Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung: Sẽ khủng hoảng toàn cầu?

GD&TĐ - Vòng đàm phán thương mại cuối cùng giữa Bắc Kinh và Washington đã kết thúc vào thứ Sáu (10/5) mà không có bất cứ thỏa thuận nào. Tổng thống Mỹ quyết định tăng thuế từ 10% lên 25% đối với 200 tỷ USD hàng nhập khẩu của Trung Quốc và chỉ chưa đầy một ngày sau ông tuyên bố sẽ đánh thuế đối với hàng nhập khẩu còn lại (khoảng 325 tỷ USD). 

Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc kết thúc vòng đàm phán cuối cùng mà lòng nặng trĩu. Ảnh: AP
Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc kết thúc vòng đàm phán cuối cùng mà lòng nặng trĩu. Ảnh: AP

Ngay lập tức Bắc Kinh tuyên bố sẽ có những động thái đáp trả xứng đáng. Theo các nhà phân tích, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đã đến hồi nghiêm trọng, nếu các bên không đạt được thỏa thuận có thể dẫn đến khủng hoảng toàn cầu.

Những tuyên bố theo kiểu “ăn miếng, trả miếng”

Theo các nguồn tin, từ ngày 10/5, Mỹ chính thức tăng thuế nhập khẩu từ 10% lên 25% với 200 tỷ USD hàng hóa đến từ Trung Quốc. Mức thuế này sẽ áp với các hàng hóa rời cảng Trung Quốc sau nửa đêm 9/5 tính theo giờ Washington. Điều đáng nói là tuyên bố áp thuế cao của Tổng thống Mỹ được phát ra đúng vào lúc cuộc đàm phán thương mại cuối cùng giữa Bắc Kinh và Washington đang diễn ra.

Trên Twitter của mình, Donald Trump viết: “Trong 10 tháng vừa qua, Trung Quốc đã trả thuế nhập khẩu cho Mỹ 25% trên 50 tỷ USD của lĩnh vực công nghệ cao và 10% trên 200 tỷ USD cho các hàng hóa khác. Các khoản chi trả này phần nào dẫn tới kết quả kinh tế tuyệt vời của chúng ta. Khoản 10% ấy sẽ tăng lên thành 25% vào thứ Sáu tới”.

Không dừng lại ở đó, chỉ chưa đầy 24 tiếng đồng hồ sau đó, ông Donald Trump lại tuyên bố, số hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc còn lại (khoảng 325 tỷ USD) cũng sẽ bị áp với mức thuế 25%.

Nguyên nhân dẫn đến việc áp thuế bất ngờ được Tổng thống Mỹ chỉ ra là “tiến trình đàm phán quá chậm”, là “chúng tôi đã tiến rất gần đến một thỏa thuận thương mại, nhưng rồi họ bắt đầu tìm cách đàm phán lại…”.

Theo Reuters, Trung Quốc đã thay đổi nội dung của dự thảo thỏa thuận nhiều đến nỗi có thể phải mất cả tháng mới có thể sửa lại.

Trung Quốc tất nhiên phản ứng gay gắt với quyết định áp thuế cao của Mỹ. Theo cổng thông tin CGTN liên quan đến phiên bản China Plus của Trung Quốc, Bắc Kinh có 3 yêu cầu cơ bản là hủy bỏ tất cả thuế quan, bảo đảm rằng các số liệu cho hàng xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ tương ứng với thực tế và “cải thiện văn bản” của thỏa thuận.

“Trung Quốc sẽ không bao giờ nhượng bộ về những vấn đề cơ bản này. Nếu phía Mỹ khăng khăng tiếp tục áp dụng thuế quan, Trung Quốc sẽ không còn lựa chọn nào khác ngoài việc kiên quyết chống lại bước đi này”, Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc, nhà đàm phán chính từ Trung Quốc tuyên bố.

