Chiến tranh tước đi quyền được giáo dục của trẻ

GD&TĐ - Hơn 7 tháng sống trong cuộc xung đột vẫn chưa có hồi kết, người dân Dải Gaza nỗ lực học tập khi chiến tranh phá hủy hệ thống giáo dục.

Người Palestine đi ngang qua một ngôi trường bị phá hủy trong cuộc tấn công quân sự của Israel.
Người Palestine đi ngang qua một ngôi trường bị phá hủy trong cuộc tấn công quân sự của Israel.

Trường học bị phá hủy

Học sinh lớp Năm và lớp Sáu tại Trường Nữ tu Rosary ở Gaza từng dự kiến làm bài kiểm tra khoa học vào ngày 9/10/2023 - hai ngày sau khi Israel tiến hành cuộc tấn công vào Gaza. Song, trẻ chưa bao giờ được tham dự kỳ thi này. Ruwaida Amer - giáo viên dạy khoa học tại đây cho biết, ngôi trường cùng thư viện và nhà hát đã bị quân đội Israel phá hủy vào ngày 4/11/2023.

Ngày 24/1 đánh dấu Ngày Quốc tế Giáo dục lần thứ 6 được Đại hội đồng Liên Hợp Quốc công bố, nhưng hàng chục nghìn học sinh tại Gaza không thể đến trường vì các cơ sở giáo dục trở thành đống đổ nát.

Hàng trăm trường học, bao gồm cả những trường do Liên Hợp Quốc điều hành, ở vùng đất bị bao vây của người Palestine đã bị đánh bom. Chiến tranh tàn phá cơ sở hạ tầng giáo dục và gây tổn thương tinh thần cho hàng nghìn học sinh.

Thống kê cho thấy, có hơn 40% trường học (288) ở Gaza do Cơ quan Liên Hợp Quốc về Hỗ trợ và Việc làm cho Người tị nạn Palestine (UNRWA) điều hành. Trong khi đó, phần còn lại do chính quyền Palestine trực tiếp điều hành hoặc do tư nhân quản lý.

Tất cả những nơi này hiện phải đóng cửa. Bởi, hơn 85% trong số 2,3 triệu người ở Gaza đã phải di dời trong bối cảnh các cuộc tấn công của Israel tiếp tục khiến hơn 25.000 người thiệt mạng, trong đó có 10.000 trẻ em. Theo dữ liệu của UNRWA từ năm 2018, Gaza có 737 trường học. Có ít nhất 9.367 giáo viên làm việc tại 288 trường của UNRWA.

Không học sinh nào ở Gaza được đến trường kể từ ngày 6/11/2023, khi Bộ Giáo dục đình chỉ năm học 2023 - 2024 do chiến tranh nhắm vào các khu dân cư, bao gồm cả văn phòng và trường học. Israel cho biết đang chiến đấu với các chiến binh Hamas, nhưng nhiều nhóm nhân quyền cho rằng, Tel Aviv đã có rất ít nỗ lực để bảo vệ dân thường.

Theo Bộ Giáo dục Palestine, 280 trường công và 65 trường do UNRWA điều hành đã bị phá hủy hoặc hư hại. 90% trường học của chính quyền Palestine đã bị thiệt hại trực tiếp hoặc gián tiếp. Khoảng 29% các tòa nhà trường học không còn hoạt động sau khi bị phá hủy hoặc hư hỏng nghiêm trọng.

Giám đốc Save the Children tại Palestine - ông Jason Lee, cho biết vào tháng 10/2023: “Các cuộc tấn công vào cơ sở hạ tầng dân sự, bao gồm cả trường học và bệnh viện nơi trẻ em đang tìm nơi ẩn náu, là hành vi vô lương tâm. Cuộc chiến này đang xói mòn nhân loại và ngày càng vượt khỏi tầm kiểm soát”. Tình trạng tương tự cũng xảy ra với các trường tư thục.

Ít nhất 133 trường học được sử dụng làm nơi trú ẩn cho người Palestine di tản trong nước ở Dải Gaza. Những ngôi trường này đang cung cấp nơi trú ẩn cho nhiều người hơn khả năng. Không chỉ các trường học phải hứng chịu gánh nặng từ cuộc tấn công dữ dội của Israel.

