Triển lãm đã giới thiệu 76 hiện vật của hai nhà sưu tập tư nhân đến từ TP HCM là Trần Đình Sơn và Nguyễn An Tuấn.
Đây là bộ sưu tập những tác phẩm mỹ thuật Cổ Phật giáo và Hindu giáo thuộc sở hữu tư nhân lần đầu tiên được công bố, chứa đựng những giá trị cao về lịch sử, văn hóa nghệ thuật của khu vực miền Trung, Đông Nam Bộ, Đồng bằng sông Cửu Long.
Những kiệt tác này chính là nguồn tư liệu quý giá, giúp bổ sung, củng cố thêm những bằng chứng về sự hiện diện từ khá sớm của các tộc người – là chủ nhân của nền văn hóa cổ Chăm Pa, Óc Eo và hậu Óc eo.
Các đặc trưng phong cách nghệ thuật của những tác phẩm trong bộ sưu tập đã thể hiện rõ tính kế thừa và xuyên suốt trong quá trình hình thành, phát triển đời sống tinh thần khá phong phú gắn liền với tín ngưỡng, tôn giáo của cư dân cổ trên vùng đất này cách đây hàng thế kỷ.
Nhà nghiên cứu, sưu tầm cổ vật Trần Đình Sơn cho biết: Mỹ thuật cổ Phật giáo và Hindu giáo khu vực phía Nam hình thành và phát triển gắn liền với hai nền văn hóa lớn: Văn hóa Chămpa và văn hóa Óc Eo - hậu Óc Eo. Hầu hết các tác phẩm mỹ thuật cổ còn lại đến ngày nay đều có nguồn gốc từ khu vực miền Trung, vùng Đông Nam Bộ và đồng bằng sông Cửu Long trên lãnh thổ Việt Nam.
Đại đa số các tác phẩm thể hiện dưới dạng tượng tròn, phù điêu, bán phù điêu. Nguyên liệu dùng để chế tác chủ yếu là sa thạch, gỗ và kim loại. Để hoàn thành một tác phẩm nghệ nhân phải trải qua nhiều công đoạn từ việc phác thảo, tạo hình, tiến hành chạm khắc gia công khuôn đúc và làm nhẵn.
Chủ đề chính của những tác phẩm điêu khắc gỗ Phật giáo và Hindu giáo là hình tượng các vị Phật, Bồ Tát, các vị thần và linh vật trong huyền thoại Ấn Độ như Shayamuni, Vichusu, Shiva, Brahma... Ngoài ra còn có một số tác phẩm dùng trong thờ cúng được chế tác bằng bạc như các loại đồ dùng được tạo dáng thanh bai và được chạm khắc tinh xảo.
Qua những hiện vật trưng bày, có thể thấy rằng giai đoạn phát triển rực rỡ nhất của nghệ thuật điêu khắc cổ Phật giáo và Hindu giáo ở đây là từ thế kỷ VI đến thế kỷ thứ VIII. Sự đa dạng về loại hình và hình thức thể hiện đã phản ánh sự giao thoa và đan xen từ các phong cách nghệ thuật khác nhau, trong đó chủ yếu là nghệ thuật Ấn Độ. Mặc dù vậy, những tác phẩm điêu khắc được phát hiện vẫn thể hiện rõ xu hướng hiện thực và mang tính bản địa hóa trên cơ sở kế thừa những hình tượng tôn giáo Ấn Độ.
Về loại hình không chỉ có tượng, biểu tượng Thần, Phật mà còn nhiều hình tượng linh vật khá phổ biến trong điện thờ Phật Giáo và Hindu giáo, đặc biệt trong các di chỉ thuộc văn hóa Óc Eo đã tìm thấy những pho tượng phật bà Bồ tát có kích thước khá lớn, độc đáo giống như những tác phẩm đã phát hiện tại di tích Đồng Dương (Quảng Nam), Mỹ Tú (Sóc Trăng), Gò Tháp (Đồng Tháp), Trà Cú (Trà Vinh)... Điều này cho thấy nhiều khả năng nơi đây đã từng tồn tại những công trình kiến trúc Phật giáo hoành tráng.
Sự có mặt của những tác phẩm điêu khắc cổ Phật giáo và Hindu giáo trên vùng đất này thông qua các con đường giao lưu, trao đổi những vật phẩm bằng đường biển, hoặc theo chân các nhà truyền giáo đã góp phần làm giàu thêm văn hóa bản địa và là một trong những động lực quan trọng thúc đẩy sự hình thành, phát triển các trung tâm tôn giáo-văn hóa-kinh tế.
Mộ số hình ảnh về bộ sưu tập những tác phẩm mỹ thuật Cổ Phật giáo và Hindu giáo thuộc sở hữu tư nhân lần đầu tiên được công bố: