Chiến dịch Đà Nẵng năm 1975: Bài học về nghệ thuật chọn hướng tiến công

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Thắng lợi của Chiến dịch khẳng định sự nhạy bén, tài tình của Trung ương Đảng, Bộ Tổng Tư lệnh trong chỉ đạo, nổi bật là nghệ thuật tạo và nắm thời cơ.

Chiến dịch Đà Nẵng năm 1975: Bài học về nghệ thuật chọn hướng tiến công

Chiến dịch tiến công Đà Nẵng đã phá sản âm mưu co cụm chiến lược của quân Ngụy tại khu vực miền Trung và làm thay đổi cục diện chiến tranh theo hướng có lợi cho ta trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975.

Thắng lợi của Chiến dịch khẳng định, sự nhạy bén, tài tình của Trung ương Đảng và Bộ Tổng Tư lệnh trong chỉ đạo, điều hành tác chiến chiến dịch, nổi bật là nghệ thuật tạo và nắm thời cơ.

Nắm thời cơ, hạ quyết tâm, hành động chính xác

Thời cơ chiến lược thuận lợi và đến sớm hơn dự tính, ngày 18/3/1975, Bộ Chính trị đã họp bàn và quyết định bổ sung vào quyết tâm chiến lược là tập trung giải phóng miền Nam trong năm 1975.

Thắng lợi của chiến dịch Trị Thiên - Huế đã đặt căn cứ quân sự liên hợp Đà Nẵng và toàn bộ lực lượng còn lại của Quân đoàn 1 - Quân khu 1 của ngụy đang co cụm trên đất Quảng Đà rơi vào thế bị cô lập hoàn toàn về đường bộ.

Sau khi bị mất các địa bàn Trị Thiên, Quảng Ngãi và phần lớn tỉnh Quảng Nam, toàn bộ lực lượng còn lại của Quân khu 1 và Quân đoàn 1 của Ngụy rút chạy về Quảng Đà.

Thực hiện quyết tâm chiến lược của bộ Chính trị đề ra, quân và dân ta đã đẩy mạnh tiến công địch trên chiến trường Trị - Thiên và các tỉnh ven biển thuộc khu V, gây áp lực, buộc địch phải dồn lực lượng về giữ các thành phố lớn trong đó có Huế và Đà Nẵng.

Thực hiện sự chỉ đạo của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng Tư lệnh, Quân khu Trị Thiên, Quân đoàn 2, Quân khu 5, đã mở chiến dịch Đà Nẵng (từ 26/3 đến 29/3/1975), tiến công tiêu diệt toàn bộ quân địch ở Quảng Đà, không cho chúng có điều kiện củng cố lực lượng và bố trí thế chiến lược mới. Nhằm tiêu diệt lực lượng thuộc Quân đoàn 1 - Quân khu 1 quân đội Sài Gòn co cụm phòng thủ tại Đà Nẵng.

Sau khi mất Huế, lại mất Tam Kỳ (Quảng Ngãi), Nguyễn Văn Thiệu tuyên bố “tử thủ” Đà Nẵng bằng mọi giá và cho rằng sau giải phóng Huế, nếu ta muốn tiến công Đà Nẵng thì phải mất ít nhất một tháng chuẩn bị nhưng chúng đã nhầm.

Để tạo thế cho việc giải phóng thành phố Đà Nẵng, ngay từ khi Chiến dịch Tây Nguyên mở màn, bộ đội địa phương các tỉnh Quảng Ngãi, Quảng Nam, Quảng Đà đã tiêu diệt các mục tiêu nhỏ, lẻ, cắt giao thông, phá kho tàng, tiêu hao lực lượng và phương tiện chiến tranh của địch.

5h30 ngày 28/3/1975, với phương châm “nhanh nhất, kịp thời nhất, táo bạo nhất, nhưng chắc thắng”, trên tất cả các hướng, bộ đội ta mở trận công kích vào thành phố Đà Nẵng.

Pháo 130mm, D74, ĐKB bắn chế áp mãnh liệt các mục tiêu ở Hòn Bằng, Trà Kiệu, sân bay Đà Nẵng, cảng Sơn Trà, sân bay Nước Mặn.

