Chiêu cướp ngân hàng của tên trộm núp bóng kiến trúc sư

GD&TĐ - Dưới vỏ bọc kiến trúc sư giàu có, George Leslie (1842 - 1878) cùng băng đảng đã tiến hành 80% vụ cướp ngân hàng tại Mỹ trong suốt 9 năm.

Hiện trường một vụ cướp ngân hàng do băng đảng của George đứng đằng sau.
Hiện trường một vụ cướp ngân hàng do băng đảng của George đứng đằng sau.

Tiếp cận giới thượng lưu

Bức phác họa chân dung George Leslie.
Bức phác họa chân dung George Leslie.

George Leonidas Leslie chuyển đến thành phố New York vào năm 1869, cùng năm cầu Brooklyn được xây dựng. Bước ra khỏi cuộc nội chiến kết thúc 4 năm trước đó, thành phố vẫn đang nỗ lực thu hẹp khoảng cách giàu nghèo cùng những bất ổn trong xã hội.

Nhờ tài năng kiến trúc cùng lối nói chuyện thú vị, George thành công tiếp cận những khách hàng giàu có nhất nhì thành phố từ chủ ngân hàng tư nhân đến chuyên gia tài chính. Ông ta nhanh chóng bước vào tầng lớp thượng lưu New York.

Tuy nhiên, mục đích của George khi đến New York không phải để cống hiến tài năng và sức lực cho lĩnh vực kiến trúc thành phố. Ông ta muốn sử dụng tài năng để đọc bản vẽ ngân hàng và tìm cách đột nhập, trộm tiền.

Để đạt được mục đích, George tích cực tham gia các buổi họp mặt của giới thượng lưu và tìm cách bắt chuyện với doanh nhân giàu có hoặc chủ ngân hàng. Với vẻ bề ngoài lịch lãm, duyên dáng, ông ta thường ngỏ lời xem giúp các doanh nhân bản thiết kế ngân hàng của họ và cho ý kiến xây dựng.

“Nếu ngài đang loay hoay với việc thiết kế ngân hàng, hãy để tôi nhìn sơ qua và tôi sẽ giúp”, George thường nói. Lời đề nghị của ông luôn được chào đón. Không ai nghi ngờ vì ông ta giàu có, ăn mặc đẹp, có học thức và là một kiến trúc sư tài ba của thành phố.

Nếu không thành công, George chỉ cần đến ngân hàng mình đang nhắm tới, nói với quản lý rằng muốn gửi khoản tiền mặt lớn. Tuy nhiên, ông ta trước hết muốn xem thiết kế của kho lưu trữ để đảm bảo số tiền gửi ở đây được an toàn nhất có thể. Hầu hết các trường hợp, bản thiết kể của tòa nhà được giao trực tiếp cho George ngay lập tức.

George được trời phú cho khả năng đọc bản vẽ kiến trúc tài tính. Ông ta có thể phát hiện những chi tiết kiến trúc dễ bị bỏ sót như điểm mù, lỗ hổng trong kiến trúc tòa nhà. Chỉ qua một lần quan sát bản vẽ, George có thể ghi nhớ và phác thảo lại nội thất tòa nhà, kích thước của két sắt.

Song song bồi đắp vị thế trong giới thượng lưu, George cũng xây dựng mối quan hệ với tầng lớp thấp kém trong xã hội như thợ bẻ khóa, ma cô chợ đen... Ông ta thuyết phục những tên trộm sành sỏi nhất gia nhập băng đảng cướp ngân hàng của mình.

Một trong những “vũ khí bí mật” của George là tên trộm khét tiếng Fredericka Mandelbaum, sinh ra tại Phổ và được biết đến rộng rãi với biệt danh Marm, nữ hoàng của thế giới ngầm New York.

Cô ta là chủ hang ổ tội phạm được so sánh như “mê cung ở Lower East Side” của Manhattan với nhiều lối vào, bảo vệ có vũ trang được ngụy trang bằng quán rượu trên phố thượng lưu. Tất cả lối ra mê cung này dẫn đến một bãi hàng hóa, nơi băng đảng của Marm thực hiện các giao dịch bất chính.

Marm đồng thời sở hữu một cụm nhà kho nằm bên kia sông ở Brooklyn để cất giấu và tiêu thụ những món hàng bị đánh cắp. George được phép tự do sử dụng nhà kho này như sân tập cho băng đảng của mình trước những phi vụ cướp ngân hàng.

Huấn luyện “siêu trộm”

Bản phác thảo băng đảng của George họp bàn luận trước khi tiến hành phi vụ mới.
Bản phác thảo băng đảng của George họp bàn luận trước khi tiến hành phi vụ mới.

