Chiêm ngưỡng bộ rìu đá 80 vạn năm ở Việt Nam

GD&TĐ - Không chỉ là hiện vật có niên đại lâu đời nhất, công cụ sơ kỳ Đá cũ An Khê còn là bộ sưu tập rìu đá duy nhất trong danh sách 265 bảo vật quốc gia.

Khai quật di tích khảo cổ Rộc Tưng - An Khê. Nguồn ảnh: Bảo tàng tỉnh Gia Lai.
Khai quật di tích khảo cổ Rộc Tưng - An Khê. Nguồn ảnh: Bảo tàng tỉnh Gia Lai.

Sưu tập công cụ sơ kỳ Đá cũ An Khê gồm 10 hiện vật, trong đó có 4 rìu tay, một số là rìu ghè một mặt và các công cụ mũi nhọn được công nhận bảo vật quốc gia (đợt 11, năm 2022).

Bộ sưu tập này được các nhà khảo cổ trong đoàn khảo sát hợp tác Việt Nam - Liên bang Nga phát hiện trong quá trình thám sát và khai quật khảo cổ từ năm 2014 đến 2019.

Mốc mở đầu lịch sử Việt Nam

Rìu tay sơ kỳ Đá cũ An Khê. Nguồn ảnh: Bảo tàng tỉnh Gia Lai.

Rìu tay sơ kỳ Đá cũ An Khê. Nguồn ảnh: Bảo tàng tỉnh Gia Lai.

Quần thể di tích khảo cổ sơ kỳ Đá cũ An Khê gồm 5 địa điểm: Gò Đá, Rộc Tưng, Rộc Gáo, Rộc Lớn và Rộc Hương. Đến năm 2018 phát hiện thêm 19 địa điểm. Trong đó, di tích Gò Đá được khai quật 2 lần vào các năm 2015 và 2016 với tổng diện tích 94m2, di tích Rộc Tưng được khai quật 3 điểm với tổng diện tích 388m2.

Các cuộc khai quật này do cán bộ Viện Khảo cổ học, Sở VH,TT&DL Gia Lai, Viện Khảo cổ học - Dân tộc học Novosibirsk, Viện Hàn lâm Khoa học Liên bang Nga phối hợp thực hiện trong các năm 2015 - 2016.

Theo tư liệu hiện vật từ Bảo tàng tỉnh Gia Lai, bộ sưu tập công cụ sơ kỳ Đá cũ An Khê nằm trong địa tầng có niên đại địa chất sơ kỳ Pleistocene và niên đại đồng vị phóng xạ trung bình cách ngày nay 800.000 năm. Tất cả 10 hiện vật trong bộ sưu tập đều tìm thấy trên địa bàn thị xã An Khê.

Trong đó, rìu tay Gò Đá được phát hiện vào tháng 6/2014 tại phường An Bình, rìu tay Rộc Tưng phát hiện tháng 11/2015 tại xã Xuân An, rìu tay Rộc Lớn phát hiện tháng 3/2016 tại phường An Phước, rìu tay Rộc Gáo phát hiện tháng 3/2016 tại phường Ngô Mây.

Ngoài ra, còn các hiện vật rìu ghè một mặt Rộc Lớn, mũi nhọn Rộc Tưng, mũi nhọn tam diện Rộc Tưng 10, mũi nhọn tam diện Rộc Hương, mũi nhọn tam diện Gò Đá và mũi nhọn tam diện Rộc Tưng 4.

Theo Bảo tàng tỉnh Gia Lai, kết quả khai quật các địa điểm Gò Đá, Rộc Tưng 1, Rộc Tưng 4, Rộc Tưng 7 và đào thám sát 20 địa điểm khác tại An Khê còn thu được trên 2.000 hiện vật đá, khoảng 600 mảnh tectite trong địa tầng nguyên vẹn. Các di tích và di vật ở đây đã xác nhận sự hiện diện kỹ nghệ sơ kỳ Đá cũ An Khê.

Sưu tập công cụ sơ kỳ Đá cũ An Khê là hiện vật gốc, được tìm thấy trong các địa điểm khảo cổ học tiêu biểu của kỹ nghệ sơ kỳ Đá cũ An Khê. Đây cũng là những chiếc rìu tay - công cụ ghè một mặt và ghè hai mặt nguyên vẹn, độc bản không giống với bất kỳ công cụ nào do người nguyên thủy chế tác cách đây 80 vạn năm ở An Khê nói riêng và Việt Nam nói chung.