Từ ngày 1/6, Trung Quốc đưa ra các mức thuế trả đũa đối với hàng hóa của Mỹ - Reuters trích nguồn tin từ Ủy ban về Biểu thuế hải quan của Hội đồng Nhà nước Trung Quốc. Theo đó, thuế sẽ được đưa ra đối với 5.000 loại hàng hóa do Mỹ sản xuất với tổng trị giá 60 tỷ USD.

Cụ thể, đối với 2.493 loại hàng hóa, thuế sẽ được tăng lên 25%, đối với 1.078 sản phẩm - lên tới 20%, đối với 974 mặt hàng - lên 10%. Đối với một nhóm 595 sản phẩm, thuế sẽ được áp dụng ở mức 5%.

Tuy nhiên, đây chỉ là phản ứng tức thời của phía Trung Quốc. Theo các nhà phân tích Mỹ, trong số các bước phản ứng của Bắc Kinh có thể là gây áp lực thêm đối với các công ty Mỹ đang hoạt động tại Trung Quốc, tăng kiểm tra đối với hàng hóa xuất khẩu từ Mỹ, cũng như làm mất giá của đồng nhân dân tệ so với đồng đô la. Việc giảm giá trị đồng nhân dân tệ sẽ giúp cho hàng xuất khẩu của Trung Quốc có lợi thế thương mại và có khả năng bù đắp tác động của thuế quan Mỹ.

Trung Quốc cũng có thể trả đũa bằng cách bán tháo khoản nợ của chính phủ Mỹ với số tiền hơn một nghìn tỷ USD, tạo ra bất ổn trên thị trường chứng khoán Mỹ.

“Trạng chết, chúa cũng băng hà”

Điều không thể phủ nhận rằng, việc áp thuế cao đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc đã ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người Mỹ. Theo dữ liệu do Trade Partnership Worldwide (công bố vào tháng 2/2019), nếu mức thuế 25% đối với hàng nhập khẩu trị giá 250 tỷ USD của Trung Quốc, 934.000 việc làm sẽ bị mất trong một năm và chi phí hàng năm của một gia đình 4 người sẽ tăng thêm 767 USD. Nếu mức thuế này được áp cho tất cả hàng nhập khẩu còn lại của Trung Quốc (trị giá 325 tỷ USD) thì một năm sau, 2,1 triệu việc làm sẽ bị mất và gia đình 4 người Mỹ sẽ phải chi thêm 2.000 USD mỗi năm.

Về phần mình, Trung Quốc cũng đang đối mặt với sự suy giảm tăng trưởng kinh tế, các nhà phân tích tại Fitch nhận định.

“Chúng tôi dự đoán rằng, tăng trưởng của Trung Quốc sẽ giảm xuống còn 6,1% trong năm nay từ mức 6,6% trong năm 2018. Và cách Trung Quốc đáp ứng điều này sẽ có tầm quan trọng lớn đối với viễn cảnh kinh tế vĩ mô toàn cầu. Các nhà phân tích của Bloomberg trước đây đã dự đoán rằng Trung Quốc sẽ phải chịu tổn thất lớn nhất trên thị trường trái phiếu trong năm nay, khoảng 13 nghìn tỷ đô la”, Fitch nhận định. Theo một số dự báo, GDP của Mỹ sẽ giảm 0,3%, trong khi GDP của Trung Quốc đang chờ mức giảm 0,7%.

Thất bại của cuộc đàm phán thương mại Mỹ - Trung sẽ dẫn đến suy giảm trong thương mại và làm tăng nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu, dẫn đến sự sụt giảm của thị trường chứng khoán, giá dầu và trong các loại tiền tệ trong tương lai, nhà phân tích cao cấp tại BCS Premier Sergei Suverov nhận định.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.

Ảnh: Quốc Bình

Cam Cao Phong

GD&TĐ - Bố khệ nệ mang về thùng cam mà đứa nào cũng… thờ ơ, dù chúng vừa chạy xe căng hải vượt 3 km từ trường về.