Từ cướp ngân hàng đến cuộc đấu súng cuồng loạn

GD&TĐ - Sau khi cướp ngân hàng bất thành, năm tên tội phạm đã sử dụng vũ khí hạng nặng để đối đầu với cảnh sát địa phương. Vụ việc khiến một chiếc trực thăng quân sự bị bắn hạ, hàng chục sĩ quan bị thương.

Xe cảnh sát bị hư hại nặng sau vụ đấu súng.
Xe cảnh sát bị hư hại nặng sau vụ đấu súng.

Kế hoạch liều lĩnh

George Smith, người cầm đầu nhóm cướp.
George Smith, người cầm đầu nhóm cướp.

Ước tính từ năm 1975 - 1980, số vụ cướp ngân hàng tại Mỹ đã tăng 50%. 1/3 số này xảy ra tại bang California. Số vụ cướp ngân hàng tiếp tục tăng đến những năm 1990 với khoảng 3.500 chi nhánh ngân hàng tại bang bị cướp hơn 17 nghìn lần trong giai đoạn 1985 - 1995. Hầu hết những vụ án này đều được xử lý gọn gàng.

Tuy nhiên, vụ cướp ngân hàng Norco “khét tiếng” năm 1980 là câu chuyện hoàn toàn khác. Những tên tội phạm đã biến vụ cướp trở thành vụ đấu súng kéo dài một ngày – đêm với lực lượng cảnh sát địa phương.

Khoảng 15 giờ 40 phút ngày 9/5/1980, năm người đàn ông trang bị súng ngắn 12 ly và vũ khí sát thương tự động xông vào một chi nhánh của Ngân hàng An ninh Thái Bình Dương tại thành phố Norco, bang California, cách thành phố Los Angeles khoảng 80km.

Sau khi điều tra, cảnh sát phát hiện thủ lĩnh của đội cướp là George Smith, 29 tuổi. Hắn ta từng là lính pháo binh trong quân đội Hoa Kỳ và được cử đến Tây Đức học sử dụng vũ khí hạt nhân. Sau khi giải ngũ, Smith trở về nước, làm nhân viên bảo trì tại thành phố Cypress, bang California.

Trong thời gian này, Smith có cơ hội gặp gỡ và làm quen với Chris Harven, 27 tuổi, một người theo chủ nghĩa vô chính phủ với những ý tưởng táo bạo nhằm lật đổ chính quyền đương thời. Nhờ có nhiều điểm chung, cả hai nhanh chóng trở nên thân thiết và cùng nhau chuyển đến sống tại thành phố Mira Loma.

Bị Harven “tẩy não”, Smith tham gia vào kế hoạch bài xích xã hội và kiếm tiền bằng cách bán cần sa. Hai người đã bí mật trồng 300 cây cần sa nhưng không thành công. Rơi vào cảnh túng quẫn, kéo theo đó sự bất bình với xã hội ngày càng tăng. Smith và Harven đã vạch kế hoạch cướp ngân hàng.

Để hiện thực hóa kế hoạch, hai người đã chiêu mộ ba thành viên mới là hai anh em Belisario “Billy” và Anuel “Manny” Delgado. Người cuối cùng tham gia là Russel Harven, 26 tuổi, anh trai của Chris. Là một người cha thất nghiệp đang kiếm tiền để nuôi con, Rusell ngay lập tức nhận lời tham gia vụ cướp.

Smith là người lên kế hoạch cho toàn bộ vụ cướp. Nhóm sẽ xông vào ngân hàng trong khi Billy đứng ngoài canh gác và kéo dài thời gian nếu có sự cố xảy ra.

Ban đầu, Smith nhắm đến một ngân hàng nằm ở thành phố Mira Loma, địa bàn thân thuộc của cả nhóm. Việc chuẩn bị được tiến hành trước ngày cướp khoảng 1,5 tuần. Hắn ta đến thăm ngân hàng, ghi nhớ cách bố trí để có thể hướng dẫn cả nhóm hành động trong vòng 2 phút.

Trong khi đó, những người còn lại chuẩn bị kho vũ khí gồm súng ngắn, súng lục, hàng nghìn viên đạn và 9 khẩu súng trường Armalite có sức sát thương lớn. Tham vọng lớn nhất của cả bọn là chế tạo thiết bị nổ.

Smith đã trưng dụng gara để xe làm xưởng chế tạo lựu đạn và bom cháy, có thể được ném bằng tay hoặc súng ngắn. Trong quá trình hành động, thiết bị nổ tự tạo có thể đánh lạc hướng cảnh sát khỏi ngân hàng bị cướp, thậm chí dùng để đối phó với cảnh sát.