Trong lúc đó, các cánh quân nhanh chóng áp sát thành phố. Đến 15h ngày 29/3, quân ta chiếm lĩnh toàn bộ căn cứ liên hợp Đà Nẵng, bán đảo Sơn Trà, 17h giải phóng hoàn toàn thành phố.

Xe tăng quân giải phóng tiến vào giải phóng Đà Nẵng ngày 29/3/1975. (Ảnh tư liệu/ TTXVN)
Xe tăng quân giải phóng tiến vào giải phóng Đà Nẵng ngày 29/3/1975. (Ảnh tư liệu/ TTXVN)

Như vậy, chỉ trong một thời gian rất ngắn, quân và dân ta đập tan hệ thống phòng thủ của địch, giải phóng 5 tỉnh liên hoàn là Quảng Trị, Thừa Thiên, Quảng Đà, Quảng Nam và Quảng Ngãi, trong đó có hai thành phố lớn là Huế và Đà Nẵng.

Kết thúc chiến dịch, ta loại khỏi vòng chiến đấu 120.000 tên địch, làm tan rã 130.000 phòng vệ dân sự, tiêu diệt và làm tan rã 3 sư đoàn bộ binh (Quân đoàn 1), sư đoàn thủy quân lục chiến (tổng dự bị), 4 liên đoàn biệt động quân, 4 thiết đoàn, 1 sư đoàn không quân; thu 129 máy bay, 179 xe tăng, 327 khẩu pháo, hơn 1.100 xe quân sự và tàu, xuồng...

Mất Đà Nẵng, chính quyền Sài Gòn đã mất đi chiến địa cuối cùng, mất đi bãi đổ bộ mà Thiệu vẫn mơ tưởng đến hình ảnh những hạm đội Mỹ đáp xuống để cứu nguy. Đòn tiến công Đà Nẵng thực sự đã đẩy quân Ngụy vào tình thế tuyệt vọng, tạo điều kiện cho ta đẩy nhanh cuộc Tổng tiến công chiến lược.

Ngay trong đêm 29/3/1975, khi Đà Nẵng vừa được giải phóng, các hãng tin phương Tây đã bình luận: “Việc Đà Nẵng thất thủ, kể từ đây sự sụp đổ của chế độ Sài Gòn chỉ tính bằng ngày và giờ”.

Nét độc đáo về nghệ thuật chọn hướng

Thắng lợi của Chiến dịch Đà Nẵng là kết quả của nghệ thuật tạo và nắm thời cơ, chớp thời cơ, sự nhạy bén, táo bạo, mau lẹ trong chỉ đạo, chỉ huy ở cấp chiến lược, chiến dịch và chiến thuật.

Ta đã căn cứ vào hướng và mục tiêu chiến lược, tình hình địch, ta, thế bố trí của địch, địa hình, từ đó, Bộ tư lệnh chiến dịch đã lựa chọn chính xác hướng và mục tiêu tiến công chủ yếu.

Chiến dịch Đà Nẵng được hình thành và kế thừa bước phát triển nhảy vọt của chiến dịch Tây Nguyên và Trị - Thiên. Vì thế, ngay sau khi Bộ Chính trị hạ quyết tâm tiêu diệt toàn bộ Quân đoàn 1 Ngụy, giải phóng Đà Nẵng để đáp ứng diễn biến mau lẹ của chiến trường, Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng Tư lệnh đã thành lập Đảng ủy và Bộ Tư lệnh Chiến dịch; tổ chức xây dựng phương án tác chiến chiến dịch; đồng thời, chỉ đạo Quân đoàn 2 và Quân khu 5 tổ chức sở chỉ huy tiền phương trên các hướng.

Chính nhờ cách tổ chức chỉ huy linh hoạt, sáng tạo này, nên khi Bộ Tư lệnh Chiến dịch di chuyển vào chiến trường, Bộ Tổng Tư lệnh vẫn chỉ đạo các hướng chiến dịch xử trí kịp thời các tình huống phức tạp trong quá trình tiến công. Điển hình là ngày 27/3/1975, phát hiện địch có thể rút chạy khỏi Đà Nẵng, trong khi các đơn vị chiến dịch đang đánh chiếm mục tiêu vòng ngoài, Bộ Tổng Tư lệnh đã chỉ thị cho Quân đoàn 2 và Quân khu 5 cần có những biện pháp đặc biệt nhanh chóng tiến công địch, bỏ qua các mục tiêu dọc đường, đánh vào Đà Nẵng nhanh nhất, kịp thời nhất, táo bạo nhất với những lực lượng chuyển tới sớm nhất.

