'Chiến thuật' chống rủi ro khi đăng ký, điều chỉnh NV xét tuyển

GD&TĐ - Thí sinh cần có “chiến thuật” đăng ký, điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển để không rơi vào tình cảnh “trắng tay” hoặc “tiến thoái lưỡng nan”.

Thí sinh được cán bộ, giảng viên Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội tư vấn, giới thiệu về các ngành đào tạo. Ảnh: NTCC
Thí sinh được cán bộ, giảng viên Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội tư vấn, giới thiệu về các ngành đào tạo. Ảnh: NTCC

Không bỏ tất cả trứng vào một giỏ

Sau khi biết điểm thi tốt nghiệp THPT, thí sinh cần đặt ra nguyên tắc trong sắp xếp nguyện vọng xét tuyển. Đó là lời khuyên của PGS.TS Vũ Thị Hiền, Trưởng phòng Quản lý đào tạo, Trường ĐH Ngoại Thương. Theo đó, thí sinh nên chia nguyện vọng thành 3 nhóm.

Nhóm giữa là nhóm có cơ hội trúng tuyển cao nhất. Đây cũng là nhóm mà thí sinh cần phân tích khả năng của bản thân dựa trên điểm thi. Sau đó tịnh tiến lên, chọn nhóm ngành yêu thích nhưng cơ hội trúng tuyển thấp hơn. Dưới cùng là nhóm đảm bảo, nhóm có độ yêu thích giảm nhưng độ an toàn cao.

“Thí sinh nên trải đều các nguyện vọng để tăng cơ hội trúng tuyển. Sau khi hoàn tất các bước trên Hệ thống, sĩ tử cần kiểm tra lại thật kỹ để hạn chế tối đa rủi ro không đáng có”, PGS.TS Nguyễn Phú Khánh lưu ý.

Thực tế, ở những mùa tuyển sinh trước, có thí sinh dù đạt điểm thi tốt nghiệp THPT cao nhưng do không có “chiến thuật” đăng ký, điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển hợp lý nên dẫn đến “trắng tay”. Để không rơi vào tình cảnh này, PGS.TS Nguyễn Phú Khánh, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Phenikaa (Hà Nội) khuyến nghị, việc đầu tiên cần làm là tìm hiểu kỹ thông báo, đề án tuyển sinh của cơ sở giáo dục đại học mà mình dự định đăng ký xét tuyển. Sau đó, tập trung nghiên cứu chỉ tiêu tuyển sinh, tổ hợp môn xét tuyển…

Khi lựa chọn được ngành học, trường học yêu thích, thí sinh cần sắp xếp nguyện vọng theo thứ tự ưu tiên. Nguyện vọng 1 nên là nguyện vọng mà thí sinh yêu thích và mong muốn được trúng tuyển nhất. “Các em có thể chia làm 3 nhóm: Nhóm thứ nhất - Nguyện vọng ưu tiên cao nhất. Nhóm thứ hai, vừa sức với mình. Nhóm thứ ba, dưới năng lực cá nhân một chút để đề phòng rủi ro”, PGS.TS Nguyễn Phú Khánh tư vấn.

Từ ngày 10/7 đến 30/7, thí sinh được đăng ký, điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển không giới hạn số lần trên Hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung (Hệ thống). Với 21 ngày đủ để thí sinh suy nghĩ, cân nhắc, lựa chọn và điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển.

Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT 2023 tại điểm thi Trường THCS Mỹ Đình I (Nam Từ Liêm, Hà Nội). Ảnh: TG

Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT 2023 tại điểm thi Trường THCS Mỹ Đình I (Nam Từ Liêm, Hà Nội). Ảnh: TG

2 yếu tố cần cân nhắc

Khẳng định, Quy chế tuyển sinh của Bộ GD&ĐT rất mở, PGS.TS Phạm Văn Bổng, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội viện dẫn, ngoài việc đăng ký nguyện vọng xét tuyển sau khi biết điểm thi tốt nghiệp THPT, thí sinh còn được đăng ký không giới hạn số lượng nguyện vọng.