Đến ngày hành động, Russell, Manny và Billy trộm một chiếc xe tải đậu ngoài bãi đỗ xe của trung tâm thương mại Brea Mall. Smith đặt thiết bị nổ trên đường ống dẫn khí đốt gần ngân hàng mục tiêu. Khi bom nổ, cảnh sát sẽ dồn sự chú ý vào vụ tai nạn nên nhóm cướp có khoảng 2 phút để xông vào ngân hàng, cướp tiền và trở ra.

Tuy nhiên, quả bom không phát nổ như dự tính. Nếu tiếp tục xông vào cướp ngân hàng theo kế hoạch, nhóm sẽ phải đối mặt với lực lượng cảnh sát nghiêm ngặt trong khu vực nên không dám liều lĩnh. Thay vào đó, Smith đã yêu cầu cả nhóm di chuyển về thành phố Norco và hướng đến mục tiêu thứ 2, chi nhánh của Ngân hàng An ninh Thái Bình Dương.

Đổi mục tiêu

Nhiều cảnh sát bị thương nặng sau vụ việc.
Nhiều cảnh sát bị thương nặng sau vụ việc.

Xuất hiện vào 15 giờ 40 phút chiều trong trang phục áo lót lông trùm mũ, đeo mặt nạ trượt tuyết, năm người đàn ông xông vào ngân hàng. Manny nhảy lên quầy lễ tân, giương khẩu súng ngắn 12 ly vào khách hàng trong khi Smith sục sạo quanh phòng giao dịch với khẩu súng HK91. Vừa dí súng vào mọi người xung quanh, Smith vừa ra lệnh cho họ giữ nguyên vị trí.

Chris nhanh chóng “áp tải” giám đốc chi nhánh đến kho tiền lấy 20 nghìn USD tiền mặt. Bên ngoài ngân hàng, Billy có nhiệm vụ canh gác, giữ cho động cơ xe tải hoạt động để có thể tẩu thoát nhanh chóng.

Nhớ lại cảnh tượng khi đó, anh Sharon Dickens, nhân viên ngân hàng, cho biết: “Chúng tôi đột nhiên nghe thấy tiếng động khủng khiếp rồi bốn người đập cửa xông vào cùng lúc. Tôi đã cố gắng ấn chuông báo động nhưng một tên cướp lao đến trước mặt tôi và đe dọa nã súng vào tôi nếu bấm chuông”.

Kế hoạch của Smith là xông vào và thoát ra khỏi ngân hàng trong vòng 2 phút. Hắn ta liên tục hét lên “Chú ý thời gian” để nhắc nhở đồng bọn làm việc mau lẹ, tập trung. Tuy nhiên, kế hoạch đã bị phá hỏng bởi nhân viên ngân hàng đối diện phát giác và báo cáo với cảnh sát.

Khi Smith và đồng bọn rời khỏi ngân hàng với 20.000 USD, ngài Glyn Bolasky, Cảnh sát trưởng tại Sở Cảnh sát quận Riverside, đã xuất hiện tại hiện trường. Những tên cướp nổ súng vào xe cảnh sát, ép ông Bolasky bỏ cuộc.

Thấy xe có nguy cơ phát nổ, Bolasky vội rời khỏi, nấp sau những chiếc ô tô khác và nã súng vào nhóm cướp. Bolasky làm bị thương Smith, hạ gục Billy chỉ sau 3 phát súng. Khi lái xe bị giết, chiếc xe cướp mất phương hướng lao thẳng vào một hàng rào gần đó. Những tên còn lại nhanh chóng lao ra bên ngoài, nã súng vào Bolasky khiến ông bị trúng đạn vào mặt, vai trái, cẳng tay, khuỷu tay trái và mất nhiều máu.

Đúng lúc này, Hạ nghị sĩ Charles và cảnh sát Andy Delgado kịp thời có mặt tại hiện trường để hỗ trợ. Trong khi Andy đấu súng với lũ cướp, Hille tìm cách đưa Bolasky lên xe và di chuyển đến bệnh viện gần đó. Lực lượng Tuần tra Xa lộ California và Sở Cảnh sát quận San Bernardino đã cử lực lượng hỗ trợ.

Thấy tình huống trở nên căng thẳng, bốn tên cướp đã ăn cắp một chiếc xe bán tải màu vàng, không quên chất đầy súng và đạn dược tẩu thoát. Chris lái xe trong khi Smith ngồi ở ghế phụ bắn yểm trợ.