Cùng với đó, công tác tổ chức hiệp đồng tác chiến dịch được tiến hành chặt chẽ, linh hoạt và nghiêm túc. Trong điều kiện thời gian rất gấp, Bộ Chỉ huy chiến dịch phải vừa cơ động, vừa chuẩn bị, hoàn chỉnh quyết tâm chiến đấu và điều chỉnh lực lượng, nhưng việc hiệp đồng và chấp hành kế hoạch tác chiến mà Chiến dịch đề ra vẫn được thực hiện triệt để và đúng yêu cầu.

Mọi hoạt động của các đơn vị tham gia Chiến dịch, như: Bộ binh, pháo binh, xe tăng, cao xạ,… diễn ra nhịp nhàng, ăn khớp. Đây là nét nghệ thuật quân sự đặc sắc mà trước đó chưa có chiến dịch nào đạt được.

Điều đó có được là do Bộ Tổng Tư lệnh đã tổ chức, lựa chọn đội ngũ chỉ huy và cơ quan chiến dịch là những cán bộ thông thạo địa bàn, luôn bám sát thực tiễn chiến trường để tổ chức và chỉ huy chiến đấu; sự bảo đảm thông tin thông suốt giữa Bộ Tổng Tham mưu - cơ quan chỉ huy tác chiến chiến lược với Bộ Tư lệnh và các đơn vị tham gia chiến dịch.

Nét đặc sắc của nghệ thuật quân sự trong chiến dịch Đà Nẵng còn được thể hiện khi lần đầu tiên ta tổ chức lực lượng thọc sâu quy mô cấp trung đoàn tăng cường trong tác chiến chiến dịch.

Mặc dù việc bảo đảm cho lực lượng thọc sâu còn hạn chế, nhưng do chỉ huy trên các hướng có quyết tâm cao, quyết đoán, xử trí nhanh các tình huống; trong đó, đã táo bạo tận dụng thế trận chiến tranh nhân dân để tạo sức mạnh thọc sâu vào mục tiêu chủ yếu.

Vì thế, Chiến dịch đã kịp thời tiêu diệt một lực lượng lớn quân địch, không cho chúng rút chạy, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Thắng lợi của Chiến dịch tiến công Đà Nẵng cùng với đòn tiến công Tây Nguyên, chiến dịch Nam - Ngãi và chiến dịch Trị - Thiên, thắng lợi của chiến dịch này đã làm thay đổi hẳn so sánh lực lượng về mặt chiến lược, tạo ra sự nhảy vọt về cục diện chiến tranh hoàn toàn có lợi cho ta.

Chiến dịch tiến công Đà Nẵng đã gây cho địch tổn thất lớn về vật chất, kỹ thuật, tan rã lớn về tổ chức, bế tắc về chiến thuật, chiến lược và quan trọng nhất là suy sụp lớn về tinh thần, đẩy quân ngụy đứng trước nguy cơ sụp đổ hoàn toàn không gì có thể cứu vãn nổi, mở ra cho ta thời cơ, điều kiện mới giải phóng Sài Gòn - Gia Định và giải phóng hoàn toàn miền Nam.

Bộ binh và xe tăng quân giải phóng tiến vào giải phóng Đà Nẵng. (Ảnh: TTXVN)
Bộ binh và xe tăng quân giải phóng tiến vào giải phóng Đà Nẵng. (Ảnh: TTXVN)

Vận dụng chủ động nắm bắt thời cơ trong Chiến dịch Huế - Đà Nẵng vào chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc “từ sớm, từ xa”

Ngày nay, trước những diễn biến phức tạp, khó lường của tình hình thế giới, khu vực, kinh nghiệm về chủ động nắm bắt thời cơ trong Chiến dịch Đà Nẵng vẫn còn nguyên giá trị trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc.

Kế thừa và vận dụng sáng tạo kinh nghiệm đó, yêu cầu đặt ra đối với toàn Đảng, toàn quân và toàn dân là cần phải nắm chắc địch, đánh giá đúng tương quan lực lượng, kịp thời chuyển hóa thế trận, phương thức tác chiến phù hợp.

