Chiếc bát giá 21 tỉ và 'kho báu' thời Nguyễn

GD&TĐ - Cuối tháng 6/2022, nhà đấu giá Gazette Drouot (Pháp) đã đấu giá thành công chiếc bát ngọc của vua Tự Đức với giá gần 21 tỉ đồng.

Các chi tiết tạo tác cực kỳ tinh tế.
Các chi tiết tạo tác cực kỳ tinh tế.

Phiên đấu giá “Bộ sưu tập Nam Phương - Hoàng hậu cuối cùng của Việt Nam - Mỹ thuật châu Á” diễn ra tại Pháp khiến nhiều nhà sưu tập quốc tế sửng sốt về “kho báu ngọc” của Việt Nam.

Ngọc báu trời cho

Nhà đấu giá Gazette Drouot cho biết, chiếc bát ngọc có đường kính 14,5 cm, cao 6,2 cm, với phần miệng bằng vàng. Bát làm bằng ngọc bích, phần thân khắc nổi hai con rồng đang bay lượn trên mây tìm ngọc thiêng. Phía ngoài của đáy bát có dấu triện “Tự Đức niên tạo”.

Mức giá khởi điểm của chiếc bát ngọc được cho của vua Tự Đức có giá khởi điểm 30.000 - 50.000 euro (735 triệu - 1,2 tỉ đồng). Tại phiên đấu, qua nhiều lần trả giá, một nhà sưu tầm đã mua chiếc bát ngọc này với giá 845.00 euro (gần 21 tỉ đồng).

Nhà nghiên cứu cổ vật Trần Đức Anh Sơn cho rằng, cổ vật thời Nguyễn, bất kỳ chất liệu gì cũng đang được giới sưu tầm thế giới đặc biệt quan tâm và mua bán với giá cao bất ngờ. Đây là tín hiệu vui cho những nhà sưu tầm đang sở hữu cổ vật thời Nguyễn.

Theo ông Sơn, Việt Nam đang sở hữu “kho báu ngọc” - được bảo quản tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam. Đây cũng là bảo tàng sở hữu nhiều cổ vật thời Nguyễn giá trị nhất. Trong đó, cổ ngọc thời Lê - Nguyễn chiếm số lượng lớn nhất trong sưu tập.

Ngoài phần sưu tầm trước năm 1954 của Bảo tàng Louis Finot, phần chủ yếu có nguồn gốc từ cung đình Huế. Đây là cổ ngọc nằm trong số bảo vật triều Nguyễn được Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tiếp nhận sau Cách mạng Tháng 8/1945.

Nhóm cổ ngọc đặc biệt quan trọng là 18 chiếc ngọc tỷ bao gồm 2 chiếc thuộc thời Lê Trung Hưng (thế kỷ 18); 3 chiếc đời vua Minh Mạng; 3 chiếc đời vua Thiệu Trị; 2 chiếc đời vua Tự Đức; 2 chiếc đời vua Khải Định và 6 chiếc thuộc loại “đồ thư văn bảo”. Những ngọc tỷ này được chạm khắc, mài giũa bằng nhiều loại ngọc khác nhau, với các màu sắc ngọc xanh sẫm, ngọc xanh nhạt hay ngọc trắng.

Bát ngọc của vua Tự Đức được đấu giá gần 21 tỉ.

Bát ngọc của vua Tự Đức được đấu giá gần 21 tỉ.

Ngọc tỷ truyền quốc

Trong số bảo vật tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, đáng chú ý nhất là ngọc tỷ “Vạn thọ vô cương”. Tương truyền do một người dân đào đất tìm được đem dâng lên vua Minh Mạng. Vua cùng triều thần vô cùng mừng rỡ, lập tức xuống chỉ cho dùng ngọc tỷ này đóng lên các ân chiếu, cáo văn khánh tiết trong lễ vạn thọ.

Nhiều câu chuyện trong sử cũ còn lưu truyền về việc người dân tìm được ngọc quý dâng lên nhà vua như năm 1837, có người dâng viên ngọc trắng lên vua Minh Mạng, nhà vua sai làm ngọc tỷ “Hành tại chi tỷ”. Năm Minh Mạng 20 (1839), đúng khi vương triều đổi quốc hiệu là Đại Nam, lại có người dân dâng ngọc quý. Nhà vua liền ra lệnh cho khắc ngọc tỷ “Đại Nam thiên tử chi tỷ”.