Manny và Russell ngồi phía sau và tìm cách nã đạn về những chiếc xe tuần tra. Chỉ bốn phút trôi qua nhưng Billy đã chết, một cảnh sát bị thương nặng và 20 nghìn USD bị bỏ lại. Tuy nhiên, đây chỉ là màn mở đầu của loạt đấu súng kinh hoàng.

Cuộc rượt đuổi ngày đêm

Chris Harven bị bắt vào ngày 10/5.
Chris Harven bị bắt vào ngày 10/5.

Những tên cướp tiếp tục lái xe về phía Bắc với tốc độ chóng mặt. Bất kì đơn vị cảnh sát nào tiếp cận, chúng cũng nổ súng mạnh mẽ để chống trả khiến nhiều sĩ quan và dân thường bị thương.

Sĩ quan Rolf Parks, người tham gia cuộc đấu súng ngày hôm đó, nhớ lại: “Khi tôi đang đi tuần trên góc phố, tôi nghe thấy những tiếng súng vang dội nên vội vàng lao đến. Nhưng họ bắn liên tục về phía tôi nên tôi không thể tiếp cận hiện trường”.

Trong cuộc chiến này, dẫu cảnh sát có lợi thế về số lượng nhưng vũ khí của họ quá nhỏ bé so với những trang bị hạng nặng của nhóm cướp. Nhiều đạn dược, bom, vật dụng tự phát nổ đã được sử dụng để toán cướp bảo toàn tính mạng, gây thiệt hại nặng cho cơ quan chức năng. Rơi vào thế bí, cảnh sát buộc phải điều động một chiếc trực thăng đến hiện trường để kiểm soát tình hình.

Tuy nhiên, khi trực thăng quân đội tiếp cận chiếc xe, Smith và đồng bọn đã dùng súng trường bán tự động bắn vào thân máy, khiến nó phải hạ cánh trước khi rơi. Sự việc khiến sân bay địa phương phải đóng cửa vì các nhà chức trách lo ngại toán cướp sẽ bắn nhầm máy bay dân dụng.

“Khi đấy tôi nhận ra rằng đang ở trong cuộc rượt đuổi lớn nhất từ trước đến nay. Cơ quan thực thi pháp luật đang làm mọi cách để khống chế lũ cướp điên rồ này”, ông Rolf Parks bày tỏ.

Rời khỏi trục đường chính, bọn cướp lao vào hẻm núi Lytle Creek nhưng các sĩ quan vẫn kiên trì rượt đuổi, trong đó có Phó cảnh sát trưởng Jim Evans. Anh ta đã dồn những tên cướp đến bên bờ vực, buộc chúng phải dừng xe và cố thủ. Nấp sau chiếc xe tuần tra của mình, Jim Evans nạp vũ khí và chuẩn bị kết liễu những tên tội phạm độc ác nhưng chúng đã nhanh chóng ra tay trước rồi chạy trốn vào rừng.

Sáng hôm sau, các sĩ quan và thành viên lực lượng đặc nhiệm SWAT tiếp tục bao vây khu rừng và nhanh chóng xác định vị trí của bốn tên cướp. Khi họ tiếp cận, Smith và anh em nhà Harven chấp nhận bị bắt không kháng cự.

Manny bị bắn trước đó và không qua khỏi trên đường chạy trốn. Vụ đấu súng kinh hoàng làm hư hại 33 xe cảnh sát, bao gồm một chiếc trực thăng quân sự, giết chết ít nhất 3 người, làm bị thương hàng chục sĩ quan cảnh sát.

Sau vụ án, Smith, Chris và Russell Harven bị kết tội giết người cấp độ một và 45 tội danh cố ý giết người, hành hung, cướp có vũ trang, bắt cóc và sử dụng chất nổ. Nhóm bị kết án chung thân, không được hưởng ân xá.

Ngày nay, hầu hết người dân bang California đều đã quên Smith và anh em nhà Harven nhưng vụ đấu súng ngày 9/5/1980 là bài học lớn cho cơ quan thực thi pháp luật Mỹ. Sau vụ việc, văn phòng cảnh sát các địa phương lân cận đã tự trang bị vũ khí hạng nặng.

Năm 1997, Tổng thống Bill Clinton thông qua Chương trình 1033, cho phép Bộ Quốc phòng phân bố thiết bị quân sự cấp cao cho lực lượng cảnh sát cả nước. Mỗi chiếc xe tuần tra giờ đây là một đơn vị chống khủng bố mini với các vũ khí hạng nặng, áo khoác và mũ chống đạn, có thể đương đầu với những phần tử đặc biệt nguy hiểm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

GD&TĐ - Trong hai tháng thi đua chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam, học sinh Trường THPT Chu Văn An đã tổ chức sự kiện Sparkling Chu Văn An 2024.