Nắm chắc địch là phải thấy rõ được bản chất, âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch trên mọi phương diện, trong mọi tình huống; đánh giá đúng đối tượng để xử trí kịp thời các tình huống, đặc biệt trong những thời điểm có tính chất bước ngoặt về chiến lược. Vì vậy, phải quán triệt sâu sắc quan điểm của Đảng về bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Đồng thời, không ngừng bồi dưỡng, nâng cao hiệu quả năng lực dự báo, tham mưu chiến lược về quân sự, quốc phòng, phù hợp với khả năng của đất nước và đối tượng tác chiến, không để bị động, bất ngờ; phát huy tốt vai trò nòng cốt của quân đội trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh, vai trò của cả hệ thống chính trị trong xây dựng “thế trận lòng dân”, thế trận phòng thủ cơ bản quân khu và khu vực phòng thủ tỉnh, thành phố ngày càng vững chắc, phù hợp với sự phát triển của điều kiện kinh tế, xã hội, góp phần tăng cường tiềm lực quốc phòng, sức mạnh phòng thủ đất nước.

Thắng lợi đó khẳng định sự lãnh đạo, chỉ đạo kiên quyết, sáng tạo của Đảng, của Quân ủy Trung ương trong đánh giá tình hình, chuẩn bị chiến trường, xây dựng kế hoạch tác chiến chiến lược, điều chỉnh lực lượng; là nét đặc sắc của nghệ thuật chọn hướng tiến công tiếp tục được kế thừa, vận dụng sáng tạo, linh hoạt vào nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, xây dựng Quân đội “tinh, gọn, mạnh”.

Cán bộ, chiến sĩ toàn quân luôn chủ động, tích cực học tập nâng cao trình độ mọi mặt, nhận thức rõ đường lối quân sự của Đảng, yêu cầu nhiệm vụ cách mạng, nhiệm vụ của quân đội; cảnh giác trước âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, phi chính trị hóa quân đội.

Chiến tranh bảo vệ Tổ quốc trong tương lai (nếu xảy ra), chúng ta sẽ đương đầu với đối tượng tác chiến có tiềm lực quân sự mạnh, lại sử dụng vũ khí công nghệ cao.

Để đánh bại chiến tranh xâm lược của kẻ thù, chúng ta phải tích cực chuẩn bị trong thời bình; xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận chiến tranh nhân dân gắn với thế trận an ninh nhân dân, khu vực phòng thủ…, cùng với việc đẩy mạnh xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân, Quân đội nhân dân vững mạnh, đồng thời đẩy mạnh nghiên cứu phát triển khoa học quân sự, vận dụng sáng tạo những kinh nghiệm trong chiến tranh giải phóng, trong đó có chọn hướng tiến công trong Chiến dịch Đà Nẵng phù hợp với điều kiện mới để giành thắng lợi là điều hết sức quan trọng, cần thiết.

Đại tá, TS Ngô Văn Sỹ, Học viện Chính trị – Bộ Quốc phòng

Tài liệu tham khảo

1. Viện Lịch sử quân sự Việt Nam – Lịch sử chiến dịch Trị - Thiên và chiến dịch Đà Nẵng Xuân 1975, Nxb QĐND, H. 2006.

2. Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam – Lịch sử Nghệ thuật chiến dịch Việt Nam 1945 - 1975, Nxb QĐND, H. 1995.

3. Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam – Lịch sử kháng chiến chống Mỹ, cứu nước 1954 - 1975, Tập VIII, Nxb CTQG, H. 2013.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Chiến đấu cơ Su-34 của quân đội Nga

Thành tích của chiến đấu cơ Su-34 Nga

GD&TĐ - Trong cuộc xung đột đang diễn ra ở Ukraine, các máy bay chiến đấu Su-34 đóng một vai trò then chốt trong chiến dịch trên không của quân đội Nga.
Phố mùa Hạ như một bức tranh đa sắc, tươi vui. Ảnh: Dương Huyên

Tản văn: Ngày phố dịu dàng

GD&TĐ - Phố như một bức tranh đa sắc, tươi vui, một bức tranh lụa e ấp, dịu dàng của vấn vương mùa Hạ. Một ngày phố thật dịu dàng!...