Ấn ngọc triều Nguyễn.

Ấn ngọc triều Nguyễn.

Với nhiều loại ngọc quý màu sắc khác nhau, Việt Nam đang sở hữu số lượng ngọc vô cùng đa dạng.

Với nhiều loại ngọc quý màu sắc khác nhau, Việt Nam đang sở hữu số lượng ngọc vô cùng đa dạng.

Ấm ngọc trắng, miệng - nắp bịt vàng.

Ấm ngọc trắng, miệng - nắp bịt vàng.

Năm 1844, vua Thiệu Trị nhận được từ người dân dâng lên 2 viên ngọc quý, nhà vua liền ra lệnh khắc 2 ngọc tỷ, hoàn thành ngay trong năm ấy - là ngọc tỷ “Thần hàn chi tỷ” và “Đại Nam hoàng đế chi tỷ”.

Đặc biệt là vào năm Thiệu Trị 6 (1846), có người dâng lên vua một viên ngọc cực lớn, vốn là sản vật của núi ngọc huyện Hòa Điền vùng đất Quảng Nam. Vua mừng rỡ sai quan Hữu tư giũa mài thành ngọc tỷ, một năm sau thì xong. Đó là ngọc tỷ “Đại Nam thụ thiên vĩnh mệnh truyền quốc tỷ”.

“Những ngọc tỷ đó chẳng những là những bảo vật truyền quốc, mà còn khẳng định nguyên liệu ngọc quý đã tìm được ở Việt Nam. Đồng thời chứng minh tài năng và kỹ thuật tạo tác do nghệ nhân cung đình Huế thực hiện”, ông Sơn cho biết.

Trong sưu tập bảo vật triều Nguyễn, có nhiều loại hình đáng chú ý không chỉ phản ánh kỹ thuật tinh tế, mà còn thể hiện sự khéo léo khi kết hợp giữa ngọc với vàng, bạc, đồi mồi. Bảo kiếm của vua cùng với “kim ngọc bảo tỷ” là biểu trưng cao quý nhất cho quyền lực quốc gia.

Chuôi kiếm được tạo từ ngọc trắng xanh, cùng với vàng chạm, đúc hình rồng mây. Bốn chiếc vương miện của hoàng đế triều Nguyễn mà Bảo tàng Lịch sử Việt Nam mới phục hồi cũng là minh chứng sinh động về việc sử dụng ngọc trang trí trên mũ.

Những đài thờ, chậu ngọc cũng là loại vật dụng điển hình của cung đình Huế. Chẳng hạn chậu ngọc trắng xanh, miệng loe bịt vàng, trang trí nổi hình 2 con dơi ngậm chữ Thọ tròn, trên nền mạng kim quy cẩn đá nhiều màu.

Những chiếc thẻ như ý trắng xám, không chỉ là vật trang trí, mà còn là vật biểu trưng quyền quý nơi hoàng cung. Thẻ được tạo tác hình lá đề, hoa sen và cây cỏ tự nhiên hay hình con dơi và song ngư, con dơi ngậm tiền.

Phiến ngọc “Ngự diên văn bảo” hình chữ nhật có diềm khung nổi chạm hồi văn chữ S đầu vuông. Phiến ngọc tạo bằng ngọc trắng xám, diềm 4 góc và xung quanh chạm hình bướm, hoa dây.

Trong diềm chạm 2 hình rồng uốn mình, đầu ngẩng cao chầu viên bảo ngọc. Chính giữa phiến ngọc khắc nổi 4 chữ triện “Ngự diên văn bảo”. Phiến ngọc này hẳn đã được dùng đặt ở nơi Văn thư phòng - là nơi cơ mật của vua nhà Nguyễn.

