Áo dài cũng trở thành trang phục rất quen thuộc của các nữ giáo viên trong công việc dạy học.
Với môi trường sư phạm, chiếc áo dài đã trở nên thân thương, trở thành niềm tự hào được bao giáo viên, học sinh trân trọng, nâng niu. Bao chiếc áo dài đã trở thành một kỉ niệm đẹp trong đời dạy học của các cô giáo. Nhiều cô giáo đã truyền đến học sinh thông điệp về lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc, tình cảm tri ân quá khứ thông qua trang phục giàu bản sắc văn hoá.
Mỗi chiếc áo dài sẽ kể cho chúng ta một câu chuyện riêng: Chuyện đời, chuyện nghề, chuyện tình người, chuyện cuộc sống. Những buồn vui, trăn trở và lo lắng, khao khát và ước vọng được gói ghém trong vẻ thướt tha, dịu dàng, lụa là của áo dài.
Mẹ tôi cũng là một cô giáo về hưu. Cả một đời khó khăn vất vả toan lo cùng đất nước để theo nghề, giữ nghề. Trong những năm trước và sau đổi mới của bà chỉ quý nhất hai chiếc áo dài kỉ niệm. Chiếc áo đầu tiên màu trắng tinh được thêu tay khéo léo hình bông sen hồng vươn lên trên lá biếc.
Chiếc áo được may thủ công bởi người thợ may già xứ Huế đã cả đời gắn bó với mảnh đất Vĩnh Yên. Chiếc áo cho bà danh phận và niềm hãnh diện, hạnh phúc của cô giáo trong thời buổi cuộc sống còn đầy khó khăn, thiếu thốn. Cô giáo dạy lớp bình dân học vụ ngày ấy chỉ dám mặc áo dài trong những ngày trọng đại rồi cẩn thận cất kĩ trong tủ kín.
Áo dài của mẹ cũng đã làm duyên làm cho các dì khi thành thiếu nữ, rồi trở thành áo cưới của mấy chị em. Bức ảnh mẹ tôi ôm bó hoa lay ơn trong chiếc áo dài trắng, thẹn thùng và hạnh phúc trong ngày cưới sau này được bà phục chế lại và trang trọng gắn lên tường.
Chiếc áo thứ hai có màu tím nhạt của hoa sim, là quà của người lính chính là ông ngoại tôi. Người lính trở về không vẹn nguyên sau ngày đất nước thống nhất, Bắc Nam sum họp. Trong chiếc ba lô cũ sờn, sắc màu chung thủy, tím thương nhớ cứ ngời lên giữa màu xanh chinh chiến.
Bà ngoại tôi đã tặng lại cho con gái. Cả đời cấy hái nơi đồng ruộng của bà quen với áo nâu, áo thâm. Mỗi khi nhớ ông bà đã khuất núi, nhớ nghề dạy học bao năm, mẹ lại mang chiếc áo dài ra ngắm nghía, bàn tay nhăn nheo chậm chạp vuốt ve, miệng thầm thì câu chuyện cũ.
Kỉ niệm, quá khứ, niềm vui, nỗi buồn, năm tháng và những cũ xưa dội lại khiến mẹ như sống lại tuổi trẻ, với yêu thương. Dù đã về hưu, mỗi ngày 20/11, bà vẫn trang trọng là lượt phẳng phiu chiếc áo, ân cần chào đón những đồng nghiệp, học sinh cũ.
Trước ngày đầu tiên tôi bước lên bục giảng, mẹ đưa tôi ra hiệu may Áo dài Huế, hãnh diện giới thiệu con gái với bà cụ tóc trắng như mây. Cháu gái cụ tỉ mỉ từng thước đo và dịu dàng ướm cho tôi những vóc lụa nhiều màu.
Bà cụ phúc hậu với giọng Huế trầm ấm kể về cuộc đời lưu lạc tha hương rồi chọn bến đỗ cuộc đời ở đất Vĩnh Yên để gây cơ dựng nghiệp. Bao kiểu dáng đã thay đổi nhưng kỹ thuật may áo dài, công đoạn và tấm lòng người thợ vẫn vẹn nguyên.
Tôi cảm nhận được tâm tình, điệu hồn và niềm tin của người xứ Huế, người đã đặt áo dài lên vị trí thiêng liêng, khao khát nối dài sợi dây truyền thống gia đình như dòng sông chảy trôi về biển lớn. Trong thời hiện đại, áo dài vẫn có sức sống bền bỉ mãnh liệt đặc biệt những chiếc áo dài cách tân với kiểu dáng trẻ trung năng động ngày càng được nhiều cô giáo lựa chọn là trang phục đến lớp.
Trong bài giảng văn, tôi cùng các em suy ngẫm về thiện ác, tốt xấu, cao cả và thấp hèn, ánh sáng và bóng tối, hạnh phúc và khổ đau của con người. Chiếc áo trở thành chứng nhân cho sự trưởng thành của cả cô và trò, luôn nhắc tôi rằng cuộc sống cần nhiều hơn những yêu thương, chia sẻ.
Những bài học về dân tộc tính, nhân loại tính, về thức tỉnh và đổi thay, sống đẹp sống có ích cũng có thể nghiền ngẫm từ chiếc áo bình dị. Trong văn học, chiếc áo cũng trở thành một hình tượng nghệ thuật đầy sức gợi làm đắm say bao thế hệ học trò.
Gần hai mươi năm trong nghề, biết bao chiếc áo dài đã đi qua cuộc đời tôi vẫn được cất giữ riêng trong một chiếc tủ. Ngày bình thường, tôi có thể mặc chiếc áo dài cách tân; ngày đại lễ của nghề, tôi trở về với áo dài truyền thống.
Mỗi lần mở tủ ra, thấy tần ngần như gặp lại người tri âm cũ. Tôi cẩn trọng chạm vào lụa là, thấy mát lịm, thấy lưu luyến… Áo dài ùa vào lòng tôi, gọi về một lát cắt cuộc đời, một câu chuyện, một hờn trách? Bao lâu rồi tôi chưa mặc lại chiếc áo dài đầu tiên của đời mình? Bao lâu rồi, áo chưa được tha thướt theo chân người xuống phố?
Không phải những trắng trong của xưa cũ xa lạ với xô bồ, phù hoa thị thành mà bởi sắc vóc không còn đài các, dáng hình không còn thướt tha. Áo dài ở đó, kiêu hãnh và mong manh, sẵn lòng thủy chung một đời với tôi bằng những phẩm tính dịu dàng của mẹ.
Đi trên hành lang của lớp học trong nắng hè cuối tháng Mười rực rỡ, tôi soi mình trong tà áo dài trắng của những nữ sinh bên hàng phượng thắm. Những tà áo thân thương dịu dàng bay trong gió xôn xao gọi về nhạc điệu đầy yêu thương: “Thoáng thấy áo dài bay trên đường phố/ Sẽ thấy tâm hồn quê hương ở đó, em ơi”.
Cảm ơn quê hương đã cho tôi chiếc áo nhiệm màu để tôi hãnh diện nâng niu, say đắm và thủy chung, gửi gắm tình yêu và nỗi nhớ đi suốt cuộc đời dạy học.