Lăng mộ Tần Thủy Hoàng được tìm thấy bởi những người nông dân khi họ vô tình đào giếng vào năm 1974. Từ đó, lăng mộ của vị hoàng đế đầu tiên trong lịch sử Trung Quốc dần dần được khai quật, tới năm 1999 người ta mới phát hiện ra một chiến binh đất nung có màu sắc trên gương mặt khác lạ với đa số.
Cận cảnh "Chiến binh mặt xanh" trong lăng mộ Tần Thủy Hoàng (Ảnh: k.sina.com.cn).
Cụ thể, "nhân vật" này được tìm thấy khi họ khai quật ở phần hào được đánh số 2 của các chiến binh đất nung thuộc lăng mộ Tần Thủy Hoàng.
Sự khác biệt ở đây là chiến binh đất nung này có da mặt màu... xanh lá cây. Trong khi các chiến binh khác chỉ có màu đất toàn thân thể.
Theo các nhà khoa học thì ban đầu tất cả các chiến binh đều được sơn màu. Cụ thể, phần da mặt của họ thường được sơn màu trắng hoặc màu hồng.
Tuy nhiên qua quá trình tàn phá của thời gian cũng như tác động của ánh sáng Mặt trời khi tiến hành khai quật nên mọi màu sắc ban đầu đều bị biến mất. Chỉ có duy nhất "chiến binh mặt xanh" là còn rõ màu trên da mặt để nhận biết.
"Cổ vật" khác biệt này được các nhà khoa học tìm hiểu rất kỹ (Ảnh: kknews.cc).
Các nhà khảo cổ cũng đã đặt ra giả thiết là có thể màu của da mặt chiến binh này ban đầu không khác gì so với đa số nhưng có thể do yếu tố thời gian, khí hậu hay nguyên do khách quan nào đó đã khiến da mặt của "anh ta" trở thành màu xanh.
Nhưng sau khi áp dụng các biện pháp phân tích thì những nhà khoa học lại kết luận rằng không có yếu tố khách quan nào cả mà đây chính là chủ ý của con người. Chính xác là chiến binh này được chủ động sơn màu xanh lên da mặt ngay từ đầu.
Nguyên nhân là gì?
Việc có một "chiến binh mặt xanh" khiến các nhà khảo cổ lại bắt đầu tìm hiểu nguyên nhân. Các giả thuyết được đưa ra.
Đầu tiên người ta cho rằng đây có thể là... trò đùa của các nghệ nhân. Khi nhận nhiệm vụ sơn màu cho các chiến binh đất nung thì ai đó đã cố tình sơn màu xanh lá cây thay vì màu hồng như thường lệ.
Nhưng giả thuyết này bị nghi vấn rất nhiều, bởi ở thời đại của Tần Thủy Hoàng, không thể vì thiếu sơn hay đùa giỡn mà người ta biến dám làm như vậy, hơn nữa những chiến binh ở đây được xem như có nhiệm vụ canh giữ lăng cho hoàng đế, khi ấy rất cao cả.
Nếu ai đó to gan làm sai thì có thể bị xử tội rất nặng, bởi đây là công trình lớn và được giám sát kĩ càng.
Liệu có sự nhầm lẫn một "tác phẩm" trong quá trình tạo nên hàng nghìn "tác phẩm" (Ảnh : k.sina.com.cn).
Tiếp theo là giả thuyết rằng người thợ sơn đã... nhầm lẫn. Có thể do người này đã mắc sai sót dẫn đến việc sơn các chiến binh đất nung không được như ý, khiến mặt của một "tác phẩm" bị biến sắc.
Thậm chí, có khi người thợ sơn này bị mù màu (cụ thể là những người bị mù màu không phân biệt được màu xanh lá cây và màu đỏ, khi họ nhìn màu đỏ và xanh lá thì như người bình thường nhìn màu đen và trắng) và anh ta đã vô tình quét sơn xanh để làm màu da cho chiến binh này.
Tuy nhiên, giả thuyết này cũng khó, bởi một người như vậy thì số lượng nhầm lẫn sẽ nhiều hơn chứ không dừng lại ở con số 1.
Cuối cùng là giả thuyết được tin tưởng nhất, đó là chiến binh này được chủ động sơn màu xanh bởi anh ta tượng trưng cho một dân tộc thiểu số đang phục vụ trong quân đội nhà Tần lúc ấy.
Trong các loại hình nghệ thuật của Trung Hoa như kinh kịch, hội họa thì mỗi màu sắc trên khuôn mặt tượng trưng cho tính cách, phẩm giá hoặc sắc tộc của nhân vật. Khi hóa trang để diễn xướng đương nhiên cũng dựa theo quan điểm đó.
Và việc "chiến binh mặt xanh" xuất hiện trong mộ Tần Thủy Hoàng là có chủ đích, anh ta sẽ đại diện cho một sắc dân trong đất nước Trung Quốc thống nhất tham gia vào đội quân bảo vệ hoàng đế ở thế giới bên kia. Giả thuyết này có thể coi là giàu tính thuyết phục nhất.