Các trung tâm giáo dục đại học, bao gồm cả các trường đại học, đã hoàn toàn tê liệt. Hãng thông tấn Palestine Wafa đưa tin, 12 cơ sở giáo dục đại học ở Gaza đã bị hư hại hoặc phá hủy, làm gián đoạn hoàn toàn hoạt động giáo dục đại học.

Bộ Giáo dục Palestine cho biết có kế hoạch triển khai chương trình học trực tuyến cho học sinh tại Gaza. Tuy nhiên, việc giảng dạy sẽ được thực hiện từ Bờ Tây bị chiếm đóng. Song, mô hình học tập thông qua kỹ thuật số sẽ khó áp dụng ở Gaza. Bởi, đây là nơi thường xuyên bị mất tín hiệu đường truyền.

Trong khi đó, học sinh cũng như giáo viên không được tiếp cận với nguồn điện và Internet ổn định. Hơn nữa, hầu hết mọi người đã buộc phải rời bỏ nhà cửa và đến trú ẩn tại các trại tị nạn.

“Không thể áp dụng phương pháp học trực tuyến được. Không có nơi trú ẩn, Internet cũng như điều kiện thích hợp”, Amer - giáo viên khoa học đến từ Gaza, cho biết.

Trong khi đó, các trường học và đại học ở Bờ Tây bị chiếm đóng đã chuyển sang mô hình học tập trực tuyến khi các cuộc đột kích và bạo lực gia tăng đáng kể từ ngày 7/10/2023.

Con số này bao gồm 55 trường học nằm trong “vùng kín” của Bờ Tây - một khu vực được ngăn cách với phần còn lại của Bờ Tây bị chiếm đóng. Kể từ khi trường học của cô buộc phải đóng cửa, Amer đã gặp một số học sinh của mình ở nơi công cộng hoặc nói chuyện với trẻ qua Internet.

Ba học sinh của cô đã thiệt mạng trong chiến tranh và một vài người trong số đó đã mất nhà cửa. Nữ giáo viên này cho biết, các học sinh ở Gaza cần được hỗ trợ về mặt tâm lý vì những tổn thương mà họ phải gánh chịu do chiến tranh.

“Tôi muốn hỗ trợ họ về mặt tâm lý nhưng hoàn cảnh họ đang sống rất khó khăn”, nữ giáo viên chia sẻ.

Các trung tâm giáo dục đại học, bao gồm cả các trường đại học, đã hoàn toàn tê liệt.

Các trung tâm giáo dục đại học, bao gồm cả các trường đại học, đã hoàn toàn tê liệt.

Không từ bỏ việc học

Trước khi xung đột leo thang, quyền giáo dục đã bị hạn chế ở Gaza. Việc thiếu vật liệu đã cản trở nỗ lực xây dựng cơ sở hạ tầng giáo dục mới hoặc sửa chữa những cơ sở bị hư hại do các đợt xung đột trước đó.

Quyền được giáo dục không còn tồn tại ở Gaza. Theo Cục Thống kê Trung ương Palestine, kể từ ngày 7/10/2023, hơn 625.000 học sinh và 22.564 giáo viên ở Gaza không được tiếp cận giáo dục. Ngoài ra, 76% trường học ở Gaza bị hư hại hoặc phá hủy, trong khi 264 trường học đang được sử dụng làm nơi trú ẩn cho 1,4 triệu người phải di dời trong Dải Gaza.

Mức độ bạo lực chưa từng có này đã khiến trẻ em ở mọi lứa tuổi phải đối mặt với cái chết, đói khát, bệnh tật và những sự kiện vô cùng đau thương như mất cha mẹ và người thân.

Trong căn lều gần Khan Younis ở Gaza, giữa khung cảnh hoang tàn sau những đợt bắn phá, nhiều em nhỏ vẫn ngồi xếp bằng trên cát tham gia lớp học trong một căn lều tạm. Một cô giáo đứng lớp không có bảng đen. Cô viết chữ trên tấm bìa carton trẻ say sưa đọc theo.

