Lăng mộ hơn 2000 năm nhưng không ai có thể vào được
Tần Thủy Hoàng (18 tháng 2 năm 259 TCN - 10 tháng 9 năm 210 TCN), là vị hoàng đế đầu tiên trong lịch sử Trung Hoa, đồng thời ông cũng là một trong những nhân vật quyền lực nhất mà hơn 2000 năm qua, các nhà sử gia, nhà khoa học cũng không thể giải mã được những bí ẩn xung quanh vị hoàng đế này.
Người phụ nữ đứng sau "cạm bẫy chết người" trong lăng mộ Tần Thủy Hoàng: Từ góa phụ giàu có đến kẻ thân cận được vua Tần kính trọng - Ảnh 1.
Theo sử sách ghi lại, Tần Thủy Hoàng là vị hoàng đế tàn độc nhất, ông không chỉ được biết đến là người có công tham vọng thống nhất giang sơn mà còn là người dành cả đời để đi tìm thuốc trường sinh bất lão, muốn sống trường tồn để trị vì thiên hạ.
Năm 1974, giới khảo cổ Trung Quốc đã có phát hiện chấn động khi tìm được đường vào lăng mộ Tần Thủy Hoàng ở Tây An. Bên trong lăng mộ có khoảng 7000 chiến binh đất nung to lớn y như người thật, trên tay có cầm vũ khí sắc nhọn.
Trong đội quân này còn có nhiều xe ngựa và 40000 vũ khí thật bằng đồng.
Theo mô tả của sử gia Tư Mã Thiên, quá trình tìm hiểu về lăng mộ Tần Thủy Hoàng chỉ có thể dừng lại ở đó vì không ai có thể tiến vào sâu hơn, đặc biệt là không thể đến được nơi đặt quan tài của ông.
Các nhà khảo cổ tin rằng, đây không phải là một lăng mộ cổ nghìn năm bình thường vì bên trong có rất nhiều cạm bẫy chết người, đặc biệt dòng sông thủy ngân khổng lồ.
Năm 1980, các nhà khảo cổ đã phân tích mẫu đất ở ngay trên lăng mộ Tần Thủy Hoàng cho thấy hàm lượng thủy ngân ở đây cao gấp nhiều lần bình thường, tỷ lệ cao khoảng 100 lần so với tự nhiên.
Nhà khảo cổ học ở Bảo tàng lịch sử Thiểm Tây tại Tây An cho biết, ước tính bên trong lăng mộ Tần Thủy Hoàng có tới 100 tấn thủy ngân. Tuy nhiên, với thông tin này nhiều người vô cùng thắc mắc, vào thời cổ đại lúc bấy giờ, 100 tấn thủy ngân ấy từ đâu mà có?
Người phụ nữ bí ẩn đằng sau "dòng sông thủy ngân" trong lăng mộ Tần Thủy Hoàng
Tư Mã Thiên có nói trong cuốn sử gia nổi tiếng, ở thời cổ đại, người Trung Quốc chủ yếu khai thác thủy ngân từ những khoáng vật cinnabar (Hgs) hay gọi là Chu Sa.
Vào thời nhà Tần, có một người phụ nữ tên Ba Thanh là một thương gia giàu có, và người này được cho là sở hữu mỏ Chu Sa khổng lồ từ gia tộc nên đã được vua Tần kính trọng.
Tương truyền rằng, Ba Thanh là một phụ nữ bình thường sống vào thời nhà Tần. Sau khi trưởng thành bà được gả vào một gia đình giàu có ở đất Ba Thục (nay thuộc tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc).
Không lâu sau, chồng bà qua đời và để lại khối tài sản to lớn, trong đó bao gồm sản nghiệp mỏ khoáng sản Chu Sa của gia tộc.
Theo nhiều tài liệu ghi chép lại, khoáng sản Chu Sa thời đó không chỉ được dùng để luyện thủy ngân mà còn được dùng để luyện đan trừ tà, hay cũng là một thành phần trong đơn thuốc điều trị an thần.
Thời bấy giờ, vua Tần Thủy Hoàng ráo riết tìm phương thuốc trường sinh bất lão sau khi thống nhất thiên hạ và đây được xem như là "thần dược" với ông.
Trong khi đó, Ba Thanh là người phụ nữ duy nhất thừa kế mỏ khoáng sản Chu Sa, công việc làm ăn của bà ngày càng phát triển, tiếng lành đồn xa và đã truyền đến hoàng cung.
Sau khi tìm được Ba Thanh, vua Tần đã được toại nguyện khi sở hữu được lượng thủy ngân khổng lồ, không những thế bà còn quyên góp tiền bạc giúp vị hoàng đế xây dựng, trùng tu Vạn Lý Trường Thành.
Ngày xưa, người Trung Quốc cổ đại không nghĩ rằng thủy ngân là chất độc hại có thể gây chết người. Có thể nói, lượng thủy ngân cùng hàng loạt cạm bẫy bên trong lăng mộ Tần Thủy Hoàng là một trong những lý do khiến các nhà khoa học không thể đột nhập vào được.
Ngoài ra, các nhà khảo cổ còn lo ngại rằng, đối với lăng mộ ngàn năm này, một khi hơi ẩm và không khí lọt vào bên trong sẽ khiến những vết tích tàn dư bị hủy hoại vĩnh viễn, nên đó là nguyên nhân họ không dám liều lĩnh mạo phạm.