Tại đây, tài năng kiến trúc của George mới được phát huy toàn vẹn. Từ bản vẽ đã xin được, ông ta tái dựng bản sao không gian kiến trúc của các ngân hàng muốn cướp chính xác đến từng đồ vật. Ông ta mua mô hình của các két sắt tư nhân ở chợ đen, lắp đặt chúng với mức độ bảo mật tương tự tại ngân hàng.

George tỉ mẩn đến mức sắp xếp cả những đồ đạc trong văn phòng từ sô pha, bàn làm việc, tủ đựng tài liệu vào vị trí thích hợp rồi huấn luyện đồng bọn trong bóng tối. Với một đồng hồ bấm giờ, George yêu cầu đồng bọn đột nhập đúng trình tự, không đụng một chiếc bàn nào và tập dượt lặp đi lặp lại trong khoảng thời gian nhất định.

Trước khi tiến hành vụ cướp thật, George sẽ đột nhập vào ngân hàng vài lần theo kế hoạch nhưng không trộm gì. Ông ta muốn tự mình kiểm tra tòa nhà và xác nhận mức độ khả thi của các ý tưởng.

Đặc biệt, thành viên trong băng đảng sẽ mặc trang phục ăn trộm từ các nhà hát kịch nhằm đảm bảo họ không bị nhận ra trong quá trình “tác nghiệp”. Với mỗi vụ cướp, nhóm lại hóa trang thành những nhân vật khác nhau.

Sau khi cướp, nhóm của George tách nhau ra, đem theo chiến lợi phẩm tẩu thoát qua các con phố khác nhau để cảnh sát không thể nghi ngờ họ là một băng đảng.

Phong cách làm việc trên khiến mọi người liên tưởng về băng đảng của George như một đoàn kịch. Nhưng thay vì biểu diễn trước mặt mọi người, họ âm thầm đột nhập vào các ngân hàng trong bóng tối và cuỗm sạch của cải của người giàu có.

Ngày 27/6/1869 đánh đấu là ngày băng đảng George tiến hành vụ cướp ngân hàng thành công và quy mô lớn đầu tiên. Họ đã lấy đi khoảng 800.000 USD (tương đương gần 13 triệu USD ngày nay) nhưng để lại gần 2 triệu USD.

Tuy nhiên, đây vẫn được coi là một trong những vụ trộm ngân hàng lớn nhất tại Mỹ vào thời điểm đó cho đến khi George phá kỷ lục của mình vài năm sau đó.

Phi vụ được nhắc đến nhiều nhất của băng đảng George cũng là một trong những phi vụ cướp ngân hàng lớn nhất lịch sử toàn cầu xảy ra ở Ngân hàng Northampton, bang Massachusetts vào tháng 1/1876. Ông và đồng bọn đã lấy trộm thành công 1,6 triệu USD (tương đương gần 43 triệu USD ngày nay).

Để thực hiện vụ cướp, George đã nhiều lần đến Northampton để nghiên cứu kiến trúc của thị trấn, thậm chí đi bộ qua nhiều tuyến đường, ngõ ngách để tìm hướng tẩu thoát.

Tại Ngân hàng Northampton, nhóm đã chuyển trọng tâm từ không gian sang thời gian. Sau khi đánh ngất bảo vệ ngân hàng, nhóm phá vỡ đồng hồ của anh ta, nhốt trong bóng tối nhằm giảm nhận thức về thời gian.

Nhóm cũng không lập tức cướp ngân hàng mà hành động từ tốn, kéo dài thời gian để cơ quan điều tra không thể ước tính chính xác thời điểm băng nhóm bỏ trốn.

Ban đầu, nhóm của George dùng thuốc nổ làm nổ két sắt nhưng phương pháp này tương đối cồng kềnh và dễ thu hút sự chú ý. Do đó, George đã sáng chế ra công cụ mở két sắt không cần biết mật mã.

George đã thiết kế công cụ mở két sắt không cần mật mã
George đã thiết kế công cụ mở két sắt không cần mật mã 

Thiết bị gồm một bánh xe thiếc gắn dây kim loại, có thể được trượt vào phần quay số của khóa két sắt. Khi nhân viên ngân hàng mở két sắt, mã số sẽ được đánh dấu tự động vào thiết bị này mà không ai hay biết.

Với thiết bị này, George phải đột nhập vào ngân hàng trước vụ cướp ít nhất hai lần. Lần đầu tiên để gắn thiết bị và lần thứ 2 lấy nó ra để tìm mật khẩu. Nhưng nhờ đó, nhóm của George có thể mở két nhanh chóng và dễ dàng.

