệ sĩ là để “ca ánh sáng”, “bình minh”, hướng tới những gì tốt đẹp nhất. Nhưng cái giá phải trả là “bao lần dây máu đỏ”, “rồi một ngày sa rụng giữa bình minh”. Nhưng sự “sa rụng” lại giữa “bình minh”. Cái chết lại là sự bắt đầu, mở ra một “bình minh”.

Xác định các thao tác lập luận

Phân tích đề, theo thầy Nghiêm, còn là việc xác định các thao tác lập luận. Ở những dạng đề bài thông thường đều đưa ra yêu cầu cụ thể về thao tác lập luận. Nhưng ở những đề bài khác đòi hỏi học sinh phải tự xác định lấy thao tác lập luận.

Ví dụ “Sức sống của con người Việt Nam qua văn học”. Kinh nghiệm cho thấy rằng đề bài càng ngắn thì nội dung nghị luận càng rộng, thao tác lập luận cũng vì thế mà càng đa dạng.

Với đề bài này trước hết học sinh phải trả lời câu hỏi: Sức sống con người Việt Nam thể hiện như thế nào? Tức là thao tác lập luận chứng minh.

Nhưng đề bài không chỉ dừng lại ở đấy mà còn đòi hỏi trả lời câu hỏi: Tại sao người Việt Nam lại có sức sống mãnh liệt? Như vậy là lập luận giải thích. Trong lịch sử và trong hiện tại kẻ thù vẫn cho rằng nước ta chỉ là một nước nhược tiểu cần được khai hóa, bảo hộ. Vì thế đề bài còn yêu cầu thao tác lập luận bác bỏ, bình luận.

"Văn nghị luận lấy việc thuyết phục người đọc về một vấn đề bằng lý lẽ, dẫn chứng, bằng lập luận của mình. Văn nghị luận vì thế hướng tới phát triển trí lực, tư duy logic ở học sinh.

Giáo viên cần ý thức rõ điều này trong mọi thao tác nhất là việc ra đề. Đề bài cần phải đa dạng, gần với thực tế đời sống, tránh những đề khuôn mẫu không khơi dậy trí sáng tạo, sự tìm tòi, nguồn cảm hứng cho học sinh. Giáo viên có thể ra những đề bài để học sinh có dịp đóng vai trò của người phản biện" - thầy Phan Huy Nghiêm nêu quan điểm.

Ví dụ, với đề bài: Trong lần chuyện trò với vãi Giác Duyên, sư Tam Hợp Đạo Cô đã phán rằng: "Thúy kiều sắc sảo khôn ngoan? Vô duyên là phận hồng nhan đã đành/ /Lại mang lấy một chữ tình//Khư khư mình buộc lấy mình vào trong/ Vậy nên những chốn thong dong//Ở không yên ổn ngồi không vững vàng. (Nguyễn Du – Truyện Kiều). Anh/ chị có đồng tình với quan điểm của sư Tam Hợp Đạo Cô không? Và trình bày cho nhà sư rõ quan điểm của mình.

Ở đề bài trên rõ ràng đòi hỏi người viết phải có sự đối thoại tranh luận. Đoạn thơ thể hiện quan điểm của Tam Hợp Đạo Cô về nguyên nhân bi kịch cuộc đời Kiều. Tam Hợp Đạo Cô thực chất chỉ là cái loa phát ngôn cho quan điểm của tác giả. Đó là cách lý giải của nhà sư và cũng là của Nguyễn Du.

Hiện thực 15 năm lưu lạc của nàng Kiều đã bác bỏ điều đó. Khi lý giải nguyên nhân bi kịch cuộc đời Kiều Nguyễn Du đã tự mâu thuẫn giữa triết lý “tài mệnh tương đố” với ngòi bút miêu tả, cảm hứng của tác giả.

Hay đề bài: Cao Bá Quát- kẻ nghịch thần, hay nhà nho yêu nước? Với đề bài này, học sinh rất rộng đường cho việc bộc lộ quan điểm của mình, đồng thời đòi hỏi phải sử dụng kiến thức ở nhiều lĩnh vực, phát huy được trí lực học sinh, bản lĩnh của các em cũng có dịp thể hiện.

Còn đề bài: Nước Việt Nam lớn hay nhỏ? Cũng tạo hứng thú cho học sinh. Các em có thể nhìn nhận vấn đề ở nhiều phương diện: địa lý, lịch sử , văn hóa…trong đó trách nhiệm công dân, lòng tự hào dân tộc là điểm tựa để học sinh giải quyết vấn đề.

Đề bài: Hiện nay luật pháp của một số nước vẫn duy trì bản án tử hình. Quan điểm của Anh/ chị về vấn đề này.

Nói về quan điểm, rõ ràng người viết phải đứng trên quan điểm nhân văn- tất cả vì con người. Ở phương diện chủ quan trong con người luôn ẩn chứa những mặt đối lập, trái ngược: cái tốt và cái xấu, ánh sáng và bóng tối, thiên thần và quỷ dữ…

Dù con người có xấu xa đến đâu nhưng không phải là không thể cứu vãn. Bản án tử hình là biểu hiện sự bất lực trước khả năng cải tạo con người.Trong khi đó chủ nghĩa nhân văn luôn có niềm tin mãnh liệt vào bản chất tốt đẹp khả năng hướng thiện của con người.

Còn ở phương diện khách quan, con người là sản phẩm của hoàn cảnh. Cần phải thay đổi hoàn cảnh để con người sống tốt hơn, nhân đạo hơn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Xây dựng Bộ chỉ số văn hóa quốc gia

Xây dựng Bộ chỉ số văn hóa quốc gia

GD&TĐ -Ngày 18/11, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia đã tổ chức Hội thảo tham vấn “Đề án xây dựng Bộ chỉ số văn hóa quốc gia vì sự phát triển bền vững”.