Thực tế, điểm chuẩn qua các năm của mỗi cơ sở giáo dục đại học phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: Chất lượng của người học, số lượng thí sinh đăng ký xét tuyển… Tuy nhiên, để hạn chế việc sắp xếp nguyện vọng không phù hợp, thí sinh cần cân nhắc mức điểm của mình để đối sánh xem có phù hợp với ngành học, trường học mà mình dự định đăng ký xét tuyển hay không.

Chẳng hạn, thí sinh được 16 điểm nhưng lại muốn chọn những ngành “hot” của những trường “top” đầu thì không khả thi. Các em hãy nhìn vào ngưỡng điểm hàng năm của từng trường để đưa ra dự kiến khoảng điểm phù hợp. “Tôi tán thành với việc thí sinh chọn ngành học mình yêu thích nhất nhưng cũng cần có cơ sở để có lựa chọn hợp lý”, PGS.TS Phạm Văn Bổng nhấn mạnh.

Cũng theo Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội, khi chọn ngành học, thí sinh nên nghe tư vấn từ người thân và người có chuyên môn trong lĩnh vực đó. Bởi nhiều khi việc lựa chọn ngành học, trường học của các em còn mang yếu tố “cảm tính”, chạy theo số đông, nên cần tham khảo ý kiến của mọi người xung quanh.

Ngoài ra, các em cần biết kết hợp nhiều yếu tố khác nhau để đưa ra lựa chọn cho mình. “Tuy nhiên, ngành mình thích nhất chưa chắc đã phù hợp với mình nên cần cân nhắc giữa hai yếu tố: Thích nhất và phù hợp nhất khi lựa chọn ngành học, trường học”, PGS.TS Phạm Văn Bổng nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, PGS.TS Nguyễn Viết Thái, Trưởng phòng Đối ngoại Truyền thông, Trường ĐH Thương mại (Hà Nội) khuyến cáo, thí sinh cần bình tĩnh, phân tích, đánh giá và lựa chọn ngành học, trường học phù hợp với năng lực và điều kiện cá nhân, gia đình. Các em nên dựa vào điểm xét tuyển 2 năm liền kề để có lựa chọn ngành học, trường học phù hợp.

Năm trước, một số thí sinh trúng tuyển theo phương thức xét tuyển sớm nhưng quên không đăng ký nguyện vọng trên Hệ thống nên không được công nhận trúng tuyển chính thức. TS Võ Thanh Hải, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Duy Tân (TP Đà Nẵng) nhắc lại thực tế này để thí sinh năm nay không quên đăng ký nguyện vọng xét tuyển trên Hệ thống, tránh bị trượt oan. Ngoài ra, thí sinh không nên đăng ký duy nhất một nguyện vọng nhưng cũng không nên đăng ký quá nhiều. Các em nên chọn ngành, chọn trường gần với mức điểm của mình và chọn nhiều phương án khác nhau, tránh những rủi ro không đáng có.

Năm nay, chính sách tuyển sinh của Bộ GD&ĐT cơ bản giữ ổn định như năm 2022. PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học nhấn mạnh, chính sách này nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh khi tham gia đăng ký xét tuyển. Lưu ý, nếu các em đăng ký xét tuyển vào các trường công an, quân đội và muốn trúng tuyển vào đó thì phải đặt là nguyện vọng 1.

Tất cả nguyện vọng xét tuyển của thí sinh sẽ được xử lý trên Hệ thống. Thí sinh chỉ trúng tuyển vào một nguyện vọng duy nhất và cao nhất. Theo đó, các em cần tận dụng thật tốt cơ hội mà chính sách tuyển sinh mang lại để trúng tuyển vào ngành học, trường học yêu thích, phù hợp nhất.

Theo PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, thí sinh nên chọn ngành trước khi chọn trường. Bởi ngành nghề quyết định đến nghề nghiệp sau này. Sau khi chọn ngành, các em cần chọn trường phù hợp với phong cách sống và điều kiện kinh tế gia đình.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Truyện ngắn: Hậu phương yêu thương

GD&TĐ - Mấy hôm nay gió bấc đã tràn về đảo nhỏ. Lão gió gào thét lùng sục khắp các ngõ ngách, thấy cái gì cũng lật tung lên như thể để tìm kiếm thứ gì đó.