Cách hành động tỉ mỉ, trang thiết bị tối tân, trang phục khó đoán... đã trở thành những đặc trưng trong tác phong làm việc của George, tạo nên danh tiếng cho ông ta là “Vua cướp ngân hàng” (The King of Bank Robbers).

Kết cục của “phường đạo tặc”

Tuy nhiên, khi ở đỉnh cao, băng đảng bắt đầu tan rã. Những vụ cướp thuần thục khiến danh tiếng của George vang danh khắp chợ đen và giới tội phạm New York. Ông ta được mời làm cố vấn cho các băng nhóm tội phạm khác.

Say mê trong sự nể phục của bè lũ tội phạm, George đã quên đi mục tiêu khi đến New York là cướp tiền của người giàu. Ông ta thường xuyên vắng mặt trong các buổi họp băng đảng, thờ ơ với việc luyện tập của đàn em.

Nhưng nhờ công việc “cố vấn”, George có thể kiếm được nhiều tiền hơn đồng đảng và tạo cơ hội cho các băng đảng khác cạnh tranh với chính nhóm của mình. Ngoài ra, ông ta dính tai tiếng là kẻ lăng nhăng, thường xuyên cặp kè với vợ của các đồng bọn.

Bản phác thảo bên trong Quỹ Tiết kiệm Manhattan, nơi băng đảng của George thực hiện phi vụ cuối cùng
Bản phác thảo bên trong Quỹ Tiết kiệm Manhattan, nơi băng đảng của George thực hiện phi vụ cuối cùng

Vấn đề lên đến đỉnh điểm sau vụ cướp Quỹ Tiết kiệm Manhattan vào tháng 10/1878. George mất 3 năm lên kế hoạch cho vụ cướp nhưng biến mất bí ẩn trước đó 5 tháng. Dù vậy, đồng bọn của ông vẫn tự luyện tập để tiến hành vụ cướp với kinh nghiệm tác chiến do George vạch ra trước đó.

Kết quả, nhóm đã trộm được khoảng 2,5 triệu USD (tương đương hơn 70 triệu USD ngày nay). Đây được coi là phi vụ lớn nhất của băng nhóm, song họ chỉ thu về 12.000 USD tiền mặt. Số còn lại là trái phiếu chuyển nhượng, trái phiếu ghi danh nên không thể chia chác. Băng đảng dần tan rã do mâu thuẫn khi phân chia chiến lợi phẩm.

Sau vụ cướp này, những đồng đảng còn sót lại đã cố gắng thực hiện một vụ trộm quy mô lớn mà không có sự trợ giúp của Geroge. Nhưng nhóm đã bị bắt chỉ vài ngày sau đó.

Cơ quan điều tra thành phố New York ước tính George và đồng bọn đứng sau 80% các vụ cướp ngân hàng ở Mỹ từ năm 1865 đến năm 1878. Nhóm đã bỏ túi hơn 7 triệu USD (tương đương 200 triệu USD hiện nay).

Thời điểm đó, George không bị bắt. Trước đó, ngày 4/6/1878, người ta phát hiện ra thi thể của ông trong một bụi rậm tại Yonkers, New York với các vết đạn ở tai và dưới mũi. Cảnh sát nghi ngờ ông ta bị sát hại ở một địa điểm khác trước khi được mang đến đây phi tang.

Lần cuối người ta nhìn thấy ông ta còn sống là ngày 29/5 tại một quán bar trong khu phố thượng lưu. Một nhân chứng kể lại có người đã đưa cho George một mảnh giấy. Sau khi đọc nó, ông ta lập tức rời khỏi quán bar và không ai nhìn thấy ông ta kể từ đó.

Trên thực tế, khi George chết, mọi người vẫn không hay biết ông ta đứng sau toàn bộ các vụ trộm. Chỉ khi đồng bọn của ông ta bị bắt và khai ra kẻ chủ mưu, chân tướng của vị đại gia mới bị bóc trần.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Lễ kết nạp đảng viên đối với anh Nguyễn Cảnh Cường (bìa trái) - Giám đốc thú y cụm trang trại 2 kiêm chuyên gia thú y của Dự án chăn nuôi bò sữa TH ở Nga.

Phía sau những ly sữa tươi sạch

GD&TĐ - Một trong những yếu tố căn bản phía sau làm nên thương hiệu sữa tươi TH chính là kinh nghiệm trong công tác xây dựng Đảng của Đảng bộ Công ty.