Chiếc nón của người Việt xưa

GD&TĐ - Theo nhà nghiên cứu Gustave Dumoutier, loại nón phụ nữ đẹp nhất xuất xứ từ Nghệ An, gọi là nón nghệ, bên trong trang trí bằng những sợi tơ đan chéo nhau, và những con chim én bằng nhựa trong...

Thợ làm nón thời xưa qua tranh.
Thợ làm nón thời xưa qua tranh.

Học giả Phan Kế Bính, khi viết cuốn “Việt Nam phong tục” đầu thế kỷ XX, trong Chương 27 - Cách phục sức, chỉ mô tả khá sơ lược về chiếc nón đội đầu của người dân nước ta: “Nón đội thì là nón dứa, nón sơn, nón lông, ít nay thì che ô nhiều”.

Cuối phần này, Phan Kế Bính viết: “Còn như nón đội, giày dép đi, cũng nên đổi dần kiểu cách khác thì mới tiện, chớ đội nón bẻ nón nghệ, đi dép bụi lầm chân, kéo giê một cái thì đứt quai, mà đi chưa khéo thì vấp ngã, cũng là chưa tiện”.

Trong khi đó, các tác giả người Pháp quan sát cái nón của người dân Việt kỹ hơn và mô tả chi tiết hơn.

Như trong tập ký sự hành trình “Một chiến dịch ở Bắc kỳ”, viên bác sĩ quân y Charles-Édouard Hocquard đã tả kỹ càng về phong cách thời trang nón của những người Bắc kỳ xưa: “Nó có hình dáng như cái nắp đậy tròn, đường kính khoảng sáu mươi, bảy mươi centimét. Mỗi bên đính một chùm sáu hoặc bảy dây lụa thêu, dày như ống đựng bút, và thắt lại ở giữa ngực tạo thành dây quai nón dài xuống ngực. Ở chỗ buộc dây lụa và hai bên chiếc nón là hai quả tua bằng lụa đen hoặc vải mộc rất to, trông như hai cái tai khổng lồ vậy”.

Cách chế tác nón được

Hocquard tả như sau: “Đặc biệt, chất liệu để làm nón đa phần bằng lá cọ, rồi nhờ sự khéo léo của bàn tay con người mà thành, phía trong lót một lớp lưới mắt cáo mỏng bằng cói, giá thành rất đắt, nhất là khi chúng được trang trí hai móc bấm bằng bạc chạm trổ để treo quả tua bằng lụa.

Tác giả cho biết thêm: “Nhiều phụ nữ dán trong chiếc nón một mảnh gương tròn nho nhỏ để soi mỗi khi họ bắt đầu ra phố và khi cần sửa sang lại khăn đội đầu. Chiếc nón còn là một phần phục trang mà những cô gái thanh lịch chăm chút nhất. Một số nón có giá không dưới mười đến mười lăm piastre (bốn lăm đến năm mươi franc)”.

Còn Gustave Dumoutier, nhà giáo dục, nghiên cứu nhân học và dân tộc học, trong cuốn “Tiểu luận về dân Bắc kỳ” viết vào đầu những năm 1900, cho biết: “Dân An Nam có hai loại nón là nón bằng cho phụ nữ và nón nhọn cho nam giới”.

Ông ta mô tả chi tiết: Nón bằng có dạng giống như bánh pho mát Gruyère, hay một chiếc bánh xe nhỏ. Nón làm bằng lá cây cọ, và không có chiếc nào được làm thực sự khéo tay. Lá cọ dùng trong việc chằm nón là loại lá tuyển, hầu như có khắp nơi, ít ra ở vùng đồng bằng Bắc kỳ, thượng du sông Hồng, đặc biệt ở phủ Lâm Thao, vùng có rất nhiều cây cọ.

Là nhà khoa học, nên Dumoutier cho độc giả hiểu cặn kẽ về nguyên liệu làm nón: Không phải bất cứ cây cọ nào cũng có thể lấy lá làm nón. Loại cây lá được ưa chuộng nhất là cây lá gồi – cây thường có chiều cao từ bảy tới tám mét và mỗi năm chỉ sinh ra độ một chục lá. Phải chờ mười năm cây mới đủ lớn và lá mới dùng được. Lá đẹp nhất giá khoảng 12 quan Pháp một thiên (một nghìn), loại thường 8 quan.

Người ta cắt lá khi lá già, tức là đã phát triển đủ cỡ và có màu xanh lục đẹp mắt. Người ta làm cho lá biến thành màu trắng bằng cách hơ trên bếp lửa không khói trong ba hoặc bốn ngày, hoặc phơi nắng 15 ngày. Sau đó bó thành bó một trăm lá, bán nguyên như vậy cho người làm nón với giá trung bình sáu quan một bó.