Đa dạng bảo ngọc

Đáng chú ý trong sưu tập bảo vật triều Nguyễn còn có nhóm cổ ngọc thuộc Văn phòng tứ bảo. Đó là những vật biểu trưng cho sự sang trọng, tao nhã của bậc quyền quý. Đáng kể nhất là những chiếc nghiên ngọc dùng để mài mực, mài son của vua và quan lại. Chất liệu ngọc dùng chế tác nghiên là loại ngọc xanh ghi, ngọc trắng và ngọc điểm vân xanh.

Trong số những nghiên ngọc này, 4 chiếc có minh văn khắc trên vỏ hộp đựng nghiên hay khắc trực tiếp lên nắp nghiên. Minh văn cho biết chiếc nghiên thứ nhất tạo tác vào năm Tân Sửu, năm đầu niên hiệu Thiệu Trị (1841) với dòng chữ “Ngự chế châu nghiễn thi nhất thủ”.

Ngoài ra, nhóm nghiên mực còn có loại nghiên ngọc trắng tạo hình bầu dục, mặt trên khắc hình chim phượng xòe cánh. Nghiên ngọc màu trắng xanh điểm vân xanh tạo hình theo chiếc lá đào, lưng có gân lá. Mặt nghiên khắc ô chứa mực hình bông hoa 4 cánh. Trong thành phần của bộ Văn phòng tứ bảo còn có các loại hình khác như gác bút, thủy trì, hộp các loại, ống bút, quản bút.

Bộ đồ ăn trầu trang trí phượng có thể xem là một nhóm cổ ngọc hết sức đặc sắc. Theo nguồn gốc ghi trong sưu tập, bộ đồ trầu gồm có 1 khay, 1 ống nhổ và 2 chiếc hộp. Tất cả đều chế bằng loại ngọc trắng xanh và ngọc xanh celadon có kết hợp với vàng và đồi mồi.

Khay trầu hình vuông, 4 mặt chạm khắc giống nhau, thành bên trong lót đồi mồi, thành ngoài chạm khắc 2 chim phượng chầu mặt nguyệt, xung quanh diềm hoa chanh, 3 hình con dơi và hoa lá. Gờ miệng khay bịt vàng. 4 góc chạm hình phượng đứng bằng vàng, cẩn hạt đá sapphire.

Hai chiếc hộp đựng trầu cau, hình trụ có nắp và một ngăn giữa tương tự kiểu dáng các hộp trầu bằng vàng, bạc, đồng hay hộp trầu sứ hoa lam Huế. Riêng nắp hộp to có núm hình nụ hoa bằng vàng gắn hạt sapphire ở giữa. Xung quanh nắp khắc bầu rượu, xênh, khánh ngọc theo đề tài bát bảo của đạo Lão. Xung quanh thành ngoài hộp chạm 3 hình chim phượng bay.

Nếu giả thiết rằng, trang trí hình chim phượng trên các đồ vật thuộc về Hoàng hậu thì chắc hẳn bộ đồ ăn trầu hiếm quý này đã được dùng trong phủ của các bà thuộc Hoàng cung triều Nguyễn.

Một nhóm đồ chế tác bằng ngọc kim sa như bình treo có nắp, quanh thân chạm hình rồng. Cối và chày giã trầu được tạo tác kết hợp với vàng. Đặc biệt, chuôi ấn “Khải Định Đại Nam hoàng đế” cũng được chế tạo bằng ngọc kim sa.

Thuộc nhóm chén trà ngọc trắng xanh còn có những kiểu dáng khác như chén hạt mít, tuy không trang trí hoa văn nhưng rất đều nhau. Chén và đĩa ngọc trắng xanh tạo dáng bông sen và lá sen. Chén miệng loe, ngọc trắng xanh có 2 tai rồng.

Có bộ đĩa chén ngọc trắng xanh, xung quanh chén và trong lòng đĩa chạm khắc hình phượng bay trong mây. Bộ tách có nắp và đĩa ngọc trắng chạm khắc chữ Thọ tròn. Có loại tách, được tạo tác từ các chén ngọc, viền miệng bịt vàng và quai tạo thêm bằng vàng. Trên phần trang trí quai và quanh chén là băng hồi văn như ý và hình rồng mây, kiểu rồng đuôi xoáy.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