Ở một căn lều khác, có 2 chị em người Palestine đang kết nối trực tuyến với một trường học ở Bờ Tây. 2 chị em này thuộc một số những sinh viên được một giáo sư ở Đức giúp liên kết với các trường đại học châu Âu được tiếp tục việc học.

Sau khi chứng kiến các trường học và đại học bị đóng cửa, hư hại hoặc phá hủy trong hơn 7 tháng diễn ra cuộc xung đột, người dân Gaza đang trú ẩn trong và ngoài lãnh thổ vẫn đang làm những gì có thể để bắt đầu lại việc học tập.

Asmaa al-Astal - một giáo viên tình nguyện tại ngôi trường lều gần bờ biển ở Al-Mawasi, mở lớp vào cuối tháng 4 - cho biết: “Chúng tôi đang tiếp nhận học sinh và một số lượng rất lớn vẫn đang chờ đợi. Thay vì để trẻ em mất cả năm học vì cuộc xung đột diễn ra, bom đạn vẫn nổ liên hồi, thì chúng tôi sẽ ở bên các em. Chúng tôi sẽ đưa trẻ đến đây và dạy các em”.

Người dân Gaza lo ngại xung đột giữa Israel và Hamas sẽ gây thiệt hại cho hệ thống giáo dục của họ, nguồn hy vọng và niềm tự hào hiếm hoi ở vùng đất này. Trong bối cảnh này, Liên Hợp Quốc ước tính rằng, 72,5% trường học ở Gaza sẽ cần được xây dựng lại toàn bộ hoặc phục hồi trên quy mô lớn.

Israa Azoum - sinh viên y khoa năm thứ tư tại Đại học Al Azhar ở thành phố Gaza, cho biết: “Chúng tôi mất bạn bè, bác sĩ, trợ giảng, giáo sư. Chúng tôi mất rất nhiều thứ trong cuộc chiến này”.

76% trường học ở Gaza bị hư hại hoặc phá hủy.

76% trường học ở Gaza bị hư hại hoặc phá hủy.

Azoum đang làm tình nguyện viên tại Bệnh viện Al Aqsa ở thị trấn Deir al-Balah để đối phó với làn sóng bệnh nhân, nhưng cũng là vì cô không muốn mất mối liên hệ với việc học. “Tôi không cảm thấy mệt mỏi vì đây là công việc tôi yêu thích. Tôi yêu nghề y, thích làm bác sĩ. Tôi không muốn quên những gì mình đã học được”, cô chia sẻ.

Ông Fahid Al-Hadad – Trưởng khoa Cấp cứu của Al Aqsa, và là giảng viên Khoa Y tại Đại học Hồi giáo Gaza (IUG) bày tỏ hy vọng có thể bắt đầu giảng dạy trở lại, dù ông đã mất sách và tài liệu tích lũy trong hơn một thập kỷ, khi nhà ở thành phố Gaza bị phá hủy.

“Việc giảng dạy trực tuyến sẽ phức tạp do mạng yếu, nhưng ít nhất có thể cho phép sinh viên hoàn thành bằng cấp của mình. Các tòa nhà của IUG và Al Azhar bị hư hại nặng nề và bị bỏ hoang ở các địa điểm lân cận ở thành phố Gaza. Chúng tôi sẵn sàng cống hiến bằng mọi cách, nhưng ở Gaza tốt hơn nhiều so với bên ngoài. Đừng quên rằng, chúng tôi là bác sĩ và chúng tôi đang làm việc”, ông Hadad nói.

Kể từ ngày 7/10/2023, bạo lực đã gia tăng đáng kể: Lực lượng Israel và người định cư đã giết chết 358 người Palestine, trong đó có 91 trẻ em, ở Bờ Tây.

Việc tiếp cận giáo dục bị cản trở nghiêm trọng, bằng chứng là việc người định cư đốt và phá hủy hai phòng học trong một trường học được hỗ trợ bởi các tổ chức đối tác Action Against Hunger ở Khirbet Zanuta vào cuối năm 2023. Vài tuần sau, dân số của các cộng đồng lân cận đã giảm, buộc phải di chuyển và tái định cư nên con của họ không còn được hưởng lợi từ việc tiếp cận giáo dục.

Theo Aljazeera; Reuters

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.