Lá cọ dài khoảng một mét, được gấp theo hình nhài quạt. Khởi sự thợ cắt đầu lá khoảng một phần ba chiều dài; phần này, với những khúc dài có răng cưa tẽ ra, dùng làm phần lót hay cái khuôn ban đầu của nón. Người ta lợp lớp lá thứ hai lên trên, với cuống và sống lá, là phần đẹp, trơn tru và bền nhất.

Trước hết những phần khác nhau của chiếc nón được xếp trên một bộ sườn rất nhẹ gồm những vòng tròn bằng nan tre và chằm bằng sợi thớ thảo mộc, có độ đàn hồi chút ít và rất bền, lấy từ một giống cây đặc biệt. Những sợi này trông giống lông đuôi ngựa, vừa cứng vừa dễ thao tác.

Chỉ cần hai tàu lá là đủ làm một chiếc nón. Một tay thợ làm một chiếc nón phụ nữ mất hai ngày, nhưng thợ làm nón phụ nữ không làm nón nam. Tuy nhiên thợ làm nón phụ nữ cũng chế những chiếc nón không sơn, có hình dáng hơi khum hoặc nhọn, dành cho phu phen, hoặc nông dân, gọi là nón long châu.

Loại nón phụ nữ đẹp nhất xuất xứ từ Nghệ An, gọi là nón nghệ, bên trong trang trí bằng những sợi tơ đan chéo nhau, và những con chim én bằng nhựa trong. Thông dụng nhất là nón lá tụy. Dân Hà Nội chế loại nón trung bình, rộng hơn nón Nghệ An, gọi là nón ba tầm.

Nón chóp nhọn được ưa thích nhất có xuất xứ từ Quảng Nam, còn gọi là nón lá dứa. Người Bắc kỳ thường phủ lên trên nón một lớp sơn để chống thấm.

Tác giả người Pháp còn mô tả thêm một loại nón nữa được phủ thêm một lớp tấm đan mỏng, bện thành hình chóp, là thứ đặc sản của làng Kẻ Giám, huyện Thanh Trì. Nón này được quét thêm một lớp sơn, trên đỉnh gắn một cái chóp bằng thiếc trắng. Hà Nội cũng chế loại nón sang trọng, phủ một lớp lông dài màu đen, cứng, xếp chồng lên nhau theo kiểu lông đuôi chim. Các quan viên hay nhân viên xứ bảo hộ dùng loại này.

Nón nhà sư còn gọi là nón thầy tu, có kích thước rộng quá khổ, xuất xứ từ huyện Thanh Oai, được chế bằng thứ lá thô nhất, đúng ra do thợ đan rổ rá hơn là thợ làm nón làm, giá rất rẻ. Thợ Hà Nội cũng làm nón nhà sư. “Ngày xưa đây là loại nón bắt buộc phải đội khi có đại tang. Ngày nay (đầu thế kỷ XX), tục lệ này đã bị bỏ phần nào.

Người để đại tang ưa đội loại nón không sơn, gọi là nón lá”, ông bổ sung và cho biết thêm: “Ngày xưa, nón đám cưới của con gái nhà giàu cũng có hình dáng và kích cỡ như nón nhà sư, nhưng được làm rất công phu, có quai thao bằng lụa. Nón này xuất xứ từ Nghệ An”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Sự tự đánh giá của một đứa trẻ trước hết xuất phát từ sự đánh giá của người khác về trẻ, và điều quan trọng nhất là sự đánh giá của cha mẹ. (Ảnh: ITN).

Lý do cha mẹ cần tin tưởng con

GD&TĐ - Để giáo dục và rèn luyện tốt cho trẻ một cách cơ bản, chúng ta nên nuôi dưỡng ý thức về giá trị bản thân của trẻ ngay từ khi còn nhỏ.

Văn khấn rằm tháng 10 Âm lịch năm 2024

Văn khấn rằm tháng 10 Âm lịch năm 2024

GD&TĐ - Theo truyền thống, vào ngày 15/11 âm lịch, các gia đình thường chuẩn bị lễ cúng gia tiên cùng bài văn khấn để nguyện cầu sức khỏe, bình an.

Cô Đỗ Thị Hồi trong giờ lên lớp.

'Quả ngọt' của cô giáo vùng khó

GD&TĐ - Cô Đỗ Thị Hồi, Trường TH Lạc Hòa 1 (TX Vĩnh Châu, Sóc Trăng) là nữ giáo viên đầu tiên của tỉnh được tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân.