Giải Goncourt 2018 đã được trao cho tác phẩm “Leurs enfants après eux” (tạm dịch: Thế hệ trẻ sau họ) của nhà văn Nicolas Mathieu.
Bối cảnh câu chuyện đặt vào tháng Tám 1992. Một thung lũng mất hút đâu đó về phía Đông, những lò đốt không còn hoạt động, một cái hồ, một buổi chiều nóng như nung.
Anthony mười bốn tuổi, muốn cùng người anh em họ của mình giải sầu bèn quyết định đánh cắp một chiếc ca nô và qua bờ bên kia, qua cái bãi biển tắm tiên nổi tiếng đó, xem chuyện gì đang diễn ra. Rốt cuộc, với Anthony, chuyện xảy đến sẽ là mối tình đầu, mùa hè đầu tiên, mùa hè quyết định toàn bộ các diễn biến tiếp theo. Là bi kịch cuộc đời vừa mới bắt đầu.
Với tác phẩm này, Nicolas Mathieu đã viết nên một cuốn tiểu thuyết về một thung lũng, về một thời kỳ, về tuổi thiếu niên, câu chuyện chính trị về một thời thanh xuân phải tìm đường đi cho mình giữa một thế giới đang chết. Bốn mùa hè, bốn thời khắc, từ Smells Like Teen Spirit đến Cúp Bóng đá Thế giới 1998, là những mảnh đời thoáng qua nhanh chóng, trên nước Pháp “ở giữa” ấy, là những thành phố trung lưu và những vùng toàn dinh thự, là thôn quê và những vùng quy hoạch bê tông hóa.
Nước Pháp của Picon và Johnny Hallyday, của những lễ hội chợ phiên và chương trình truyền hình Intervilles, của những con người mòn mỏi vì làm việc và những người yêu đương héo úa ở tuổi hai mươi. Một đất nước xa xôi với những đại lý của toàn cầu hóa, bị kẹt giữa hoài hương và suy tàn, giữa thanh lịch và điên dại.
“Khi xuất phát, ta có thể thử giả thuyết này: một cuốn tiểu thuyết, thứ luôn được viết khi những nỗi đau giao nhau. Ở đây, tôi thấy có ba nỗi đau, cứ cho là những nỗi đau của tôi.
Thoạt tiên là thuở niên thiếu. Tôi từng là đứa trẻ ấy, đứa trẻ mà nay không còn nữa, đứa trẻ từng mơ được đi chơi cùng cô gái đẹp nhất trường, và muốn được hưởng phần của mình. Và rồi cô gái đẹp nhất ấy không muốn biết gì hết, thế giới cứ mãi mờ mịt khó hiểu, thời gian trôi qua và mọi chuyện còn tệ hơn.
Sẽ có những mùa hè, những lần tán tỉnh, lông sẽ mọc dài ra còn giọng sẽ vỡ. Sẽ có những khoảnh khắc đẹp nhất cuộc đời, và cả những khoảnh khắc khủng khiếp nhất. Trong một câu chuyện, tôi luôn cố gắng để câu chữ ở trên đó, cái vết sẹo mà từ đó khởi thủy mọi chuyện.
Vết thương khác, chính là vết thương về mặt xã hội và những khoảng cách. Khi tôi còn nhỏ, tôi từng được nghe một câu chuyện dối trá, rằng thế giới có thế nào thì xuất hiện trước mắt tôi thế ấy: công bằng, trong trẻo, muốn gì được nấy. Nhưng một ngày kia, có lẽ nhờ vào sách vở mà bức màn bị xé toang và tôi bắt đầu hiểu. Bài học về khoảng cách, về những món đồ thừa kế và những dấu hiệu rõ rệt, sự thật về vị trí và thứ bậc, đó sẽ là nhiên liệu của tôi.
Cuối cùng là sự xuất phát ấy. Tôi chào đời giữa một thế giới mà tôi muốn bỏ trốn bằng mọi giá. Thế giới của những lễ hội chợ phiên và Picon, của Johnny Hallyday và những dinh thự, thế giới của những người kiếm ăn bằng việc mọn, của những người chết gục vì làm việc và của những tình nhân héo tàn ở tuổi hai mươi lăm. Thế giới ấy, thực sự, tôi sẽ không bao giờ quay trở lại nữa, tôi đã trốn thoát thành công. Thế nhưng, tôi vẫn chỉ có thể nhắc đến nó. Nên tôi viết cuốn tiểu thuyết này, vì tôi chính là đứa trẻ mồ côi bướng bỉnh đó.” – Nicolas Mathieu
Nicolas Mathieu sinh năm 1978 tại Épinal (Pháp). Sau khi theo học chuyên ngành lịch sử và điện ảnh, anh đến định cư tại Paris nơi anh tham gia hầu hết các hoạt động liên quan đến giáo dục và luôn phải nhận mức lương rất thấp. Năm 2014, anh cho xuất bản tác phẩm Aux animaux la guerre tại nhà xuất bản Actes Sud, được Alain Tasma chuyển thể thành phim truyền hình. Hiện anh đang sống tại Nancy và vừa viết lách vừa làm công ăn lương.
Được thành lập ngày 21 tháng Mười hai năm 1903, giải Goncourt là giải thưởng văn học nổi tiếng nhất bởi nó góp phần giúp sách trở nên bán chạy nhất – trung bình từ 300000 đến 500000 bản cho lần in đầu – nên nó cũng là giải thưởng được các tác giả và các nhà xuất bản trông mong nhất, dù tiền thưởng dành cho người đạt giải này vô cùng bèo bọt: 10 euro!