Sau khi phát hiện và thẩm định các hiện vật, vào tháng 3/2019 Hội thảo khoa học quốc tế về kỹ nghệ đá cũ An Khê diễn ra. Theo bảo tàng tỉnh Gia Lai, các chuyên gia nhận định thời điểm mở đầu lịch sử Việt Nam là 50 vạn năm với sự xuất hiện người đứng thẳng (Homo erectus) ở Thẩm Khuyên và Thẩm Hai (Lạng Sơn). Tuy nhiên, với sự xuất hiện của bộ rìu tay An Khê đã thay đổi thời điểm mở đầu của lịch sử Việt Nam là 80 vạn năm.

Bởi vậy hiện nay, hồ sơ bảo vật khẳng định bộ sưu tập công cụ sơ kỳ Đá cũ An Khê là bằng chứng về văn hóa của cộng đồng cư dân sơ kỳ đá cũ cách đây khoảng 80 vạn năm - cũng là mốc mở đầu của lịch sử Việt Nam.

“Đánh tan” giả thuyết cũ

Rìu ghè một mặt và các công cụ mũi nhọn sơ kỳ Đá cũ An Khê.

Rìu ghè một mặt và các công cụ mũi nhọn sơ kỳ Đá cũ An Khê.

Bảo tàng tỉnh Gia Lai cho rằng, việc phát hiện bộ sưu tập công cụ sơ kỳ Đá cũ An Khê là bằng chứng bác bỏ quan điểm của H.Movius đưa ra hơn 70 năm trước, khi ông chia lịch sử nhân loại thành 2 vùng Đông và Tây đối lập nhau.

Ở phương Tây phổ biến rìu tay có hình dáng cân đối, quy chuẩn, thể hiện cho sự tiến bộ, năng động. Trong khi đó phương Đông tồn tại lâu dài kỹ nghệ cuội ghè đẽo chopper - chopping, thô sơ và phụ thuộc vào hình dáng tự nhiên của hòn cuội, thể hiện cho khu vực bảo thủ, trì trệ, lạc hậu.

Bởi vậy, việc phát hiện rìu tay An Khê là cơ sở để xem xét lại giả thuyết của H.Movius, cũng như quá trình tiến hóa của nhân loại trên cựu lục địa trong giai đoạn sơ kỳ đá cũ toàn cầu.

Thông tin từ Bảo tàng tỉnh Gia Lai cũng cho biết, năm 2021 sau khi tiếp nhận các công cụ rìu tay do Trung tâm Văn hoá, Thông tin và Thể thao thị xã An Khê bàn giao, bảo tàng tiến hành sưu tầm, nghiên cứu tài liệu xây dựng hồ sơ đề nghị công nhận cổ vật và sau đó là bảo vật quốc gia.

Đến cuối năm 2022, hồ sơ đề nghị công nhận bảo vật quốc gia đã được gửi đến Cục Di sản Văn hoá. Cùng với Phù điêu Phật Chămpa Tây Nguyên, bộ sưu tập công cụ sơ kỳ Đá cũ An Khê là 1 trong 2 bảo vật quốc gia hiện đang được Bảo tàng tỉnh Gia Lai lưu giữ và trưng bày với hai mục đích: Tạo điều kiện cho giới khảo cổ trong và ngoài nước nghiên cứu, phát huy giá trị di sản. Đồng thời góp phần phát triển du lịch bền vững gắn với chiến lược phát triển kinh tế xã hội vùng Tây Nguyên.

Sau hội thảo cấp quốc tế vào tháng 3/2019, Bảo tàng tỉnh Gia Lai tiến hành xây dựng hồ sơ cho Quần thể di tích khảo cổ sơ kỳ đá cũ Rộc Tưng - Gò Đá đề nghị xếp hạng cấp quốc gia. Vào tháng 11/2020, Bộ trưởng Bộ VH,TT&DL đã ký Quyết định số 3237/QĐ-BVHTTDL về việc xếp hạng di tích đối với quần thể này và chứng minh tầm quan trọng của thời điểm mở đầu lịch sử Việt Nam.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa INT.

Môn học công cụ

GD&TĐ - Theo kết quả kỳ thi học sinh giỏi quốc gia lớp 12 năm học 2024 - 2025, Hà Nội vẫn dẫn đầu cả nước về số lượng học sinh đoạt giải.