Theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long thông tin trên báo chí cho biết, có thể nói rằng từ trước đến nay ở nước ta đã tổ chức nhiều chiến dịch tiêm chủng trong đó gần nhất là chiến dịch tiêm 23 triệu liều vắc xin sởi- rubela cho trẻ em.
Tuy nhiên, chiến dịch lần này triển khai trên quy mô lớn đảm bảo tiêm chủng 150 triệu liều vắc xin trong 9 tháng từ 7/2021 đến 4/2022.
Đây là số vắc xin Việt Nam đã và đang đàm phán để đặt mua từ nay đến tháng 4/2022, tiêm cho người dân nhằm làm tăng độ bao phủ vắc xin với người dân để đạt miễn dịch công đồng.
Sẽ bao phủ hơn 70% dân số Việt Nam được tiêm vắc xin Covid-19
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh, về mục tiêu đặt ra sẽ bao phủ hơn 70% dân số Việt Nam được tiêm vắc xin Covid-19, mục tiêu này ngay từ đầu đã được đặt ra đối với tất cả những người trên 18 tuổi.
Sau khi tính toán, Bộ Y tế đã trình Bộ Chính trị, Chính phủ Nghị quyết về vấn đề tiêm vắc xin.
Việt Nam đang cố gắng để mua 150 triệu liều vắc xin tiêm cho người dân. Tuy nhiên, do mức độ khan hiếm của vắc xin toàn cầu, nên dù đã có những hợp đồng mua từ tháng 11/2020, có những cam kết thoả thuận từ tháng 9/2020 nhưng đến nay chúng ta mới có vắc xin.
Tình trạng này sẽ tiếp tục kéo dài đến tháng 9/2021. Sau tháng 9/2021, lượng vắc xin về Việt Nam sẽ nhiều, vì thế chúng ta đặt ra là tăng độ bao phủ với người dân.
Đây chính là lý do tại sao Nghị quyết của Chính phủ lại quy định về ưu tiên tiêm vắc xin, trước hết ưu tiên cho lực lượng tuyến đầu chống dịch, cho những địa phương có dịch và những địa bàn tuyến đầu về phát triển kinh tế xã hội để đảm bảo đạt được mục tiêu vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế xã hội.
Đây cũng chính là ưu tiên của chiến dịch tiêm chủng vắc xin ở nước ta, và đồng thời chúng ta cũng phải quan tâm đến tất cả các đối tượng tiêm chủng.
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long đặc biệt nhấn mạnh, tiêm chủng trong chiến dịch là miễn phí.